Indonesia lo ngại ngành xuất khẩu ô tô sẽ gặp khó vì nghị định mới từ Việt Nam |
Các nhà sản xuất ô tô tại Indonesia đang đối mặt với tương lai ảm đạm về xuất khẩu. Nguyên do không chỉ xuất phát từ nhu cầu xe ngày càng giảm mà còn vì lo ngại ảnh hưởng bởi nghị định mới về ô tô tại Việt Nam.
Lo ngại tổn thất 85 triệu USD trong 3 tháng
Lo lắng của Jakarta liên quan tới Nghị định số 116/2017/ND-CP của Việt Nam về sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và cấp giấy phép ô tô nhằm thắt chặt hoạt động nhập khẩu phương tiện bốn bánh được Việt Nam ban hành từ tháng 11/2017 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2018.
Báo Business Times hôm 25/2 viết, theo quy định mới, các nhà nhập khẩu ô tô vào Việt Nam bắt buộc phải có giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ô tô nhập khẩu (VTA). Loại giấy này bao gồm chi tiết chất lượng ô tô, mức độ an toàn và bảo vệ môi trường, do cơ quan xuất nhập khẩu của Việt Nam cấp.
Ngoài ra, chính quyền địa phương sẽ chọn ngẫu nhiên một mẫu xe từ các lô xe nhập khẩu để kiểm tra an toàn kỹ thuật, chất lượng và khí thải. Việc thanh tra sẽ được lặp lại với những lần nhập hàng tiếp theo, trên tất cả các mẫu xe kể cả cùng một mẫu.
Trước quy định này, Tổng giám đốc Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Indonesia (Gaikindo), ông Kukuh Kumara nêu ý kiến: “Quy định mới đòi hỏi các nhà sản xuất xe phải chịu thêm chi phí và cả tổn thất về thời gian. Để một cuộc thanh tra hoàn tất, có thể mất 1 - 2 tháng. Trong khi đó, các loại xe khác trong lô hàng sẽ phải nằm chờ ở cảng và bị tính phí kho vận theo ngày”.
Đồng chủ tịch Gaikindo, ông Jongkie Sugiarto cho rằng, các nhà sản xuất ô tô Indonesia không lo ngại vấn đề về chất lượng xe theo yêu cầu từ Việt Nam bao gồm: Động cơ tiêu chuẩn châu Âu 4, túi khí, hệ thống chống bó phanh mà lo ngại về yêu cầu kiểm tra ngẫu nhiên mẫu xe. “Quy định thanh tra này sẽ gây khó khăn cho các nhà xuất khẩu xe hơi Indonesia vì bắt buộc phải thực hiện trên từng mẫu xe trong mỗi chuyến hàng. Nếu kiểm tra không đạt yêu cầu, các doanh nghiệp Indonesia sẽ bắt buộc phải chuyển lô hàng về”, ông Jongkie Sugiarto nói.
Cục trưởng Cục Thương mại quốc tế thuộc Bộ Thương mại Indonesia, ông Oke Nurwan cho rằng, nếu các nhà sản xuất Indonesia không thể xuất khẩu ôtô sang Việt Nam, nước này có thể phải chịu tổn thất khoảng 85 triệu USD trong giai đoạn từ tháng 12/2017 - 3/2018.
Bên cạnh đó, ông Nurwan cho rằng, nghị định của Việt Nam đã được thi hành sớm và có lẽ cần phải thông báo những ý định có thể gây hạn chế hoạt động thương mại sớm hơn, trước khi chính thức thực thi và có hiệu lực.
Tiếp cận mềm mỏng
Lo lắng về các vấn đề phát sinh từ nghị định mới của Việt Nam, Gaikindo đã gửi thư lên Bộ Công nghiệp hôm 27/1, trong đó cho biết bốn nhà sản xuất ô tô là: Toyota, Suzuki, Daihatsu và Hino phải dừng các kế hoạch sản xuất đối với 9.337 phương tiện dự kiến xuất khẩu tới Việt Nam.
Số xe này đáng lẽ phải được sản xuất trong thời kỳ từ tháng 12/2017 - 3/2018. Indonesia thường xuất khẩu khoảng 30 nghìn ô tô sang Việt Nam/năm, trong đó 4 hãng trên là những nhà xuất khẩu lớn nhất, ông Kukuh nói.
Lá thư của Gaikindo được gửi cùng ngày Tổng thống Indonesia Joko Widodo gặp gỡ Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc trong Hội nghị Thượng đỉnh cấp cao ASEAN - Ấn Độ tại New Delhi, Ấn Độ.
Thủ tướng Indonesia khi đó cũng cho rằng, chính sách mới có thể sẽ tác động tới thương mại song phương giữa hai nước vốn đang tăng trưởng trong 3 năm qua. Theo Cơ quan Thống kê Trung ương (BPS), xuất khẩu ô tô chở khách của Indonesia tới Việt Nam từ tháng 1 - 11/2017 đạt giá trị 241,2 triệu USD, tăng đáng kể so với 17,78 triệu USD trong năm 2016. Indonesia cũng xếp trong top 3 nhà xuất khẩu ô tô chở khách hàng đầu sang Việt Nam sau Thái Lan và Trung Quốc với thị phần chiếm 13,12%.
Hiện nay, Indonesia đang tìm kiếm hướng giải quyết vấn đề một cách mềm mỏng. Theo ông Nurwan, Chính phủ Indonesia sẽ cử một phái đoàn tới Việt Nam để xúc tiến các hoạt động vận động hành lang, giải quyết vướng mắc sớm nhất.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận