Ngay khi thông tin giảm lệ phí trước bạ dành cho xe sản xuất, lắp ráp trong nước sắp được áp dụng, thị trường ô tô dần nóng trở lại, các mẫu xe rục rịch tăng giá, cắt giảm ưu đãi.
Khách đổ xô đến các đại lý đặt cọc xe, hưởng ưu đãi sau thông tin sắp giảm lệ phí trước bạ
Đổ xô đặt cọc, “găm xe” chờ giảm phí trước bạ
Theo ghi nhận của PV Báo Giao thông tại một loạt các đại lý ô tô ở Hà Nội, lượng khách tới xem xe, đặt cọc tăng đột biến để hưởng ưu đãi về giá.
Đồng thời, dùng chiêu găm hàng tại đại lý chờ chính sách giảm lệ phí trước bạ mới đóng nốt tiền, xuất hóa đơn, nhận xe để làm thủ tục đăng ký nhằm hưởng mức giá lăn bánh tốt hơn.
Nhiều khách hàng có ý định lấy xe cuối tháng 10, đầu tháng 11 cũng đều báo hoãn, chưa muốn nhận xe dù đã trả đủ giá trị xe.
Tình huống này tương tự năm 2020, khi có thông tin Chính phủ sẽ giảm phí trước bạ, nhiều khách mua xe chấp nhận chờ 1 - 2 tháng để được hưởng chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ.
Tại showroom Hyundai Phạm Văn Đồng sáng 1/11, hàng chục khách tới showroom làm các thủ tục để đặt cọc mua xe. Nhân viên bán hàng cho biết, đã lâu rồi mới lại xuất hiện hình ảnh nhộn nhịp như vậy.
“Dịp cuối tháng 10/2021, các mẫu xe của Hyundai vẫn được ưu đãi đáng kể về giá nên nhiều khách hàng đã đặt xe với mong muốn được lợi kép”, nhân viên bán hàng tại đại lý Hyundai Phạm Văn Đồng cho biết thêm.
Tại đại lý Ford Hà Nội, tình trạng khách hàng xin hoãn không nhận hai mẫu xe lắp ráp trong nước là Ranger và EcoSport cũng tăng nhanh chóng.
“Tâm lý khách ai cũng muốn vừa được giảm giá lại được giảm thuế nên đại lý cũng hỗ trợ cho khách ký đặt cọc chờ thời điểm giảm lệ phí để nhận xe. Tuy nhiên, tùy từng đại lý có thể cho khách ký chờ tối đa một tháng hoặc muốn lâu hơn phải đóng đủ giá trị xe”, nhân viên tại đại lý Hà Nội Ford chia sẻ.
Không phải khách hàng nào cũng may mắn đặt xe kịp giá ưu đãi, bởi theo ghi nhận, đầu tháng 11/2021, hầu hết các mẫu xe lắp ráp trong nước đều đã rục rịch tăng giá trở lại.
Điển hình như mẫu xe Hyundai Accent các phiên bản gần như đã quay về giá bán niêm yết, tăng từ 30 - 50 triệu đồng so với giá ưu đãi trong tháng 10/2021.
Hay mức giảm từ 90 - 105 triệu đồng dành cho Honda CR-V nay được các đại lý giảm xuống chỉ còn từ 75 - 80 triệu đồng.
Ford Ranger và EcoSport cũng rục rịch tăng giá, trong đó Ranger gần như bán với giá niêm yết còn EcoSport do doanh số “bết bát” nhiều tháng nay dù tăng giá nhẹ vẫn được ưu đãi từ 30 - 40 triệu đồng, tùy từng phiên bản.
Có ý kiến cho rằng, động thái này của các hãng xe, đại lý sẽ ảnh hưởng đến chính sách kích cầu thị trường ô tô của Chính phủ.
Tuy nhiên, theo đại diện Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam, việc này rất khó đánh giá bởi mỗi hãng xe sẽ phải tự cân đối theo thực tế, nhu cầu và sức cung của mình để đưa ra giá bán.
Trước khi có chính sách của Nhà nước, đặt trong bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh, các đại lý, hãng xe đã phải giảm giá xuống dưới mức có lãi để duy trì hoạt động, thậm chí bán lỗ lấy doanh số. Khi có sự hỗ trợ của nhà nước và thị trường sôi động hơn rõ ràng họ sẽ không thể duy trì tình trạng kinh doanh như vậy.
Ô tô “đắp chiếu” tại đại lý
Sự tăng giá nhanh chóng của các mẫu xe vào thời điểm này trong khi chính sách giảm lệ phí trước bạ chưa biết có được ban hành hay không khiến nhiều khách hàng rơi vào tình cảnh bấp bênh, đắn đo.
Sau khi thấy giá xe tăng, nhiều người đã chuyển sang lựa chọn mua ô tô cũ.
Anh Phạm Tuấn (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, giữa tháng 10/2021, anh tìm mua xe Hyundai Accent phiên bản AT được các đại lý báo giá 465 triệu đồng.
Nhưng đến ngày 25/10, khi thông tin sắp giảm lệ phí trước bạ bắt đầu xuất hiện, các đại lý đã tăng giá bán lên 10 triệu đồng chỉ trong một ngày.
“Sáng nhân viên đại lý báo giá 470 triệu đồng, đầu giờ chiều tôi chuyển 10 triệu đồng để đặt cọc xe thì lúc sau nhân viên gọi báo, do tôi chuyển tiền cọc sau 12h trưa nên giá xe đã tăng lên 475 triệu đồng. Vì chưa biết có được giảm phí hay không nên tôi đã rút cọc và tìm kiếm một chiếc xe cũ”, anh Tuấn chia sẻ.
Nhân viên một đại lý VinFast tại Hà Nội cho biết, không chỉ những khách đặt cọc gần đây muốn chờ để hưởng ưu đãi giảm lệ phí trước bạ mà ngay cả khách hàng mua xe từ trước, đã xuất hóa đơn nhưng chưa nhận xe cũng muốn để xe lại đại lý chờ khi nào chính sách giảm lệ phí được áp dụng thì nhận xe.
“Theo hướng dẫn mới về nộp thuế, không còn quy định thời gian kê khai nộp lệ phí trước bạ nên dù xuất hóa đơn quá 30 ngày, khách hàng cũng sẽ không bị phạt khi đi nộp thuế nhưng vẫn bị phạt chậm đăng ký xe tại cơ quan công an với mức phạt từ 2 - 4 triệu đồng đối với cá nhân và 6 - 8 triệu đồng đối với tổ chức, công ty. Con số này so với mức giảm phí trước bạ, khách hàng vẫn được lợi rất nhiều”, nhân viên đại lý VinFast tại Hà Nội cho biết.
Tuy nhiên, theo nhân viên này, khách được lợi là thế nhưng đại lý lại gặp khó khăn về tài chính, do phải chịu chi phí gửi xe cho khách, mỗi xe mất ít nhất 600 nghìn đồng/tháng.
“Chưa kể, nhiều khách hàng mua xe VinFast Lux A2.0 và Lux SA2.0 sử dụng voucher Vinhomes, trong khi đại lý phải bỏ 100% giá trị xe đóng cho công ty để nhận xe về giao cho khách. Nhưng chỉ khi khách đi đăng ký xe có công chứng nộp lại, đại lý mới được công ty hoàn về 200 triệu đồng. Số tiền ứng ra trả tiền xe cho khách, nhiều đại lý phải vay từ ngân hàng và chịu lãi, khiến gánh nặng tài chính ngày một lớn”, lãnh đạo một đại lý xe VinFast tại Hà Nội chia sẻ.
“Do đó, hiện một số đại lý đã bất đắc dĩ phải đề nghị những khách hàng đã xuất hóa đơn mà chưa nhận xe phải ký văn bản tự chịu mức phí trông xe và phí ngân hàng thay cho đại lý trong quá trình chờ chính sách giảm lệ phí trước bạ từ Nhà nước”, nhân viên bán hàng của VinFast cho biết thêm.
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo Nghị định hỗ trợ sản xuất kinh doanh trong điều kiện bình thường mới, trong đó có nội dung giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất lắp ráp trong nước, dự kiến áp dụng từ ngày 15/11 năm nay đến hết 15/5 năm sau.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận