Giảm tuổi thọ và độ tin cậy của các chi tiết tổng thành
Mỗi chiếc xe khi được xuất xưởng sẽ được các nhà thiết kế tính toán với quá trình bảo dưỡng 5.000 - 8.000km hay 6 - 10 tháng tùy hãng sản xuất. Mục đích của việc này nhằm khôi phục trạng thái làm việc hoàn hảo, tăng độ tin cậy và tính an toàn khi di chuyển.
Anh Nguyễn Văn Tuyên, chuyên viên kỹ thuật Toyota cho biết, toàn bộ tổng thành trên ô tô đều được kết nối với nhau thông qua nhiều mối lắp ghép. Sau một thời gian sử dụng giữa các mối nối sẽ xuất hiện sự dơ lỏng và hao mòn. Việc kiểm tra định kỳ nhằm thiết lập lại, đảm bảo mọi mối ghép hoạt động chính xác.
Anh Tuyên chia sẻ, từng có trường hợp do bỏ qua quá trình bảo dưỡng quá lâu, khiến má phanh của chiếc xe mòn hết mà chủ xe không hề hay biết. Lúc này hệ thống phanh mất khả năng tạo lực phanh. Khi di chuyển hệ thống phanh không hoạt động đã dẫn tới tai nạn đáng tiếc.
Giảm hiệu suất động cơ, công suất của xe
Dầu động cơ được nhà sản xuất khuyến cáo thay thế sau 5.000-10.000km, vì sau khi sử dụng dầu động cơ sẽ bị hóa lỏng, mất khả năng bôi trơn chi tiết.
Việc không thay thế dầu động cơ trong một thời gian dài sẽ khiến động cơ làm việc khó khăn do không được bôi trơn, dẫn tới giảm hiệu suất động cơ.
Trong trường hợp xấu, dầu động cơ mất hoàn toàn khả năng bôi trơn hoặc không đủ dầu bôi trơn sẽ làm các chi tiết chuyển động bị bó cứng dẫn tới tình trạng bó máy và chi phí sửa chữa sẽ vô cùng lớn.
Ngoài ra cũng có những chi tiết cần được vệ sinh, thay thế sau một thời gian sử dụng như má phanh, lọc gió… Nếu không thực hiện quy trình này sẽ khiến các bộ phận gặp hư hỏng, giảm độ tin cậy và mất an toàn.
Việc không bảo dưỡng cũng khiến các hệ thống như làm mát, hệ thống nhiên liệu, đánh lửa hoạt động không chính xác gây ra những khó khăn khi chiếc xe di chuyển.
Chi phí sửa chữa tăng cao
Do không được bảo dưỡng nên khi xảy ra sự cố, các chi tiết thường gặp hư hỏng nặng và khó khắc phục, khiến chi phí sửa chữa tăng rất cao.
Ví dụ, đối với lọc gió động cơ được khuyến cáo vệ sinh sau 5.000km và thay thế sau mỗi 30.000km, nhưng nếu không vệ sinh tại 5.000km thì bụi bẩn sẽ tích tụ gây ẩm mốc và hư hỏng. Chỉ sau khoảng 10.000km thì lọc gió lúc này cần phải thay thế vì không thể sử dụng được.
Chưa kể trường hợp lọc gió tích tụ bụi bẩn, lâu ngày bụi bẩn sẽ lọt qua lọc gió đi vào buồng đốt, với hoạt động vận tốc cao của pít-tông và xi-lanh sẽ gây xước làm hao hụt công suất động cơ và hư hỏng cho các chi tiết này.
Việc không bảo dưỡng định kỳ sẽ kéo theo rất nhiều hệ lụy và hư hỏng tới từ tất cả các bộ phận như: động cơ, khung gầm, hộp số, thân vỏ.
Khi những hệ thống này gặp hư hỏng thì không chỉ làm tăng chi phí sửa chữa mà còn khiến tính chất nguyên bản của các hệ thống sẽ bị can thiệp, làm mất giá trị của xe khi mua đi bán lại.
Không đảm bảo an toàn và thoải mái khi lái xe
Bỏ qua bảo dưỡng định kỳ sẽ khiến chủ xe không phát hiện ra lỗi mà xe ô tô gặp phải. Tài xế sẽ phải chịu những cảm giác khó chịu như những tiếng kêu lạ, hay cảm giác bất an vì xe gặp trục trặc như không thể khởi động, phanh rít, phanh chạm sàn, mất lạnh điều hòa…
Cùng với đó những hệ thống an toàn như hệ thống phanh, túi khí và toàn bộ các hệ thống an toàn điện tử khác sẽ gặp các trục trặc dẫn tới hoạt động không chính xác. Việc này sẽ khiến các chuyến đi tiềm ẩn rủi ro, xảy ra tai nạn bất cứ lúc nào.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận