Lưỡi gạt bị mòn
Lưỡi gạt bị mòn là nguyên nhân phổ biến gây ra tiếng kêu của cần gạt nước. Theo thời gian, lớp cao su trên lưỡi gạt nước trở nên cứng và mòn, dẫn đến giảm hiệu quả gạt và phát ra tiếng kêu.
Theo khuyến cáo của các nhà sản xuất, lưỡi gạt nước mưa nên được thay thế sau 6 đến 12 tháng hoặc sau mỗi 15.000 đến 30.000km sử dụng, tùy theo điều kiện nào đến trước và điều kiện thời tiết vùng sử dụng.
Môi trường nóng ẩm và mưa nhiều tại Việt Nam sẽ khiến những chi tiết cao su nhanh chóng bị lão hóa, người dùng nên thường xuyên kiểm tra lưỡi gạt mưa để đảm bảo chất lượng sử dụng.
Nếu thấy có hiện tượng chai cứng, xuất hiệt các vết nứt rách trên lưỡi gạt thì cần phải thay thế để đảm bảo cần gạt mưa có thể hoạt động tốt, gạt sạch nước.
Có bẩn trên kính hoặc lưỡi gạt
Bụi bẩn và mảnh vụn trên kính chắn gió hoặc lưỡi gạt nước có thể gây ra tiếng kêu. Các hạt bẩn khi mài trên bền mặt kính sẽ tạo ra tiếng kêu. Lưỡi gạt bẩn sẽ làm kênh cao su và không làm sạch hiệu quả, tạo ra vệt nước dài hoặc màng chất lỏng, rất vướng mắt.
Người dùng không nên bật gạt mưa khi kính khô và bụi. Trong trường hợp kính quá bụi cần xịt một lượng nước rửa kính trước, sau đó mới bật chức năng gạt nước. Với thao tác như vậy sẽ đảm bảo bụi bẩn không kẹt vào lưỡi gạt gây tiếng kêu và xước kính chắn gió.
Trong quá trình sử dụng bụi bẩn có thể bị kẹt vào lưỡi gạt mưa khi ở vị trí tĩnh, nên khi rửa xe, người dùng cần lưu ý nhấc cần gạt mưa lên và vệ sinh vị trí tĩnh của cần gạt mưa. Để đảm bảo bụi bẩn được làm sạch, không bị kẹt trên lưỡi gạt.
Ngoài ra bề mặt kính chắn gió bị mốc, bị xước cũng có thể tạo ra những tiếng rít khi cần gạt mưa hoạt động.
Khung cần gạt mưa bị hỏng
Tay gạt và khung gạt mưa có nhiệm vụ giữ lưỡi gạt đúng vị trí và tạo lực đều lên bền mặt kính. Nếu một trong các bộ phận này bị hư hỏng hoặc bị cong, nó sẽ khiến gạt mưa bị rung và kêu trong khi vận hành.
Trong một số trường hợp, khung bị hỏng còn có thể làm gạt mưa nhảy trên kính mà không ăn vào bền mặt. Ngoài ra lực siết ốc giữa khung cần gạt và mô-tơ gạt nước rất quan trọng. Nếu lực siết ốc quá lớn sẽ làm tăng ma sát tiếp xúc giữa lưỡi gạt với kính chắn gió, còn nếu lực siết quá nhẹ sẽ không đảm bảo truyền lực chính xác từ mô-tơ gạt mưa tới cần gạt.
Lắp sai kích thước gạt mưa
Kích thước gạt mưa quá lớn hoặc quá nhỏ cũng có thể là nguyên nhân gây ra tiếng kêu khi gạt. Vì sai kích thước dẫn đến lưỡi gạt không tiếp xúc hoàn toàn với bề mặt kính, tạo ra tiếng kêu do ma sát ít.
Nhiều thợ gara vì không có đúng cỡ chuẩn nên tự ý thay những kích thước chỉ cần phủ đủ mặt kính. Người dùng nên lựa chọn thay thế lưỡi gạt có kích thước bằng với lưỡi gạt theo xe, ngoài ra cũng nên sử dụng lưỡi gạt chính hãng tránh mua những loại trôi nổi trên thị trường.
Điều kiện thời tiết và nước rửa kính không tốt
Khi gạt mưa trong trời mưa lớn, gió to cũng là nguyên nhân gây ra tiếng kêu. Vì lúc này do khí động học mà cần gạt mưa bị áp sát quá mạnh vào kính tạo ra ma sát lớn hơn bình thường và dẫn đến ồn.
Sử dụng nước lọc, nước xà phòng, nước rửa kính kém chất lượng là một trong các nguyên nhân gây ra tiếng kêu. Vì nước rửa kính tiêu chuẩn sẽ tạo ra độ trơn, khả năng tẩy rửa bề mặt tốt nên không có tiếng kêu. Các loại chất lượng kém sẽ tạo ra ma sát lớn nên ồn.
Để đảm bảo an toàn giao thông, khi gạt mưa phát sinh tiếng kêu người dùng nên kiểm tra và thay thế những chi tiết hỏng, lão hóa. Không nên sử dụng những loại gạt mưa cũ hay không rõ nguồn gốc.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận