• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái
360° xe

Kinh doanh xe máy ngoại giá rẻ: Từ huy hoàng đến lụi tàn

10/11/2014, 07:31

"Uây Tầu" là chữ mà giới bình dân dùng để gọi những chiếc xe máy do một số công ty lẫn hợp tác xã cơ khí, tổ hợp công nông ở Trung Quốc sản xuất, nhái theo kiểu dáng xe Wave của Honda.

Thời hoàng kim của các cửa hàng bán xe
Thời hoàng kim của các cửa hàng bán xe "Uây Tầu"

Ấy thế mà 9, 10 năm trước, xe "Uây Tầu" đã làm mưa làm gió trên thị trường nước ta. Tuy nhiên, “bạo phát thì bạo tàn”, người tiêu dùng Việt giờ đây đã quay lưng với loại xe bảo hành “sáu tháng” nhưng… “sáng tháo”. Chỉ đau đớn cho các đại lý, cửa hàng đã lỡ dại tin vào sự chiếm lĩnh thị phần của “Uây Tầu”.

"Buôn bán lúc này ế ẩm lắm anh ơi, đâu như hồi 2002, 2003…" - Ông Lâm, chủ một cửa hàng bán xe gắn máy trên đường Hoàng Văn Thụ, quận Tân Bình than thở  khi tôi hỏi thăm tình hình kinh doanh của ông. Ông bảo: "Hồi đó, một ngày tui bán 10 - 15 xe là chuyện thường nhưng bây giờ, cả tháng không "đẩy" được một chiếc".

Đúng như ông Lâm nói, suốt gần hai tiếng đồng hồ ngồi trò chuyện với ông, tôi chỉ thấy có một cặp vợ chồng bước vào, mà cũng vào nhìn ngó rồi đi ra chứ không hề hỏi ông một câu. Với diện tích khoảng 60m2, cửa hàng ông Lâm trưng bày không dưới 40 chiếc xe gắn máy mới tinh, đồng hồ đo kilômét mới chỉ ở con số 3 hoặc 4, tất cả đều là "Uây Tầu" mà thoạt nhìn, nó giống y chang xe Nhật từ kiểu dáng đến màu sắc, chỉ khác là ở phần máy phía bên bộ ly hợp, thay vì là chữ Honda hoặc Suzuki, Yamaha, Kawasaki thì nó là Loncin, Lifan, Hondo, Deam, Fujilvic…

Bạn tôi, anh Trần, giám đốc một công ty xuất khẩu thủy hải sản, thường xuyên đi Trung Quốc như đi chợ… Bến Thành nói: "Lấy thí dụ như Lifan chẳng hạn, đây là một công ty lớn, sản xuất được cả xe hơi cao cấp. Nếu là xe gắn máy Lifan chính gốc thì giá của nó cũng ngang ngửa xe Nhật vì họ mua bản quyền của Nhật nhưng một số tổ hợp, hợp tác xã cơ khí ở Vân Nam, Quảng Tây đã làm nhái nên  khi đưa sang Việt Nam, mỗi chiếc có giá chỉ 5 - 6 triệu đồng".

Thời điểm ấy, có thể nói không ngoa rằng đường sá Việt Nam, từ thành thị đến nông thôn, tràn ngập các loại "Uây Tầu". Ở Đắk Lắk, Pleiku, Kon Tum, Bình Phước, Lâm Đồng…, nhiều đại lý xe cho người vào tận nhà nông dân, đặt vấn đề đổi xe lấy cà phê, lấy hột điều. Sau khi hai bên đã thỏa thuận số lượng thì chỉ ngay hôm sau, đại lý đưa xe về giao tận nơi, còn cà phê, hột điều đến mùa mới lấy. Nghe nói ở mấy tỉnh biên giới phía Bắc, xe "Uây Tầu" còn rẻ hơn nữa, giá chỉ từ  4 - 4,5 triệu đồng. Chả thế mà một bạn đồng nghiệp của tôi ở báo Quảng Ninh cho biết tại Móng Cái, nhiều gia đình 5 người thì có đến 4 chiếc "Uây". Tại TP HCM, giới công nhân làm việc trong các khu công nghiệp, giới xe ôm phần lớn đều chọn "Uây Tầu" làm phương tiện đi lại, kiếm sống.

Ông Nguyễn Văn Vạn, nhà ở trong một con hẻm trên đường Phạm Văn Chí, quận 6, làm nghề xe ôm cho biết: "Năm 2003, nếu mua xe Dream II của Nhật - dù là xe đã qua sử dụng giá cũng 9 - 10 triệu trong lúc một chiếc "Uây Tầu" mới tinh, giá chỉ 5,5 triệu đồng, đã bao gồm thuế và thủ tục giấy tờ".

Xuất phát điểm của những loại "Uây Tầu" là vào năm 2000. Khi ấy nhiều doanh nghiệp chế tạo xe máy Trung Quốc được Nhà nước Việt Nam cho phép đầu tư với một số ưu đãi - nhưng bản quyền mẫu mã lại không được các cơ quan chức năng Việt Nam giám sát chặt chẽ nên chỉ một thời gian ngắn, hàng loạt những chiếc xe kiểu dáng y hệt Dream II, Kawasaki Max, Wave Alpha, Future Neo, Suzuki Viva… nhưng đóng mác Loncin, Hondo, Lifan, Deam… giá rẻ đã tràn ngập thị trường, chưa kể hàng chục nghìn cụm linh kiện được các hợp tác xã, tổ hợp cơ khí lớn nhỏ gia công rồi tuồn vào Việt Nam bằng nhiều đường. Sau đó, nó được lắp ráp thành những chiếc xe hoàn chỉnh. Chả trách cùng một nhãn hiệu Loncin, nhưng chiếc này giá 11 triệu, còn chiếc kia chỉ có 5 triệu đồng.

Ông Tuấn, chủ một cửa hàng buôn bán xe "Uây Tầu" ở đường Lê Đại Hành, quận 11 cho biết: "Xe 11 triệu là hàng "chính hãng", còn 5 triệu là hàng hợp tác xã. Tiền nào của nấy, 11 triệu thì chắc chắn phải bền hơn".

Cùng lúc với sự xuất hiện của "Uây Tầu", nhiều doanh nghiệp Việt Nam cũng bắt đầu cuộc chạy đua mở cửa hàng bán xe gắn máy. Nếu như thời điểm ấy, xe Nhật đều được nhập khẩu, bị đánh thuế khá cao, người bán muốn có lãi thì họ phải tăng thêm vài ba triệu trên mỗi đầu xe, dẫn đến giá cả nằm ngoài tầm với của số đông người lao động thì xe "Uây Tầu" nhắm vào phân khúc bình dân, có mức thu nhập trung bình. Kết quả là chỉ trong vài năm, "Uây Tầu" đánh bại hoàn toàn các hãng sản xuất Nhật Bản trên thị trường xe gắn máy.

Đi theo chiến thắng lẫy lừng ấy, từ năm 2002 đến 2008, các cửa hàng bán xe "Uây Tầu" mọc ra như nấm. Ngay cả những thị trấn nhỏ như Vũng Liêm (Vĩnh Long), Đầm Dơi (Cà Mau) hoặc heo hút như Sa Thầy (Kon Tum)…, thị trấn nào cũng có năm bảy cửa hàng, còn các thành phố lớn thì khỏi nói. Để tạo niềm tin với khách hàng, nhiều nơi người bán giới thiệu "Uây Tầu" là xe liên doanh với Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Hàn Quốc, Đài Loan, thậm chí có chỗ còn "nổ" là xe Trung Quốc nhưng máy Nhật!

Một số cửa hàng trên đường Nguyễn Tri Phương, quận 10 trưng bày những chiếc "Uây Tầu" nằm trong thùng gỗ, nhìn y như xe nhập khẩu nguyên chiếc để lòe khách. Bà Huyền, ở thị trấn Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau cho tôi biết để mở cửa hàng, bà phải đem sổ đỏ căn nhà thế chấp ngân hàng, vay tiền, nộp cho một doanh nghiệp đầu mối để nhận xe.

Bà nói: "Nếu làm đại lý cho các hãng xe Nhật thì mình phải có vốn lớn. Lúc nhận xe, mình chỉ phải trả trước cho họ vài chục phần trăm trên tổng giá trị rồi khi bán xong, mình thanh toán đủ cho họ thì họ mới làm giấy tờ. Còn các hãng sản xuất Trung Quốc, họ không bán trực tiếp cho mình mà bán cho các doanh nghiệp đầu mối. Sau đó, tùy theo sức mua trên thị trường mà doanh nghiệp định giá với mình, còn mình bán bao nhiêu thì tùy".

Chính vì thế, thị trường xe "Uây Tầu" có sự cạnh tranh rất khốc liệt. Không ít doanh nghiệp vốn lớn đã loại bỏ đối thủ bằng cách chấp nhận bán hạ giá cho các cửa hàng và chỉ vài đợt như vậy là đối thủ phá sản vì không chịu nổi tiền lãi ngân hàng, tiền vay nóng.

Ông Thuấn, chủ một cửa hàng bán xe "Uây Tầu" trên đường Cách Mạng Tháng Tám, quận 3, nay đã "sập tiệm" rầu rĩ nói: "Tôi đem sổ đỏ thế chấp ngân hàng được 1,5 tỉ rồi mua một lô xe. Tiền mướn mặt bằng lẫn tiền chi phí công nhân, thuế má, mỗi tháng gần 40 triệu. Được khoảng 6 tháng, một cửa hàng khác ở gần chỗ tôi đột ngột hạ giá một chiếc Dream II (hàng nhái) từ 5 triệu xuống còn 4,5 triệu, một chiếc Wave Alpha (cũng là hàng nhái) từ 6 triệu xuống 5,5 triệu, lại còn tặng thêm bình nhớt".

Không thể chạy đua với họ vì lô xe ông mua, giá vốn hai loại lần lượt là 4,3 triệu và 5,4 triệu, ông cố cầm cự nhưng cũng chỉ được thêm 6 tháng nữa. "Cuối cùng, tôi phải chấp nhận bán lỗ toàn bộ lô xe để có tiền trả lãi ngân hàng, trả lương thầy thợ" - ông Thuấn nói. Và do không còn đủ  tiền để giải chấp, căn nhà của ông đã bị ngân hàng phát mãi, vợ chồng con cái phải dọn về ở nhờ nhà cha mẹ ông.

Cùng cảnh ngộ như ông Thuấn, bà Hạnh, chủ một cửa hàng bán xe "Uây Tầu" trên đường Phan Đăng Lưu, quận Phú Nhuận, nay cũng đã phá sản, cho biết: "Tôi vay nóng 600 triệu để mua một lô Dream II đóng mác Hondo. Mới bán chưa được 20 chiếc thì họ tung ra loại xe "Uây", rồi Future Neo, giá chỉ đắt hơn Dream II từ 650 nghìn đến 1 triệu. Chưa hết, khi họ tung ra xe "Uây" thì Dream II từ 5 triệu tụt xuống chỉ còn 4,5 triệu. Thế là tôi chết đứng".

Chỉ cho tôi xem gần 100 chiếc "Dream Tầu" nằm chất đống trong kho, nhiều chiếc đã xuống cấp, lốp xẹp, nước sơn phai màu, ắc quy hỏng, bà Hạnh cay đắng: "Cả nhà tôi giờ phải dọn về ở trong kho vì căn nhà đã thế chấp ngân hàng lấy tiền trả tiền vay nóng. 4 tháng nữa, nếu không giải chấp được thì chưa biết sẽ ra sao…".

Tuy nhiên, cũng chỉ một thời gian ngắn, xe "Uây Tầu" đã bộc lộ những nhược điểm chí tử. Theo anh Khánh, thợ máy tại một tiệm sửa xe máy ở đường Nguyễn Chí Thanh, quận 5 thì hỏng hóc hay gặp nhất của dòng xe Trung Quốc là hư IC, cuộn điện nguồn, bình ắc quy, bộ đề, hệ thống dây dẫn điện, hệ thống đèn, đồng hồ đo tốc độ, đo số kilômét.

Ông Vạn, người chạy xe ôm mà tôi đã nói ở trên cho biết: "Mới mua về, nó chạy ngọt lắm nhưng chỉ 6 tháng sau, mỗi lần "đề", bộ đề kêu cành cạch, chưa kể kính đèn pha phía trước cũng chỉ 6 tháng đã mờ đục, chạy buổi tối nhiều khi không thấy đường".

Anh Hồng, công nhân của Công ty Sung Yu - khu công nghiệp Tân Tạo nói: "Đi được hơn một năm, chiếc Future Trung Quốc của tôi giờ đây máy nổ như xe tăng, vành xe, săm lốp do kích thước không phù hợp, bạc đạn kém chất lượng nên mỗi lần chạy, nó đảo, lắc, chưa kể 1 lít xăng chỉ chạy được tầm 35km…".

Tại cửa hàng của ông Lâm, nhìn chiếc Suzuki Sirius còn mới cứng nhưng khi tôi đưa tay bóp nhẹ thì yếm xe cong ngay, màu sơn cũng không đều, tem xe không sắc nét. Ông Lâm nói: "Cứ 1 - 2 tháng, tôi lại phải cho thợ đảo bánh xe vì nếu để lâu một chỗ, lớp cao su ở phần vỏ xe tiếp xúc với mặt đất sẽ bị nhão". Chưa kể đến những tai nạn xảy ra với xe "Uây Tầu", chẳng hạn như gãy lìa thân xe, xe tự nhiên bốc cháy cũng khiến người tiêu dùng thận trọng hơn khi chọn mua.

Theo ý kiến của các chuyên gia ngành cơ khí chế tạo máy, xe máy Trung Quốc thường không có chế độ bảo hành rõ ràng, mà người bán chỉ nói miệng "nếu gặp hư hỏng cứ đem lại đại lý", còn nếu có bảo hành thì thời gian cũng rất ngắn, chỉ khoảng 6 tháng nên dân gian mới có câu "bảo hành sáu tháng là… sáng tháo" (tháo ra để sửa chữa). Bên cạnh đó, xe mắc nhiều lỗi kỹ thuật, sau khi lắp ráp hầu như không qua một khâu kiểm tra chất lượng nào nên nguy cơ trục trặc, cháy, nổ rất cao.

Phượng, sinh viên Đại học Kinh tế TP HCM mà tôi gặp tại cửa hàng sửa chữa xe máy của anh Khánh trên đường Nguyễn Chí Thanh nói như than: "Mới mua 3 tháng mà nó chảy nhớt dầm dề khiến bà chủ nhà trọ chỗ em ở than phiền quá xá!". Hỏi anh Khánh, anh giải thích: "Do mặt tiếp xúc giữa "đầu nòng" chứa "xu páp" và xi lanh mài không nhẵn, lại thêm "gioăng" là đồ dỏm nên khi xiết lại, nó không kín hoàn toàn khiến nhớt xì ra".

Vẫn theo anh Khánh, điều khiến khách hàng than phiền nhất với xe "Uây Tầu" là mỗi khi sang số, phải đạp khá mạnh: "Nguyên nhân là do lò xo trong bộ ly hợp không chuẩn, chưa kể nhông, sên, đĩa, vỏ xe mòn rất nhanh, bộ giảm xóc chỉ được vài tháng là trơ, đi trên đường gồ ghề chẳng khác gì ngồi xe bò" - anh Khánh nói.

Đến lúc này, các hãng xe Nhật mới phản đòn. Bằng cách nhắm vào phân khúc trung bình, họ cho ra đời những chiếc xe gắn máy chất lượng cao, nhưng giá chỉ từ 14 đến 18 triệu đồng/chiếc. Bên cạnh đó, nhiều cửa hàng còn áp dụng hình thức bán trả góp nên việc mua một chiếc xe chính hãng không còn là việc quá khó khăn đối với giới bình dân. Hệ quả là những cửa hàng bán xe "Uây Tầu" chết đứng, chết ngồi, chết đủ kiểu.

Theo CAND

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.