Báo cáo tài chính của nhà phân phối ô tô hàng đầu Savico (SVC) ghi nhận quý 1, doanh thu thuần đạt 4.792 tỷ đồng, tăng gần 14% so với cùng kỳ 2022.
Tuy nhiên, lợi nhuận trong 3 tháng qua chỉ là 14,7 tỷ đồng, giảm 85% so với cùng kỳ năm 2022, giá trị hàng tồn kho được thống kê là 2.089 tỷ đồng.
Đại lý Volvo Long Biên (Hà Nội) trực thuộc hệ thống phân phối của Savico (Ảnh: Lam Anh)
Giá trị hàng tồn kho chiếm gần 40% doanh thu trong kỳ thống kê, khiến nhà phân phối lớn chật vật xoay xở trong bối cảnh thị trường chung lao dốc, sức mua ảm đạm.
Savico đang phân phối 10 nhãn hiệu ô tô tại Việt Nam gồm: Toyota, Ford, Honda, Hyundai, Mitsubishi, Suzuki, Volvo, VinFast...
Các nhà phân phối lớn khác như Haxaco (chiếm 38% thị phần xe Mercedes-Benz) cũng chung tình cảnh lợi nhuận giảm sâu.
Với doanh thu giảm hơn 40% so với cùng kỳ, Haxaco đạt doanh thu 993 tỷ đồng nhưng lãi ròng chỉ khoảng 3,5 tỷ đồng trong quý 1, giảm 92% so với cùng kỳ năm trước.
Ngày 28/4/2023, Văn phòng Chính phủ có công văn hỏa tốc gửi Bộ Tài chính, truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, nội dung nêu:
Về ưu đãi lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất lắp ráp trong nước, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái sẽ chủ trì cuộc họp để nghe các bộ, ngành báo cáo về nội dung này. Thời gian cuộc họp Văn phòng Chính phủ thông báo sau.
Về gia hạn nộp thuế TTĐB với ô tô lắp ráp trong nước, đồng ý áp dụng trình tự thủ tục rút gọn đối với Nghị định về gia hạn thuế TTĐB theo đề xuất của Bộ Tài chính.
Trước đó, Bộ Tài chính trình 2 phương án giảm phí trước bạ để vực dậy thị trường ô tô đang trong giai đoạn sức mua yếu.
Phương án 1, giảm 50% mức thu phí trước bạ với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Phương án này làm giảm thu ngân sách khoảng 8 - 9 nghìn tỷ đồng.
Phương án 2, giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với cả ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước và ô tô nhập khẩu. Phương án này làm giảm thu ngân sách khoảng 15 - 16 nghìn tỷ đồng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận