Theo thông tin ban đầu, vào khoảng 16h45 phút ngày 24/2, xe ô tô BKS: 60A 591.78 do tài xế Lê Văn Quân (40 tuổi, ngụ tại huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội) điều khiển lưu thông trên Quốc lộ 20 (đoạn qua đèo Bảo Lộc) theo hướng TP. Bảo Lộc (Lâm Đồng) - TP Hồ Chí Minh. Khi xe ô tô chạy tới khúc cua Tượng Đức mẹ (suối An Bình) đã tông mạnh vào hộ lan bê tông bên đường.
Từ những hình ảnh tại hiện trường, không khó có thể nhận ra đây là một mẫu ô tô Trung Quốc, có tên BAIC Q7, đang được bán tại thị trường Việt Nam với giá cho phiên bản cao cấp nhất là 658 triệu đồng đã bao gồm lệ phí trước bạ.
Nguyên nhân của vụ tai nạn vẫn đang được cơ quan chức năng điều tra, làm rõ song gần như có thể loại trừ khả năng do xe kém trang bị an toàn.
Trong nhiều vụ TNGT ở mức độ tương tự , các chuyên gia ATGT và các nghiên cứu thực nghiệm trên thế giới đã chứng minh nếu người ngồi trên xe thắt dây bảo hiểm thì mức độ thiệt hại giảm đi rất nhiều, giảm 70% chấn thương nghiêm trọng, và 50% khả năng thiệt mạng cho người ngồi trên xe. Với trẻ em (thông thường < 12 tuổi, hoặc dưới 1.35 m) thì cần phải sử dụng thiết bị chuyên dụng (child restraint) ghế trẻ em, hoặc đai thiết kế phù hợp với trẻ em để bảo đảm an toàn.
Vụ TNGT tại đèo Bảo Lộc một lần nữa cho thấy khoảng trống về mặt pháp luật trong việc bảo đảm ATGT cho trẻ em cần được sớm sửa đổi bổ sung trong thời gian tới – TS Trần Hữu Minh, Phó Chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia.
Trên thực tế, BAIC Q7 phiên bản cao nhất đang được bán tại Việt Nam sở hữu danh sách trang bị an toàn khá dài như chống bó cứng phanh (ABS), phân bổ lực phanh điện tử (EBD), hỗ trợ phanh khẩn cấp (BA), kiểm soát lực kéo (TCS), cân bằng điện tử (ESP), phanh tay điện tử, cảm biến áp suất lốp, hỗ trợ khởi hành ngang dốc, 6 túi khí, camera 360...
Tuy nhiên theo quan sát diễn biến từ video, có thể thấy chiếc xe đang đổ đèo, vào cua ở tốc độ tương đối cao. Theo anh Phương Minh Tuân, giảng viên dạy lái xe trung tâm Victoria (Hà Nội), quan sát từ video, có thể có nhiều nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn thương tâm nói trên.
Đầu tiên, lái xe ngụ tại Hà Nội nhưng lại điều khiển xe BKS Đồng Nai, có thể do không quen xe, quen địa hình đèo nên mới xảy ra tai nạn.
Tiếp đến, cũng có thể tài xế chưa có nhiều kinh nghiệm đổ đèo nên theo quan sát video chiếc xe lao đi với tốc độ vào cua khá cao trước khi xảy ra tai nạn.
Theo một số lái xe có kinh nghiệm, một tình huống khác cũng có thể xảy ra là khi vào cua, xuống dốc lái xe đã rà chân phanh nhưng lại nhấn nhầm chân ga khiến xe lao đi và làm cho người lái giật mình, không làm chủ được chiếc xe nữa.
Theo kinh nghiệm khi đổ đèo, tài xế nên điều khiển xe đi chậm. Đối với xe số tự động (chiếc BAIC Q7 sử dụng hộp số tự động CVT) khi đổ đèo liên tục nên đi chậm, sử dụng số bán tự động trên xe (L, M hoặc S), chuyển về số thấp để sử dụng (phanh bằng động cơ).
Với độ dốc trung bình, tài xế có thể để chế độ D để xuống dốc. Với dốc cao hơn, nhiều đoạn cua gấp, tài xế có thể sử dụng các vị trí đánh số 2,3,4 hoặc L (là các số của xe số tự động giống chức năng với xe số sàn, vị trí L tương đương số 1 trên xe số sàn.
Lưu ý ký hiệu có thể khách nhau đối với từng hãng xe). Phanh động cơ là chức năng nhờ lực cản của động cơ để giảm bớt quán tính xe. Lời khuyên là “lên dốc bằng số nào, xuống dốc bằng số ấy”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận