Tỷ lệ người mua ô tô trả góp luôn chiếm khoảng 30 - 40%. Tuy nhiên, việc khó tiếp cận nguồn vay từ ngân hàng và mức lãi suất tăng cao khiến nhiều khách hàng phải thay đổi kế hoạch mua xe.
Vay mua xe phải “bia kèm lạc”
Thị trường ô tô cuối năm 2022 được dự báo sẽ trầm lắng do nhiều yếu tố tác động, trong đó có việc lãi suất vay mua xe tăng cao. Ảnh: Thanh Tùng
Đang tính mua chiếc Kia Sonet trả góp, anh Nguyễn Thành Công (Hà Nội) dự định vay khoảng hơn 300 triệu đồng nhưng đang gặp khó khăn trong quá trình làm hồ sơ vay. Theo anh Công, hiện hầu hết các ngân hàng đang siết việc cho vay mua ô tô.
Thậm chí, anh rất bất ngờ khi có nhân viên ngân hàng yêu cầu phải chi thêm khoản mua bảo hiểm khoản vay, bảo hiểm nhân thọ để được giải ngân.
Theo đại diện Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), thị trường ô tô cuối năm nay nhiều khả năng còn sụt giảm so với cùng kỳ của 2 năm chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, một phần do lãi suất vay mua xe tăng cao. Nhiều khách hàng có nhu cầu song đắn đo việc lãi suất cao và sẽ còn biến động trong thời gian tới. Vì vậy ô tô giá rẻ sẽ bán dễ hơn thế nhưng loại xe này lại đang thiếu hàng.
Trong vai khách hàng có nhu cầu mua xe, PV Báo Giao thông tới một đại lý Nissan tại Hà Nội để tìm hiểu về việc mua một chiếc Nissan Kicks trả góp.
Nhân viên tại đại lý cho biết, hiện lãi suất ngân hàng đang rất cao, như với VPBank đang khoảng hơn 10%.
Thêm vào đó, để hồ sơ vay được ưu tiên, khách hàng sẽ phải chấp nhận mua thêm bảo hiểm nhân thọ.
Nhân viên này cũng chia sẻ, đại lý có liên kết với ngân hàng nên nếu chốt mua có thể xin lãnh đạo đàm phán số tiền mua bảo hiểm nhân thọ giảm xuống, không cao như khi khách tự làm việc với ngân hàng.
“Vay mua xe giờ khó hơn trước, ngân hàng giờ cũng không cần khách do hạn mức tín dụng không còn nhiều. Giờ có điều kiện tốt nhất nên mua xe trả thẳng”, nhân viên đại lý Nissan tư vấn.
Không chỉ vay mua ô tô mới khó khăn mà xe đã qua sử dụng cũng trong tình cảnh tương tự khiến nhiều chủ salon đứng ngồi không yên.
Anh Nguyễn Anh Tú, chủ một salon ô tô cũ trên phố Nguyễn Văn Cừ (Long Biên, Hà Nội) cho biết, khách mua xe trả góp giờ gần như không có.
Lãi vay hiện đã trên 14%/ năm, “thả nổi” từ đầu chứ không còn cam kết lãi suất như trước. Để được duyệt hồ sơ, khách phải chấp nhận mở tài khoản số đẹp 15 - 30 triệu đồng hay mua bảo hiểm nhân thọ khoảng 25 - 40 triệu đồng…
“Có trường hợp khách đã cọc xe được 2 tháng rồi nhưng giờ phải mua bảo hiểm kiểu “ủng hộ” cao quá nên báo không lấy xe nữa. Xe bán lỗ 40 triệu đồng, giờ phải thỏa thuận hỗ trợ khách 20 triệu đồng tiền bảo hiểm để được giải ngân khoản vay. Thế là bán được cái xe lỗ 60 triệu đồng”, anh Tú ngán ngẩm nói.
Một nhân viên ngân hàng Maritime Bank (MSB) còn cho biết, một tháng nay đã không cập nhật lãi suất vay mua xe do hết hạn mức tín dụng, chưa biết bao giờ sẽ được cấp thêm.
“Kể cả khách có chấp nhận mua thêm bảo hiểm cũng phải xếp hàng. Còn khách không đồng ý hỗ trợ mua bảo hiểm thì nhân viên xin phép không thu hồ sơ”, nhân viên này cho biết.
Đại lý mất lượng khách mua xe trả góp
Thị trường ô tô đã qua sử dụng khó khăn hơn, đặc biệt với các dòng xe có giá trên 600 triệu đồng
Một nhân viên kinh doanh ô tô ở Hà Nội nhận định, thị trường ô tô cuối năm nay cả xe cũ lẫn xe mới đều không mấy khả quan. Xe khan hàng, giá tăng, lãi suất vay tăng, bất động sản và chứng khoán đi xuống… đều tác động đến thị trường ô tô cuối năm.
Cùng quan điểm, anh Nguyễn Trọng Quyết, Trưởng phòng Kinh doanh đại lý Mercedes-Benz Haxaco Láng Hạ (Hà Nội) cho biết: “Lượng bán hàng sụt giảm 2 tháng cuối năm có lẽ phải từ 50 - 60%”.
Trưởng phòng kinh doanh đại lý Ford ở Thanh Xuân (Hà Nội) cũng cho biết, các hãng xe phổ thông tỷ lệ khách vay mua xe hiện chiếm từ 30 - 40% nên việc khó vay hơn và lãi suất tăng cao chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến thị trường ô tô. Tuy nhiên, khách hàng nào thực sự cần xe phục vụ sản xuất kinh doanh vẫn phải chấp nhận mua.
Tương tự, một nhân viên đại lý Hyundai ở Hà Đông, Hà Nội cũng cho biết, lãi suất vay mua xe tăng cao khiến đại lý gần như mất khoảng 30% lượng khách mua ô tô trả góp.
Không chỉ kinh doanh ô tô mới gặp khó mà ngay cả phân khúc xe cũ cũng ảnh hưởng. Theo nhận định của anh Nguyễn Anh Tú, có quá nhiều thứ tác động đến nhu cầu mua xe như: Bất động sản, chứng khoán, lãi suất ngân hàng… đặc biệt là ở phân khúc từ khoảng 600 - 800 triệu đồng trở lên.
Phân khúc này thường sẽ bắt đầu xuất hiện nhiều khách mua ô tô trả góp. Còn ô tô có giá rẻ, dưới 600 triệu đồng không ảnh hưởng nhiều, ví dụ như các mẫu xe VinFast Fadil hay Kia Morning…vì dễ mua, dễ bán.
“Thị trường ô tô cận Tết năm nay nói chung khó khăn. Thậm chí do không có khách, phải bán lỗ, chi phí cao… mà một số salon đã bắt đầu không trụ được, phải đóng cửa”, anh Tú nói thêm.
Lãi suất có khả năng tiếp tục biến động
Tìm hiểu qua nhân viên một số ngân hàng như Vietcombank, VIB hay Techcombank… được biết hiện lãi suất vay mua ô tô trả góp hiện hầu hết đều trên 10%/ năm, trong khi giữa năm chỉ từ 7 - 8%.
Có những nơi lãi suất lên đến hơn 14%/ năm. Nhiều ngân hàng có cố định lãi suất từ 1 - 2 năm đầu, sau đó tính lãi theo biến động lãi suất tiền gửi cộng biên độ khoảng 3%. Các nhân viên ngân hàng cũng đều nhận định lãi suất tiền gửi thời gian tới sẽ vẫn còn tăng tiếp và biến động theo tuần.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận