Vô tình “xế cưng” bị ngập nước
Ngập nước, thủy kích luôn là nỗi lo của nhiều lái xe vào mùa mưa. Nhiều chủ xe mặc dù không đi vào những vùng ngập nước sâu nhưng đến khi đi bảo dưỡng, sửa chữa đã tá hỏa vì thấy xe mình bị thuỷ kích lúc nào không hay.
Anh T.C.Bình chủ nhân của chiếc Mercedes-Benz C300 cho hay, dạo gần đây sử dụng xe thấy đồng hồ trung tâm báo các lỗi liên quan tới túi khí, dù chiếc xe của anh không va chạm hay có những tác động dẫn đến bung túi khí.
Để khắc phục lỗi anh phải cho xe đi kiểm tra. Tại garage, sau khi kiểm tra các chuyên viên kỹ thuật báo xe bị lỗi tại hộp điều khiển túi khí, với vị trí của hộp nằm tại dưới bệ tì tay.
Nhiều chủ xe chỉ phát hiện sàn xe ngập nước khi cho xe đi sửa chữa bảo dưỡng.
Sau khi tháo bệ tì tay và thảm da lót sàn xe, chuyên viên kỹ thuật báo lại rằng sàn xe đang bị đọng những vũng nước lớn, điều này dẫn tới hộp điều khiển bị ngâm trong nước gây hư hỏng và báo lỗi.
Anh Bình rất bất ngờ khi sàn xe mình đã trở thành “bể cá”, với những vũng nước đọng lại sàn xe. Mặc dù trong quá trình sử dụng anh không hề điều khiển xe vào các vũng nước sâu.
Một trường hợp khác là anh T.V.Tuấn, chủ nhân của chiếc Kia Cerato. Anh Tuấn cho biết, trong ngày 6/8 khi thay lốp dự phòng cho xe, anh đã giật mình khi phần khoang chứa lốp dự phòng ngập trong nước. Mặc dù những ngày gần đây anh chỉ mới rửa xe và chưa hề di chuyển ra ngoài.
Nguyên nhân và cách khắc phục
Cho biết nguyên nhân dẫn đến những trường hợp như trên, anh Nguyễn Văn Giáp, chuyên viên kỹ thuật của một garage lớn tại Hà Nội cho hay, trường hợp sàn xe bị ngập nước thường có nguyên nhân chính dễ nhận thấy là đi xe vào vùng bị ngập nước khiến nước tràn vào xe.
Nhưng cũng có những nguyên nhân không nhìn thấy, khiến chủ xe chỉ phát hiện đã ngập nước khi cho xe đi kiểm tra. Nguyên nhân đó một phần đến từ chi tiết cửa cân bằng áp suất của xe.
Cửa cân bằng áp suất thường nằm ở phía sau hông xe, trên phần sắt xi, ẩn dưới cản sau và thông trực tiếp với khoang hành khách của xe. Cửa có cấu tạo phần cánh là các lá cao su xếp chồng lên nhau, đóng vai trò như van một chiều cho phép không khí từ trong khoang hành khách thông ra ngoài nhưng ngăn nước và bụi bẩn vào theo chiều ngược lại.
Nhiệm vụ chính của chi tiết này là cân bằng áp suất không khí khi đóng cửa xe. Giúp hành khách trong xe không bị áp suất không khí làm ảnh hưởng. Nhưng sau quá trình sử dụng những lá cao su bị lão hóa dẫn đến hở và mất chức năng.
Cửa cân bằng áp suất là một trong những nguyên nhân vô tình khiến xe ngập nước.
Một nguyên nhân nữa là đến từ các gioăng cửa cốp và gioăng đèn hậu. Sau quá trình sử dụng lâu ngày, các gioăng mất đi tính đàn hồi và trở nên trơ cứng, lúc này chức năng bịt kín mất đi và nước cũng bắt đầu ngấm từ đây vào phần cốp xe xuống khoang lốp dự phòng.
Khi đi mưa hoặc rửa xe, nước sẽ theo thân vỏ ngấm qua cửa cân bằng áp suất hoặc vị trí các gioăng làm kín và tràn vào xe. Vấn đề này nguy hiểm là nước không tràn vào ồ ạt, mà chỉ thẩm thấu hoặc chảy nhỏ khiến chủ xe khó lòng phát hiện.
Chỉ khi nước tràn vào nhiều khiến xe có mùi ẩm mốc hoặc là gây hư hỏng các chi tiết hệ thống điện thì mới phát hiện. Điều này gây hư hại nghiêm trọng vì các chi tiết đã bị ngâm lâu ngày trong nước.
Để khắc phụ tình trạng này, chủ xe cần chú ý kiểm tra thường xuyên các vị trí sàn xe, cốp sau. Nếu thấy có tình trạng ẩm ướt hay mùi ẩm mốc cần đưa xe tới các trung tâm sửa chữa để xử lý, tránh trường hợp nước tồn đọng lâu ngày có thể gây hư hỏng nội thất hoặc nghiêm trọng hơn là han gỉ sắt xi của xe.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận