Theo lộ trình, đến năm 2040, Việt Nam sẽ từng bước hạn chế tiến tới dừng sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu ô tô, xe máy dùng nhiên liệu hóa thạch để chuyển sang xe điện. Theo các chuyên gia, dù có nhiều thách thức nhưng kế hoạch này hoàn toàn khả thi.
Theo Bộ GTVT, tại Việt Nam hiện nay chỉ có VinFast và VinBus sản xuất ô tô, xe buýt điện
Kế hoạch tham vọng nhưng cần thiết
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vừa ký Quyết định số 876, phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành GTVT.
Theo đó, đến năm 2040 sẽ từng bước hạn chế tiến tới dừng sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu xe ô tô, xe mô tô, xe gắn máy dùng nhiên liệu hóa thạch để sử dụng trong nước.
Đến năm 2050, 100% phương tiện giao thông cơ giới đường bộ chuyển đổi sang sử dụng điện, năng lượng xanh.
Nhận định về mục tiêu này, một đại diện Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho rằng, ngay lúc này có lẽ sẽ chưa hãng nào làm kế hoạch đến năm 2040 vì quá xa.
“Thường doanh nghiệp chỉ làm kế hoạch 5 năm, tầm nhìn 10 năm. Tuy nhiên, khi quyết định được ban hành, các hãng sẽ phải điều chỉnh kế hoạch, lộ trình điện hóa ô tô. Bản thân VAMA cũng đã phải điều chỉnh lộ trình điện hóa, thời gian sớm hơn so với dự định. So với Liên minh châu Âu, lộ trình của Việt Nam chậm hơn nhưng phù hợp với hoàn cảnh và tình hình thực tế.
PGS.TS. Đàm Hoàng Phúc (Đại học Bách khoa Hà Nội) nhận định, với tình hình công nghệ, kỹ thuật trên thế giới hiện nay, nếu Việt Nam chuyển đổi thì hoàn toàn có thể làm được. Thách thức còn lại là về mặt tài chính, thói quen người sử dụng, hạ tầng trạm sạc.
“Rất nhiều quốc gia đã đưa ra lộ trình cho ô tô điện nhưng chủ yếu là phương tiện cá nhân. Một số nước trên thế giới còn có lộ trình dừng sản xuất và kinh doanh xe động cơ đốt trong nhưng phương tiện cũ vẫn được sử dụng. Sau đó, họ có thể sẽ đưa ra chính sách để khuyến khích người dân chuyển sang phương tiện xanh. Hoặc người dân thấy khó quá khi sử dụng xe động cơ đốt trong sẽ tự chuyển sang xe điện”, ông Phúc nói thêm.
Vẫn còn nhiều thách thức
Đến năm 2050, 100% phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy thi công tham gia giao thông chuyển đổi sang sử dụng điện, năng lượng xanh
Theo chuyên gia ô tô Nguyễn Minh Đồng, để triển khai kế hoạch này, đầu tiên là hệ thống trạm sạc trên các tuyến đường cao tốc, quốc lộ phải được đầu tư.
Ví dụ trên mỗi tuyến ít nhất phải có khoảng 5 điểm sạc, mỗi điểm có thể sạc cùng lúc từ 20 – 30 xe.
Thêm vào đó, công nghệ pin cũng cần phải được nâng cao, như sạc nhanh chỉ khoảng 15 phút là đầy 100% pin. Ngoài ra, thu nhập của người dân cũng phải tăng lên gấp nhiều lần so với hiện nay.
“Phát triển ô tô điện cũng cần phải tính đến bài toán đáp ứng được nguồn cung cấp điện. Bên cạnh đó, điện được phát triển phải là loại điện xanh, không sử dụng điện than nữa. Theo tôi, sẽ phải mất ít nhất khoảng 50 năm nữa chúng ta mới có thể rời bỏ được hoàn toàn nhiên liệu hóa thạch”, chuyên gia Nguyễn Minh Đồng nói thêm.
Theo một chuyên gia trong lĩnh vực ô tô, quyết định đã đưa ra lộ trình, định hướng dài hạn, mục tiêu cụ thể rõ ràng. Việc ban hành sớm lộ trình này giúp các hãng xe có sự chủ động trong việc xây dựng chiến lược.
Tuy nhiên, để đi vào thực tiễn cần phải có những quy định cụ thể hơn. Cần có các chính sách rõ ràng thúc đẩy hạ tầng cho xe điện, chính sách thúc đẩy đầu tư, sản xuất lắp ráp xe điện tại Việt Nam để thu hút các nhà sản xuất. Bởi nếu không, các hãng xe có thể sẵn sàng chuyển sang nhập khẩu.
“Do đây là chuyển đổi mang tính bước ngoặt, cần phải đầu tư mới… Việc thực hiện quy hoạch điện cũng cần phải có thời gian triển khai. Đây là bài toán rất lớn của Nhà nước về năng lượng”, vị chuyên gia nói.
Theo PGS.TS. Đàm Hoàng Phúc, với tốc độ và kỳ vọng như lộ trình đề ra không phải quá thách thức về mặt công nghệ. Thách thức ở đây sẽ là hạ tầng và thói quen sử dụng. Khi đưa ra chính sách mà hạ tầng không đủ để đáp ứng thì khó đạt được mục tiêu.
“Hạ tầng tương đối nhưng người tiêu dùng không sẵn sàng, hay tài chính chưa đủ thì cũng cần xem xét. Vì vậy, cần phải có chính sách mạnh mẽ thúc đẩy hạ tầng, hỗ trợ tài chính, thay đổi thói quen người tiêu dùng. Điều đó như thể “kiềng 3 chân” để phát triển xe điện”, ông Phúc nói thêm.
Theo đánh giá của Bộ GTVT, với xu hướng tất yếu trong việc sử dụng xe điện cùng với nỗ lực của Chính phủ trong việc thúc đẩy phát triển giao thông các-bon thấp, thị trường xe điện ở Việt Nam dự kiến sẽ đạt gần 27 triệu chiếc vào năm 2030.
Theo một chuyên viên phụ trách đề án của Vụ Môi trường (Bộ GTVT), để hiện thực hóa Quyết định 876, Bộ cũng đã giao nhiệm vụ cho các cơ quan, Cục, Vụ đề xuất. Vụ sẽ tổng hợp các đề xuất rồi từ cơ sở đó sẽ báo cáo lãnh đạo bộ quyết định. Để đạt được lộ trình, mục tiêu phải có những bước đi cụ thể, thích hợp.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận