Theo khảo sát của PV về chính sách bảo hành ô tô của một số hãng xe phổ thông như: Toyota, Hyundai, Kia, Mazda…, các phụ tùng hao mòn trong quá trình sử dụng sẽ không được bảo hành.
Một số phụ tùng trong quá trình sử dụng bị hao mòn sẽ không được bảo hành
Theo đó, phụ tùng hao mòn trong quá trình sử dụng, vận hành xe như: má phanh, đĩa ly hợp, cầu chì, bóng đèn, chổi than, dây đai, lưỡi gạt mưa, bộ lọc nhiên liệu, bộ lọc dầu nhớt, bộ lọc gió động cơ, lọc gió điều hòa.
Bên cạnh đó, các loại chất lỏng trên xe theo thời gian sử dụng cần phải thay thế định kỳ cũng nằm trong nhóm không được bảo hành.
Có thể kể tới như: dầu bôi trơn động cơ, dầu hộp số, dầu cầu (của xe 2 cầu), dầu phanh, dầu trợ lực lái, chất điện phân của ắc-quy, chất làm mát trong bộ tản nhiệt, môi chất làm lạnh (gas) của máy điều hòa.
Tuy nhiên, có một số phụ tùng cũng hao mòn, giảm hiệu năng trong quá trình sử dụng nhưng vẫn được bảo hành, nhưng thời gian bảo hành tối đa 12 tháng, trong khi xe bình dân mới khi bán ra sẽ được bảo hành từ 3 – 5 năm.
Những phụ tùng chỉ được bảo hành 12 tháng gồm: Bình ắc quy, dàn lốp xe, các miếng đệm, vòng đệm, ống dẫn cao su…
Một số phụ tùng có thời gian bảo hành ngắn, tối đa 12 tháng
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Hữu Đoàn, giám đốc dịch vụ một đại lý ô tô lớn tại Hà Nội khuyên khách hàng khi mua ô tô mới cần chú ý đến sổ bảo hành đi kèm theo xe.
“Khi bàn giao xe đến khách hàng, hãng sẽ kèm theo sổ bảo hành. Trong sổ bảo hành sẽ thể hiện rất rõ từng hạng mục được và không được bảo hành của xe. Để hiểu rõ hơn vấn đề này, quý khách nên dành nhiều thời gian tham khảo về chế độ bảo hành, bảo dưỡng của xe được ghi trên sổ”, ông Đoàn nói.
Cũng theo ông Đoàn, chủ xe không nên trang bị thêm những phụ kiện không đảm bảo chất lượng được bày bán trôi nổi trên thị trường. Điều đó có thể ảnh hưởng đến khả năng vận hành. Đồng thời, hãng cũng sẽ có thể từ chối bảo hành tuỳ trường hợp cụ thể nếu lắp thêm phụ tùng, phụ kiện ở ngoài.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận