Đang có một làn sóng các thương hiệu ô tô Trung Quốc đổ bộ vào thị trường Việt Nam. Điểm khác biệt lần này là hầu hết các thương hiệu, kể cả xe điện sẽ được đầu tư sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam.
Những cuộc rút lui không kèn trống
Mẫu SUV Trung Quốc Chery Omoda 5 được lắp ráp và có phiên bản thuần điện tại Việt Nam từ năm 2024
Giai đoạn những năm 2005 - 2010, một số thương hiệu ô tô du lịch Trung Quốc đã được giới thiệu đến người dùng theo diện chính hãng.
Cụ thể, năm 2006, Tập đoàn Lifan đã hợp tác để lắp ráp, phân phối ô tô ở Việt Nam. Mẫu xe đầu tiên được giới thiệu tới khách hàng Việt là Lifan 520, có giá chỉ bằng phân nửa các dòng ô tô Nhật hay Mỹ thời bấy giờ.
Một số hãng Trung Quốc có kế hoạch xây dựng nhà máy lắp ráp ô tô tại Việt Nam, bao gồm cả xe điện. Đây có thể là giải pháp để họ tận dụng chính sách hỗ trợ phát triển ô tô điện của Việt Nam vốn đang được xây dựng theo hướng ưu tiên sản xuất trong nước.
PGS.TS. Đàm Hoàng Phúc
Lifan còn áp dụng chế độ bảo hành 2 năm hoặc 50.000km, thay vì 18 tháng hoặc 30.000km như đa số hãng khác.
Tuy nhiên, Lifan 520 cũng như các mẫu xe ra mắt tiếp theo như: 320, 620 và 520i đều ghi nhận doanh số ảm đạm và dần biến mất trên thị trường chỉ sau vài năm.
Nửa cuối thập niên 2000 cũng chứng kiến cuộc đổ bộ của hàng loạt mẫu ô tô Trung Quốc giá rẻ đến từ Chery, Tobe, BYD, Geely, Haima… Song, hầu hết đều sớm rút khỏi thị trường Việt Nam.
Theo anh Nguyễn Mạnh Thắng (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), một người có thâm niên tìm hiểu và sử dụng nhiều loại ô tô, xe Trung Quốc giai đoạn này còn nhiều hạn chế, độ bền và sự ổn định thấp.
Phần lớn các mẫu xe đều nhái kiểu dáng, mẫu mã những thương hiệu lớn của Nhật Bản hay phương Tây.
“Không ít mẫu xe Trung Quốc được những nhà phân phối tư nhân nhập về Việt Nam mà gần như không có các chính sách hậu mãi. Điều này khiến nhiều người mua ô tô Trung Quốc cảm thấy bất an, mất niềm tin”, anh Thắng nói.
Còn theo anh Chính Trí, chủ một showroom ô tô cũ tại quận Cầu Giấy (Hà Nội), xe Trung Quốc có tính thanh khoản thấp do ít khách hàng có nhu cầu.
Độ bền kém và thiếu phụ tùng thay thế là những lý do khiến người dùng không ưa chuộng: “So với ô tô Nhật Bản hay Hàn Quốc, xe Trung Quốc mất giá hơn khoảng 2 lần và cũng rất hiếm người làm xe cũ chọn để kinh doanh”.
PGS.TS. Đàm Hoàng Phúc, Viện Cơ khí động lực (Đại học Bách Khoa Hà Nội) nhận định, ô tô Trung Quốc chưa thành công về doanh số bởi người dùng Việt vẫn còn tâm lý không thích hàng Trung Quốc, do “ác cảm” sẵn có của những mẫu xe máy có xuất xứ từ quốc gia này mang lại.
Ngoài ra, hệ thống cơ sở bảo dưỡng, dịch vụ bán hàng và sau bán hàng không được chú trọng phát triển cũng là yếu tố dẫn tới việc người dùng ngại mua.
Cơ hội nào cho lần trở lại?
Mẫu ô tô điện mini bán chạy nhất thế giới Wuling Hongguang Mini EV sẽ được lắp ráp và phân phối tại Việt Nam
Sau quãng thời gian trầm lắng, thời gian gần đây một số mẫu ô tô Trung Quốc bắt đầu thu hút sự chú ý tại Việt Nam nhờ mẫu mã bắt mắt, nhiều trang bị và giá bán rẻ so với mặt bằng chung như: Zotye Z8, BAIC Beijing X7, Beijing U5 Plus hay xe thuần điện Hongqi E-HS9.
Đầu năm 2023, làn sóng ô tô Trung Quốc trở lại Việt Nam trở nên rõ nét hơn khi nhiều hãng đồng loạt loan báo sẽ gia nhập thị trường, xây dựng hệ thống showroom và nhà máy lắp ráp.
Tháng 12/2022, từ Trung Quốc hãng Chery tổ chức sự kiện trực tuyến giới thiệu mẫu xe Omoda 5 đến một số đơn vị truyền thông Việt Nam, trước khi chính thức bán ra trong năm nay.
Chery xác nhận, Omoda 5 sẽ được lắp ráp và có phiên bản thuần điện tại Việt Nam từ năm 2024.
Trả lời câu hỏi của PV Báo Giao thông, đại diện Chery cho biết, hãng sẽ có cách làm hoàn toàn mới để tiếp cận khách hàng Việt trong lần trở lại, thông qua việc thiết lập mạng lưới bán hàng và trải nghiệm dịch vụ chính hãng, không thông qua bên thứ ba như các hãng xe Trung Quốc trước đây.
Chery cũng sẽ hợp tác xây dựng nhà máy lắp ráp tại Việt Nam để giải quyết vấn đề về nguồn cung phụ tùng, phụ kiện, đồng thời có thể đáp ứng toàn bộ nhu cầu về bảo dưỡng, sửa chữa.
Đầu năm 2023, TMT Motors cũng đã ký hợp tác chiến lược với liên doanh GM - SAIC - Wuling để độc quyền sản xuất, lắp ráp và phân phối các dòng ô tô điện thương hiệu Wuling tại Việt Nam.
Sản phẩm đầu tiên ra mắt thị trường là Wuling HongGuang MiniEV, mẫu ô tô điện mini bán chạy nhất thế giới trong 3 năm 2020, 2021 và 2022.
Xe sẽ được lắp ráp tại nhà máy ô tô của TMT tại Hưng Yên, với công suất 30.000 chiếc/năm. TMT Motors cũng đang nghiên cứu và cân nhắc giới thiệu thêm các mẫu ô tô điện khác, theo lộ trình hợp tác chiến lược.
Ngày 21/2 vừa qua, hãng xe Haima cũng công bố thông tin trở lại thị trường Việt Nam sau màn ra mắt không mấy thành công cuối năm 2011.
Hiện, các mẫu ô tô Haima sẽ chỉ được nhập khẩu và phân phối thông qua đối tác tại Việt Nam là CarVivu.
Theo chuyên gia ô tô Nguyễn Minh Đồng, ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc phát triển nhanh một phần đến từ việc thay vì nghiên cứu, phát triển công nghệ sản xuất ô tô từ đầu, các hãng xe nước này chọn hướng sử dụng công nghệ sẵn có của những hãng lớn và lâu đời đến từ Đức, Thụy Điển hay Nhật Bản.
Tuy nhiên, điều này thường bị coi là sao chép nên chưa có được giá trị riêng của mình.
Còn theo PGS.TS. Đàm Hoàng Phúc, với việc đạt mốc kỷ lục 500.000 xe bán ra năm 2022, Việt Nam trở thành thị trường hấp dẫn với nhiều hãng ô tô trên thế giới, trong đó có Trung Quốc.
Dù vậy, số lượng các mẫu xe Trung Quốc tại Việt Nam chưa nhiều và thời gian có mặt trên thị trường Việt chưa đủ dài nên chưa thể kiểm nghiệm, đánh giá về chất lượng hay độ bền.
“Điều cốt lõi để các hãng xe Trung Quốc có thể vào thị trường Việt Nam là phải xây dựng hệ thống dịch vụ bảo dưỡng, bảo hành đạt chuẩn, chuyên nghiệp trước khi nghĩ đến sự thành công. Việc các thương hiệu cam kết đầu tư bài bản dịch vụ sau bán hàng có thể sẽ là bước ngoặt. Khi đó, người tiêu dùng Việt Nam sẽ có thêm lựa chọn”, ông Phúc nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận