Ở nước ta có nhiều con đèo lớn, sở hữu cảnh đẹp hùng vĩ nhưng cũng là những cung đường nguy hiểm, nhiều đoạn uốn lượn quanh co. Vì vậy, để có một chuyến du xuân an toàn trên những cung đường đèo, tài xế cần chuẩn bị tốt, trang bị đầy đủ kiến thức, kinh nghiệm và tuân thủ đúng quy định dưới đây.
Đi đúng phần đường
Đường đèo thường hẹp, một bên là vách núi, một bên là vực thẳm. Nếu xảy ra tình huống đối đầu nguy hiểm, xe thường không có không gian để tránh. Do đó khả năng va chạm với xe ngược chiều rất cao.
Vì thế khi đi đường đèo, tài xế cần tuyệt đối chỉ đi đúng phần đường của mình, không lấn làn. Nếu thấy xe ô tô hay xe máy quen đường nào đó lấn đường phóng nhanh thì cũng không nên bám theo họ, phòng trường hợp đột ngột xảy ra sự cố chủ phương tiện không kịp xử lý.
Không bám sát vạch kẻ đường
Khi chạy trên đường đèo, một số người kém ý thức thường phóng nhanh, vượt ẩu, lấn làn thiếu quan sát… dễ đẩy các phương tiện đi ngược chiều vào tình huống nguy hiểm.
Vì thế để đảm bảo an toàn không nên bám quá sát vạch kẻ đường, nhất là khi xe vào cua hay khi lái xe đường mưa, lái xe đường trơn, lái xe đường sương mù… Hãy để lại khoảng trống để đề phòng các tình huống bất ngờ.
Nếu thấy xe chạy ngược chiều lấn làn, chạy tốc độ cao, "chém đường" khi vào cua thì tốt nhất nên cho xe bám theo vạch giới hạn hay cọc tiêu bên phải để tránh.
Chạy đúng tốc độ quy định
Điều này đặc biệt quan trọng ở những khúc cua mà có gắn biển giới hạn tốc độ cho phép. Người lái cần tuân thủ đúng tốc độ này để đảm bảo an toàn.
Ngay cả khi thấy đường vắng cũng không nên chạy quá tốc độ bởi nếu gặp tình huống bất ngờ sẽ không xử lý kịp. Trong trường hợp bị xe sau bấm còi hối thúc hãy chủ động tấp vào nhường đường.
Giữ khoảng cách an toàn
Một kinh nghiệm leo đèo an toàn đó là cần giữ khoảng cách với xe phía trước. Dù là khi leo đèo hay xuống đèo tuyệt đối cũng không bám đuôi, nhất là với các xe tải lớn, xe container, đầu kéo…
Việc giữ khoảng cách an toàn sẽ giúp người lái có thể xử lý kịp thời nếu xảy ra tình huống bất ngờ, ví dụ như xe phía trước phanh gấp hay xảy ra sự cố.
Sử dụng đèn phù hợp
Nếu đi đèo vào ban ngày, trời nhiều sương, có mấy mù thì nên bật đèn sương mù và đèn định vị LED ban ngày.
Nếu lái xe vào ban đêm, khi leo đèo thì dùng đèn pha với chế độ chiếu xa/chiếu gần phù hợp với tình hình thực tế. Nên chuyển từ đèn chiếu xa sang chiếu gần nếu thấy xe ngược chiều hay khi chuẩn bị vào cua.
Luôn cẩn thận khi vào cua
Phần lớn các vụ tai nạn giao thông trên đường đèo xảy ra ở khúc cua. Nguyên nhân do lấn đường khi vào cua, vượt ẩu khi vào cua, chạy quá nhanh khi vào cua…
Do đó mỗi khi vào cua người lái phải thật cẩn trọng, chú quan sát (quan sát đường và gương cầu lồi bố trí bên đường), giảm tốc độ, bóp còi báo hiệu, cua tròn, không lấn sang làn ngược chiều và cũng không nên bám sát vạch kẻ tim đường. Tuyệt đối không cua gấp, vào cua tốc độ cao.
Tránh vượt ẩu
Rất nhiều vụ tai nạn xảy ra trên các cung đường đèo có nguyên nhân là do chủ xe vượt ẩu. Đường đèo rất hẹp nên để vượt thường phải lấn sang làn đường ngược chiều. Khi này nếu gặp phải xe chạy ngược chiều, cả hai không phanh kịp thì rủi ro va chạm rất lớn.
Theo quy định trong Luật GTĐB, xe không được phép vượt khi chạy ở đường vòng, đầu dốc, vị trí có tầm nhìn hạn chế, đường không đảm bảo an toàn cho việc vượt… Mà đường đèo chính là nơi có nhiều đoạn vòng, dốc, tầm nhìn hạn chế nên thuộc một trong các trường hợp không được phép vượt.
Trên đường đèo cũng thường có các biển báo cấm vượt, làn đường được phân chia bởi vạch sơn liền. Do đó không vượt ẩu trên đèo, vượt ở nơi không cho phép vượt, nhất là vượt ngay khúc cua khuất.
Không rà phanh liên tục
Nếu rà phanh khi đổ đèo phanh sẽ chịu áp lực rất lớn. Điều này dễ làm phanh bị nóng, gây mòn má phanh, cháy phanh, mất phanh.
Do đó khi xuống đèo cần sử dụng phanh động cơ bằng cách chuyển xe về số thấp. Còn với chân phanh thì chỉ đạp dứt khoát trong tình huống cần thiết, không rà phanh lâu.
Đổ đèo không về số N và tắt máy xe
Khi đổ đèo tuyệt đối không chuyển số về N hay tắt máy xe. Nhiều nhiều nghĩ rằng đây là cách tiết kiệm xăng. Tuy nhiên thực tế lại vô cùng nguy hiểm. Bởi khi chuyển số về N hay tắt máy xe, xe sẽ trôi tự do rất nhanh theo quán tính. Lúc này, người lái chỉ có thể kiểm soát tốc độ xe bằng chân phanh.
Nhưng nếu rà phanh liên tục trên đoạn đường dài, phanh rất dễ bị nóng, khiến cháy phanh, thậm chí tình huống xấu nhất là xe bị mất phanh.
Trong khi chuyển về số thấp, xe sẽ được hỗ trợ phanh bằng động cơ, người lái không cần dùng nhiều phanh. Do đó, tuyệt đối không về N hay tắt máy xe khi xe đổ đèo.
Chủ động nhường đường
Để đảm bảo cung đường đèo luôn an toàn, chủ phương tiện luôn phải trang bị cho mình tính kiên nhẫn, bởi khi đi đèo, đường hẹp, một bên vách núi một bên vực sâu, địa hình thì quanh co khúc khuỷu…
Do đó nếu có thể hãy luôn chủ động nhường đường. Bởi điều này không chỉ thể hiện ý thức hỗ trợ người khác khi tham gia giao thông mà còn là cách tự bảo vệ bản thân, tránh các rủi ro không đáng có.
Dừng đỗ đúng nơi quy định
Đường đèo rất hẹp nên không được phép tự ý dừng đỗ, chỉ dừng đỗ trong tình huống khẩn cấp và cần bật đèn cảnh báo. Trên đường đèo thỉnh thoảng sẽ có một số trạm dừng đỗ, người lái có thể dừng đỗ tại đây để đảm bảo an toàn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận