Xe tải Kia Frontier biển số 29H-202.32 bị hư hại do va chạm thanh giới hạn chiều cao
Hợp đồng không đính kèm quy tắc bảo hiểm
Ngày 23/6/2021, TAND quận Ba Đình đưa ra xét xử sơ thẩm vụ kiện dân sự thương mại tranh chấp quyền lợi bảo hiểm giữa bên nguyên đơn là chị Bùi Thị Lương (trú tại xã Vĩnh Ngọc, Đông Anh, Hà Nội) và bên bị đơn là Công ty Cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (PTI).
Vụ khởi kiện bắt nguồn từ một vụ va chạm đơn giản giữa xe tải nhẹ do lái xe Nguyễn Minh Hảo điều khiển, tự va vào thanh chắn giới hạn chiều cao trên đường vào KCN Phố Nối A (Hưng Yên).
Theo đó chiếc xe tải nhẹ Kia Frontier mang BKS 29H-202.32 của vợ chồng anh Nguyễn Minh Hảo và chị Bùi Thị Lương, do chị Lương đứng tên trên giấy đăng ký được mua bảo hiểm vật chất của Bảo hiểm bưu điện PTI. Thời hạn bảo hiểm từ 23/3/2019 đến 23/3/2020. Giá trị được bảo hiểm là 365,9 triệu đồng.
Hiện trường vụ va chạm giữa xe tải 29H-202.32 với thanh giới hạn chiều cao
Theo tường trình của nguyên đơn tại tòa, vào ngày 15/11/2019, tại Đình Dù (huyện Văn Lâm, Hưng Yên), xe ô tô tải Kia Frontier mang BKS 29H-202.32 do lái xe Nguyễn Minh Hảo điều khiển di chuyển theo hướng cầu vượt Như Quỳnh (Văn Lâm, Hưng Yên) đi vào khu công nghiệp Phố Nối A.
Do tránh xe đi ngược chiều và không kịp quan sát nên lái xe Nguyễn Minh Hảo đã để xe va vào thanh barie hạn chế chiều cao chắn ngang đường có gắn biển hạn chế chiều cao P.117 ghi trị số 2,2m. Sau va chạm, xe bị rạn vỡ kính chắn gió, hư hỏng thùng xe và cong hệ sát xi.
Sau khi sự việc diễn ra, anh Hảo đã liên hệ với bảo hiểm PTI, đồng thời đi bộ đến đồn công an, mời cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ trên đường vào kiểm tra hiện trường.
Cảnh sát giao thông vào kiểm tra hiện trường, nhưng không lập biên bản hay xử phạt hành chính mà chỉ nhắc nhở lái xe điều khiển xe an toàn.
Theo anh Hảo, Công ty bảo hiểm PTI không cử giám định viên xuống hiện trường ngay thời điểm tai nạn mà 1 ngày sau đó (16/11/2019), anh Cường - giám định viên PTI mới lập biên bản giám định hiện trường và biên bản làm việc giữa các bên.
Ngày 20/11/2019, Công ty Bảo hiểm Bưu điện Hải Hưng (là công ty con của PTI) gửi cho chị Bùi Thị Lương văn bản từ chối bồi thường vụ tổn thất xe ô tô BKS 29H-202.32 vì thiệt hại thuộc điểm loại trừ "xe đi vào đường cấm, khu vực cấm; rẽ, quay đầu tại nơi bị cấm…”, theo quy tắc bảo hiểm tự nguyện ô tô của PTI.
Không đồng tình với cách giải quyết của PTI, ngày 9/1/2021, chị Bùi Thị Lương làm đơn khởi kiện Công ty bảo hiểm PTI ra TAND quận Ba Đình, yêu cầu PTI bồi thường 22 triệu đồng, gồm 19,25 triệu đồng chi phí sửa chữa xe ô tô và 2,75 triệu đồng là khoản lãi chậm trả của việc bồi thường, sau 19 tháng xảy ra sự kiện tổn thất.
Bản ảnh chụp hiện trường va chạm, sau khi xe đã được dẹp sang một bên để giải phóng mặt đường
Tại phiên tòa, lái xe Nguyễn Minh Hảo khai rằng, anh có bằng lái xe hạng C nhưng không biết rõ chiều cao của xe mình điều khiển; tình huống lúc đó là do mải chú tâm tránh né xe ngược chiều nên mới va vào thanh chắn. Anh khẳng định đây là lỗi hoàn toàn vô ý nên phải được bồi thường bảo hiểm.
Anh Hảo cũng lập luận rằng sau va chạm, anh không bị cảnh sát giao thông lập biên bản, xử phạt lỗi “đi vào đường cấm, khu vực cấm”, nên việc bảo hiểm PTI kết luận xe ô tô 29H-202.32 đi vào “đường cấm, khu vực cấm” để loại trừ là không có cơ sở.
Chưa hết, anh Hảo nói rằng trong Hợp đồng bảo hiểm xe ô tô (số 00002331/HD/016 - PKD3/XO/2019) ký với bảo hiểm PTI, không quy định điều khoản loại trừ, cũng không có quy tắc bảo hiểm đính kèm. Phía PTI cấp giấy chứng nhận bảo hiểm cho anh bằng cách gửi qua đường bưu điện, cũng không giải thích cho khách hàng về các điều khoản bảo hiểm, đặc biệt là điều khoản loại trừ.
Tại Toà, phía bị đơn là Bảo hiểm PTI cho rằng, đã cập nhật đầy đủ quy tắc bảo hiểm lên trang web chính thức của công ty, đồng thời cho rằng nhân viên ngân hàng TPBank khi tư vấn để bán bảo hiểm, phải có trách nhiệm giải thích rõ điểm loại trừ theo đúng quy trình của PTI.
PTI cũng dẫn chiếu hàng loạt quy chuẩn của Bộ GTVT để chứng minh, biển báo và thanh chắn mà xe Kia Frontier của anh Hảo va chạm là biển báo hiệu đường cấm xe cao trên 2,2m. Xe anh Hảo đã lăn bánh qua vị trí cắm biển cấm nên bị loại trừ bảo hiểm.
Huyện Văn Lâm (Hưng Yên) xác nhận biển báo và thanh chắn nhằm mục đích cấm xe cao trên 2,2m đi vào
Sau khi xét hỏi các bên đương sự và nghe phần tranh tụng, Hội đồng xét xử (HĐXX) công bố công văn số 474/UBND-KTHT ngày 24/5/2021 của UBND huyện Văn Lâm, cung cấp tài liệu chứng cứ theo yêu cầu của TAND quận Ba Đình.
Trong công văn, ý kiến thứ nhất của UBND huyện xác nhận đoạn đường nói trên (tên gọi là tuyến đường ĐH.12B) và các biển báo trên tuyến đường này nằm trong thẩm quyền quản lý của UBND huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên.
Ý kiến thứ hai, huyện Văn Lâm cho rằng thanh chắn barie hạn chế chiều cao, có biển tròn hạn chế chiều cao và biển chỉ dẫn được lắp đặt là đúng quy định, phù hợp quy chuẩn QCVN 41:2016/BGTVT về báo hiệu đường bộ.
Ý kiến thứ ba, chính quyền huyện Văn Lâm khẳng định biển báo hạn chế chiều cao nói trên có hiệu lực cấm các xe có chiều cao trên 2,2m đi qua.
Sau 1 ngày xét xử, HĐXX tòa án quận Ba Đình tuyên, toàn bộ nội dung trong đơn của chị Bùi Thị Lương kiện bảo hiểm PTI là không có căn cứ, không được HĐXX chấp nhận.
Ngoài ra, các nội dung khác do bên nguyên đơn nêu tại tòa, rằng phía ngân hàng TPBank cử nhân viên không có chứng chỉ đại lý bảo hiểm để bán bảo hiểm cho chị Bùi Thị Lương, hoặc ý kiến luật sư bên nguyên đơn đề nghị tòa chuyển hồ sơ vụ việc lái xe Hảo có dấu hiệu của hành vi "trục lợi bảo hiểm" sang cơ quan công an để điều tra làm rõ, HĐXX cũng cho rằng không có căn cứ, nên không xem xét.
Thùng xe bị hư hại, việc sửa chữa khắc phục hết khoảng 19 triệu đồng
Chủ đơn không tâm phục với bản án sơ thẩm
Trao đổi với PV Báo Giao thông sau phiên xử, anh Nguyễn Minh Hảo cho biết do quá mệt mỏi sau khi xảy ra vụ việc, cộng với việc kinh doanh vận tải khó khăn, vợ chồng anh buộc phải bán xe để trả nợ ngân hàng TPBank. Hiện vợ chồng anh vẫn mang nợ số tiền sửa chữa xe đã vay mượn từ bạn bè.
Anh Hảo cho biết sẽ tiếp tục kháng cáo, theo đuổi vụ việc đến cùng bởi anh chưa "tâm phục khẩu phục" bản án sơ thẩm.
Chuyên gia bảo hiểm Nguyễn Khắc Xuân (Giám đốc Công ty Tư vấn bảo hiểm InFair) cho biết: "Là người theo dõi vụ việc từ đi đòi bồi thường bảo hiểm dẫn đến kiện tụng hy hữu này ngót 2 năm qua, từ số tiền đòi bồi thường chưa đến 20 triệu đồng mà đương sự phải khởi kiện, theo tôi có những uẩn khúc nào đó nên được cơ quan tố tụng xem xét hết sức cẩn trọng ở phiên tòa phúc thẩm sắp tới".
Cũng theo ông Xuân, điểm thứ nhất là các cơ quan tư pháp cần soi chiếu vào hợp đồng bảo hiểm đã được các bên giao kết ra sao, từ đó làm căn cứ phân xử mới đi đến bản án thấu tình đạt lý. Khi hợp đồng không đính kèm quy tắc thì coi như không có điểm loại trừ.
"Trường hợp 2 phiên xử của TAND quận Hoàn Kiếm (xử sơ thẩm) và TAND thành phố Hà Nội (xử phúc thẩm) vụ việc khách hàng kiện Bảo hiểm Bảo Việt cũng tương tự như vậy. Theo đó Bảo Việt không trình được hợp đồng, không có quy tắc đính kèm nên thua kiện", ông Xuân nêu ví dụ.
Thứ hai là tòa án cần triệu tập nhân viên ngân hàng TPBank tên là Đặng Vân Anh, là người thực hiện việc bán bảo hiểm, để kiểm tra tại thời điểm bán bảo hiểm của PTI cho khách hàng (chủ xe Bùi Thị Lương) thì chị Vân Anh đã có chứng chỉ bảo hiểm hay chưa. Khi bán có tư vấn giải thích quy tắc bảo hiểm, giải thích điểm loại trừ cho chị Bùi Thị Lương theo đúng quy định tại khoản 2 điều 17 Luật kinh doanh bảo hiểm hay không?
Báo Giao thông sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận