Các thương hiệu Nhật Bản và Hàn Quốc tiếp tục đóng góp lớn vào lượng ô tô con bán ra tại thị trường Việt Nam trong năm 2022. Sau 8 tháng, đa số vị trí dẫn đầu doanh số các phân khúc đang thuộc về xe Nhật hoặc Hàn.
Trong đó, nếu xét riêng nhóm xe gầm cao gồm các mẫu SUV, crossover hạng B, C, D và cỡ lớn, khách hàng Việt đang ưa chuộng ô tô Nhật Bản hơn.
SUV Nhật và Hàn áp đảo nhóm thương hiệu phổ thông
Sau khi VinFast thông báo dừng kinh doanh xe xăng và Ford EcoSport ngừng bán tại Việt Nam, đa số lựa chọn SUV phổ thông hiện đến từ các thương hiệu Nhật Bản và Hàn Quốc. Tính đến hết tháng 8, tổng lượng ô tô gầm cao Nhật và Hàn bán ra đạt 89.948 chiếc, chiếm hơn 90% thị phần SUV.
Doanh số xe gầm cao VinFast (gồm LuxSA 2.0 và VF e34) đạt 3.708 chiếc. Ford - thương hiệu ô tô Mỹ - bán được 3.258 chiếc Everest và Explorer. Một số hãng như Peugeot (Pháp), Volkswagen (Đức), Subaru (Nhật)... không công bố doanh số cụ thể.
Xét riêng xe gầm cao Nhật - Hàn, các thương hiệu Nhật Bản đang chiếm ưu thế với 51.198 chiếc bán ra sau 8 tháng, nhiều hơn 12.448 chiếc so với tổng doanh số hai hãng Hàn Quốc là Kia và Hyundai.
Kết quả này xuất phát từ việc ở đa số phân khúc ô tô gầm cao tại Việt Nam, xe Nhật đang đứng đầu về doanh số. Mặt khác, so với thương hiệu Hàn Quốc, người dùng cũng có nhiều lựa chọn hơn khi tìm mua SUV Nhật Bản.
Cạnh tranh doanh số tại nhiều phân khúc
Hiện tại, tất cả phân khúc xe gầm cao đều đang chứng kiến cuộc đua cho vị trí dẫn đầu doanh số giữa các mẫu ô tô Nhật Bản và Hàn Quốc.
Ở nhóm SUV đô thị (gồm ô tô hạng A và B), tổng lượng xe Nhật bán ra sau 8 tháng đạt 22.203 chiếc - nhỉnh hơn so với 21.985 chiếc xe Hàn Quốc giao đến tay khách hàng, trong đó bao gồm 1.265 chiếc Hyundai Kona - mẫu ô tô đã dừng bán tại Việt Nam.
Khách hàng mua xe Nhật ở phân khúc này chủ yếu lựa chọn Toyota khi Corolla Cross (doanh số 13.368 chiếc) và Raize (4.592 chiếc) chiếm gần 81% trong tổng số 22.203 chiếc. Các mẫu thuộc những thương hiệu còn lại như Honda HR-V (1.722 chiếc), Mazda CX-3 (1.356 chiếc) và CX-30 (1.165 chiếc) bán ít hơn đáng kể.
Trong khi đó, 3 mẫu xe Hàn Quốc là Kia Seltos (9.053 chiếc), Kia Sonet (6.399 chiếc) và Hyundai Creta (5.268 chiếc) có doanh số và thị phần đồng đều hơn.
Tại phân khúc SUV hạng C, lượng xe Nhật bán ra áp đảo xe Hàn Quốc. Cụ thể, doanh số luỹ kế 8 tháng của Mazda CX-5, Honda CR-V và Mitsubishi Outlander đạt 19.694 chiếc - cao hơn nhiều lần so với 6.656 chiếc Hyundai Tucson và Kia Sportage đã bán.
Ở phân khúc này, hai mẫu xe đã lâu không có bản nâng cấp là CX-5 (9.510 chiếc) và CR-V (6.844 chiếc) đang dẫn đầu về doanh số, Hyundai Tucson (5.257 chiếc) đứng thứ ba.
Trên thực tế, CX-5 và CR-V có lợi thế về giá so với các đối thủ Hàn Quốc khi nhiều lần giảm giá mạnh trong thời gian qua. Trái lại, Tucson và Sportage thường xuyên không sẵn xe giao ngay và cũng ít được khuyến mại lớn.
Mặt khác, Sportage là mẫu ô tô mới ra mắt Việt Nam và có doanh số tích luỹ chưa cao. Do đó chưa đóng góp nhiều vào tổng lượng xe Hàn bán ra trong phân khúc.
Tuy nhiên tại nhóm SUV hạng D và E, các mẫu ô tô Hàn Quốc đang được ưa chuộng hơn xe thương hiệu Nhật Bản.
Hai mẫu xe Hàn tại nhóm này là Hyundai Santa Fe và Kia Sorento cùng thuộc hạng D, lần lượt bán được 6.707 và 3.402 chiếc, qua đó đạt tổng doanh số 10.109 chiếc sau 8 tháng của năm 2022.
Có nhiều lựa chọn hơn với Mazda CX-8, Toyota Fortuner, Mitsubishi Pajero Sport, Isuzu mu-X và Toyota Land Cruiser Prado (hạng E), song tổng lượng xe Nhật bán ra ít hơn xe Hàn, đạt 9.129 chiếc.
Ở nhóm này, ngoại trừ Fortuner (5.034 chiếc), các mẫu xe Nhật còn lại như CX-8 (2.653 chiếc), Pajero Sport (871 chiếc), mu-X (260 chiếc) và Land Cruiser Prado (311 chiếc) đều ghi nhận doanh số thấp hơn đáng kể.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận