Sáng 5/6 tại Hà Nội, cơn mưa lớn kéo dài khiến nhiều tuyến đường bị ngập nặng, phương tiện di chuyển khó khăn. Trong điều kiện đường ngập nước, nếu không có kinh nghiệm, phương tiện có thể còn phải đối mặt với những rủi ro, dẫn đến tốn chi phí sửa chữa.
Tài xế ô tô gặp đường ngập nước cần phải làm gì?
Trao đổi với PV Báo Giao thông, một nhân viên cứu hộ giao thông cho biết trong trường hợp thấy đường ngập nước, an toàn nhất, tài xế không nên di chuyển qua mà hãy chọn lộ trình khác an toàn hơn nếu có thể.
Nếu xe di chuyển vào đường ngập chết máy, hoặc bị ngập khi đang đỗ, tài xế không nên cố gắng đề nổ lại bởi sẽ dẫn tới thuỷ kích. Khi đó, chi phí sửa chữa cũng rất cao.
"Trong trường hợp xe bị ngập sâu, ví dụ gần tới nóc, kể cả xe cứu hộ cũng sẽ phải tính toán trong việc tiếp cận. Đơn vị cứu hộ có thể sẽ phải có người di chuyển tới vị trí của xe, móc tời để kéo", nhân viên này nói thêm.
Một tài xế có kinh nghiệm lâu năm cho biết nếu muốn di chuyển qua đoạn đường ngập nước cần phải đánh giá tình hình một cách cẩn thận.
Đối với các dòng xe gầm cao, việc đi qua đường ngập nước sẽ dễ dàng hơn xe gầm thấp. Tuy nhiên để an toàn, nếu chỗ ngập sâu nhất chỉ tới nửa bánh xe thì tài xế mới nghĩ tới việc đi qua.
Trong quá trình di chuyển qua đường ngập nước, tài xế cũng nên tắt điều hoà, đi bằng số thấp.
Bên cạnh đó, cần giữ đều ga, không tăng hoặc giảm ga đột ngột.
Ngoài ra, tài xế cũng cần tránh chạy cạnh xe lớn, hoặc gần xe ngược chiều vì các xe này có thể tạo sóng nước khiến nước dễ tràn vào khoang máy.
Giám đốc Việt Đức Autospa (Hà Nội) cho biết, ô tô sau khi bị ngập nước cần phải được kiểm tra, bảo dưỡng kỹ để tránh gỉ sét, đọng nước bên trong xe hoặc hỏng hóc về sau. Còn nếu xe đi đường ngập bị chết máy thì chắc chắn phải sửa chữa thêm cả hệ thống động cơ.
"Trong trường hợp xe bị thuỷ kích, tuỳ vào mức độ và loại đồ thay thế sử dụng là chính hãng hay OEM, chi phí sửa chữa sẽ khác nhau. Chi phí sửa chữa phổ biến có thể dao động từ vài chục triệu đến hơn trăm triệu đồng", giám đốc Việt Đức Autospa nói thêm.
Đi xe máy qua đoạn đường ngập cũng không được chủ quan
Nếu người đi xe máy gặp đường ngập nước, không may bị chết máy, chi phí sửa chữa, bảo dưỡng sẽ thấp hơn nhiều so với ô tô. Tuy vậy, người điều khiển xe cũng không được chủ quan mà cần phải có kinh nghiệm xử lý.
Với xe máy, khi gặp đoạn đường ngập nước, người điều khiển nhớ luôn đi xe ở số 2 với xe số vì đi số 1 sẽ bị giật. Đối với xe tay ga luôn đi với mức ga tương đối lớn để tránh nước tràn vào pô xe và bộ phận quạt gió.
Tuyệt đối không được giảm ga trong suốt quá trình, việc này sẽ gây chết máy ngay lập tức.
Một chủ một cửa hàng sửa chữa xe ở Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết, nếu xe bị chết máy do bị ngập nước, chủ xe không nên cố khởi động lại vì có thể nước đã lọt vào xy-lanh và việc cố khởi động động cơ có thể dẫn tới bị cong tay biên.
Trong tình huống này, chủ xe cần đưa xe ra khỏi khu vực ngập nước rồi tắt khóa điện, dựng xe trên chân chống chính và tháo bugi ra. Sau đó, đạp cần khởi động (với những xe có cần đạp) vài lần để nước thoát hết ra khỏi xy-lanh, lau khô bugi và nắp chụp, rồi mới lắp bugi vào để đạp nổ.
Đồng thời, chủ xe nên tháo que thăm dầu ra kiểm tra xem dầu có bị nước vào không. Nếu có nước vào thì tốt nhất nên thay dầu máy trước khi khởi động xe.
Nếu chủ xe, nhất là chị em phụ nữ, chưa quen với các thao tác này, có thể gọi đến số hotline trung tâm dịch vụ hoặc cửa hàng sửa chữa xe của hãng để nhờ các kỹ thuật viên đến tận nơi trợ giúp.
Trường hợp xe không chết máy thì khi về đến nhà, chủ xe cần kiểm tra dầu máy ngay. Nếu dầu bị biến màu (từ vàng nhờ sang trắng sữa) thì phải súc rửa động cơ và thay dầu máy mới. Nếu dầu không biến màu thì 1 - 2 ngày sau cũng cần kiểm tra lại.
Đối với xe tay ga, ngoài việc kiểm tra dầu máy, chủ xe nên lưu ý kiểm tra thêm cả dầu truyền động cuối để đảm bảo bộ phận truyền động của xe cũng hoạt động tốt.
Ngoài ra, khi di chuyển xe máy trong mùa mưa còn gặp tình trạng bùn bẩn bám vào xe, động cơ gây han gỉ và ăn mòn má phanh, nhông xích. Lâu dần sẽ khiến phanh không hoạt động hiệu quả, nhông xích bị đứt, chão gây nguy hiểm cho người điều khiển.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận