Những nguy hiểm tiềm ẩn khi lái xe trên đường sương mù
Khi lái xe trong thời tiết sương mù bao quanh, tầm nhìn của người lái sẽ bị hạn chế, tầm nhìn quan sát tốt nhất trong khoảng dưới 10m. Ngoài ra, sương mù dày đặc sẽ khiến đường xá trơn trượt hơn, các tài xế sẽ khó nhìn được các vật cản phía trước và không xử lý kịp thời các tình huống trong khi lái xe, từ đó gây ra các vụ tai nạn, va chạm.
Bên cạnh việc tầm quan sát bị hạn chế, việc không khí chênh lệnh giữa bên ngoài và bên trong xe cũng khiến nhiều bác tài "ngột ngạt", ảnh hưởng đến sức khỏe và tâm lý lái xe. Để giải quyết tất cả những vấn đề trên, hãy lắng nghe những "bài học" của nhiều tài xế lâu năm có nhiều kinh nghiệm chia sẻ.
Sử dụng hệ thống đèn
Đèn sương mù hiện đang là trang bị tiêu chuẩn trên hầu hết các dòng xe, hệ thống này gồm hai phần là đèn sương mù phía trước và sau. Đèn sương mù có nhiệm vụ định vị và hỗ trợ tăng sáng khi xe chạy trong điều kiện hạn chế.
Khi di chuyển trong điều kiện thời tiết có sương mù hoặc mưa phùn, đèn sương mù giúp tài xế quan sát mặt đường, phương tiện đối diện cũng như giúp phương tiện đi ngược chiều dễ dàng định vị và nhận biết, tránh xảy ra các va chạm do giảm tầm nhìn.
Ngoài ra, tài xế còn có thể sớm nhận ra ánh đèn sương mù phía sau xe đi trước để giữ khoảng cách phù hợp với các phương tiện cùng tham gia giao thông. Hệ thống đèn sương mù hoạt động độc lập với đèn pha trong những tình huống đèn pha không thể mang đến tầm quan sát tốt.
Do được hoạt động độc lập với hệ thống đèn nên đèn sương mù sẽ sử dụng hệ thống công tắc riêng. Để đảm bảo chắc chắn đèn sương mù đã được bật, lái xe có thể chọn một vị trí an toàn trên đường sau đó bật đèn và bước xuống quan sát xe đèn có hoạt động không.
Lời khuyên là các bác tài không sử dụng đèn pha để đi trong sương mù. Đèn pha thường có khúc xạ màu trắng, nó sẽ khiến làn sương mù tạo thành một lớp tường ánh sáng ngay trước mặt làm giảm tầm nhìn, khiến người lái càng bị hạn chế hơn.
Trong điều kiện như vậy, hãy sử dụng đèn sương mù trên xe, nếu xe không được trang bị thì có thể bật đền chiếu gần để di chuyển. Nếu sương mù dày đặc quá, hãy sử dụng đèn khẩn cấp để cảnh báo cho các xe đi sau.
Không nên bật nhạc khi đang di chuyển, điều này khiến xung đột âm thanh giữa bên trong ngoài và bên trong xe khiến các tài xế mất tập trung. Đôi khi người lái phải hạ thấp kính cửa xuống một chút để có thể nghe rõ các phương tiện đang di chuyển xung quanh xe của mình.
Giữ tốc độ và khoảng cách an toàn
Chú ý giữ khoảng cách giữa các xe với nhau, đi đúng làn đường, phần đường của mình, sử dụng đều chân ga, sử dụng phanh hợp lý không ga dồn, không phanh gấp và đặc biệt không được đánh lái đột ngột cũng là một cách để giảm thiểu rủi ro khi tham gia giao thông trong thời tiết sương mù.
Tập trung quan sát, bật tín hiệu cảnh báo cho các xe khác để tránh xảy ra mất an toàn. Hãy lắng nghe âm thanh của xe cộ lưu thông trên đường trong trường hợp bạn không thể quan sát được. Hạn chế sử dụng các công cụ giải trí bằng âm thanh để có thể nghe được tốt âm thanh bên ngoài hơn.
Cần giữ tốc độ trong giới hạn cho phép, luôn chấp hành tốt các quy định về đảm bảo an toàn giao thông và bình tĩnh xử lý các tình huống bất ngờ xảy ra. Đặc biệt không nên vượt khi lái xe trong sương mù dày đặc.
Sử dụng các cấp số chính xác khi đi đèo
Sương mù không chỉ gây cản trở tầm nhìn của tài xế mà còn khiến các cung đường trở nên trơn trượt, trong trường hợp lái xe đổ đèo và gặp điều kiện đường sương mù thì cần chuyển về số thấp để hỗ trợ phanh động cơ, giảm áp lực cho hệ thống chân phanh.
Với xe hộp số sàn khi đổ đèo hãy chọn số thấp. Với xe hộp số tự động có thể chuyển sang chế độ số tay thông qua lẫy chuyển số trên vô-lăng hay chọn chế độ thấp ở cần số.
Khi lên dốc cần đi ở số thấp để tận dụng lực kéo, ngược lại khi xuống dốc cũng về số thấp để phanh động cơ ghìm xe đúng tốc độ. Một mẹo mà các tài xế thường truyền tai nhau rằng khi lên dốc số nào thì cần xuống dốc ở cấp số đấy.
Sử dụng hệ thống sấy kính
Hiện tượng sương mù sẽ khiến toàn bộ các cửa kính bị hấp hơi, khiến tầm nhìn càng trở nên khó khăn. Trên các dòng xe ô tô hiện nay, hầu hết đều được trang bị hệ thống sấy kính lái trước sau, có một số dòng xe hiện đại được trang bị thêm chức năng sấy gương chiếu hậu.
Đây là công nghệ giúp khắc phục hiện tượng hơi nước ngưng tụ trên kính xe. Hệ thống sấy kính lái hoạt động bằng nút bấm hoặc công tắc và sử dụng đồng hồ bấm giờ để tắt nhiệt sau một khoảng thời gian nhất định. Thông thường hệ thống này hoạt động từ 10-15 phút.
Khi bật chức năng sấy kính, người lái nên đóng kín các cửa sổ vì nếu có không khí lạnh bên ngoài lọt vào trong xe, hệ thống sấy kính sẽ hoạt động không hiệu quả, khó loại bỏ hơi nước bám trên kính.
Tài xế cần lưu ý tắt chức năng này sau khi đã xử lý hết hơi nước ngưng tụ trên kính, để tránh quá tải hệ thống điện, tối ưu hóa việc sử dụng nhiên liệu và hiệu quả của điều hòa.
Bật sưởi kính lái
Trời sương mù thường đi kèm với nhiệt độ bên ngoài thấp, tác động trực tiếp lên bề mặt kính lái. Mặt trong kính lái sẽ nhanh chóng mờ đi do lượng hơi nước bắt đầu ngưng tụ. Hầu hết các xe ngày nay đều trang bị hệ thống sưởi kính lái chỉ với một nút bấm, hãy sử dụng chức năng này để không bị hạn chế tầm nhìn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận