Ba mô hình đầu tư
Sau khi tìm hiểu một số mô hình, anh Trần Hoàng đã quyết đầu tư 4 trụ sạc công suất 60kW trên mặt bằng diện tích hơn 100m2 gần mặt đường Ngọc Hồi (huyện Thanh Trì, Hà Nội). Anh cho biết, hiện có 3 mô hình hợp tác đầu tư trạm sạc xe điện phổ biến mà các doanh nghiệp kêu gọi hợp tác gồm: cho thuê mặt bằng, mua bán thiết bị và đối tác liên doanh.
Với hình thức đối tác cung cấp mặt bằng, doanh nghiệp phát triển trạm sạc sẽ đầu tư, vận hành và quản lý thiết bị. Mô hình đối tác có mặt bằng và mua thiết bị, doanh nghiệp phát triển trạm sạc sẽ cung cấp dịch vụ quản lý, vận hành và thu phí quản lý theo tỷ lệ cam kết. Với mô hình liên doanh, hai bên cùng đầu tư và vận hành, lợi nhuận chia đôi.
Sau khi nghiên cứu, anh Hoàng quyết định bắt tay với V-GREEN để đầu tư trạm sạc theo mô hình "cung cấp mặt bằng và mua thiết bị" để có lợi nhuận cao hơn. Trạm sạc bắt đầu đi vào hoạt động từ đầu tháng 11.
Để xây dựng trạm sạc, anh cung cấp cho doanh nghiệp nhượng quyền mã số thuế cá nhân, căn cước, xác nhận tình trạng hôn nhân, chứng nhận quyền sử dụng đất. Ngoài ra, cần làm việc với điện lực để lắp đặt trạm biến áp, xin chứng nhận phòng cháy chữa cháy, đăng ký kinh doanh.
Bốn trụ với 8 cổng sạc có giá khoảng 280 triệu đồng/trụ, chi phí cho biến áp khoảng 800 triệu đồng, cộng thêm khoảng 500 triệu đồng nữa để làm nền bê tông, dây điện, phòng cháy chữa cháy, tổng chi phí khoảng 2,3 tỷ đồng.
Hiện tại, trung bình mỗi ngày trạm sạc có khoảng 20-30 lượt xe đến sạc, bán được khoảng 60.000kWh/tháng. Theo mức chia sẻ cam kết, anh Hoàng sẽ thu về khoảng 45 - 50 triệu đồng/tháng. Thời gian hoàn vốn theo ước tính khoảng từ 3 - 4 năm.
Nhiều doanh nghiệp vào cuộc chơi
Không chỉ anh Hoàng, khi lượng ô tô điện ngày càng gia tăng, nhiều người có sẵn mặt bằng và kinh nghiệm kinh doanh cũng đang ấp ủ phương án đầu tư trạm sạc xe điện.
Anh Nguyễn Mạnh Hùng ở TP Chí Linh, Hải Dương cũng cho biết, đang có khu đất làm nhà xưởng và dự tính sẽ năm tới sẽ đầu tư thêm trạm sạc xe điện. "Tôi có khu nhà xưởng gần quốc lộ, có sẵn trạm biến áp, mặt bằng, giờ chỉ cần đầu tư vài trăm triệu tiền thiết bị và xin giấy phép là có thể kinh doanh trạm sạc. Điều còn băn khoăn là lượng khách hàng".
Theo tìm hiểu, V-GREEN là đơn vị đầu tiên triển khai mô hình trạm sạc nhượng quyền, dành cho cả doanh nghiệp, cá nhân và hộ gia đình. Chủ mặt bằng chỉ cần đầu tư cơ sở hạ tầng và trang thiết bị, công ty sẽ hỗ trợ từ công nghệ, thu chi đến các khâu bảo trì, bảo dưỡng và marketing. Mức chia sẻ doanh thu được cam kết cố định là 350 đồng/kWh hoặc 750 đồng/kWh tùy hình thức hợp tác.
Nhiều doanh nghiệp trạm sạc khác hiện cũng bắt đầu cung cấp hình thức trạm sạc nhượng quyền hoặc hợp tác kinh doanh như EV One, Solar Z, EV Power... Khác với V-GREEN chỉ dành cho xe VinFast, trạm sạc của các doanh nghiệp này phục vụ ô tô điện của tất cả thương hiệu.
Những điều cần cân nhắc khi đầu tư
Anh Nguyễn Văn Phong, tài xế taxi điện tại Hà Nội cho biết, lợi thế của trạm sạc tư nhân là giá rẻ, trên dưới 3.500 đồng/kWh. Có nơi còn tính giá theo khung giờ, thấp điểm 2.950 đồng/kWh, giờ bình thường 3.650 đồng/kWh và cao điểm là 5.950 đồng/kWh. Trong khi đó, một số trạm sạc do doanh nghiệp mở có giá lên đến gần 10.000 đồng/kWh.
Theo trưởng bộ phận phụ trách phát triển trạm sạc của Bitcar (công ty sở hữu hàng loạt đại lý ô tô chính hãng tại Việt Nam), với hình thức hợp tác giữa doanh nghiệp trạm sạc và cá nhân có mặt bằng, giá sạc sẽ tốt hơn do không mất chi phí mặt bằng, giá mua điện của hộ gia đình cũng thấp hơn. Trong khi đó, nếu doanh nghiệp tự đầu tư 100%, sẽ mất thêm chi phí thuê mặt bằng, giá điện đầu vào cũng cao hơn.
Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của các chủ trạm sạc tư nhân, trước khi đầu tư cần tìm hiểu kỹ xem mặt bằng có phù hợp không, khu vực xung quanh đã nhiều điểm sạc chưa, có được điện lực đồng ý hạ thế để cấp điện không...
Ngoài ra, cần tính đến việc trong vài năm tới khi xe điện phủ rộng hơn, chi phí đầu tư trụ sạc giảm và nhiều bên tham gia, sự cạnh tranh sẽ gắt gao hơn. Để hạn chế rủi ro, có thể tính đến phương án cung cấp các dịch vụ đi kèm trạm sạc.
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Ever EV (đối tác nhượng quyền trạm sạc của V-GREEN) cho biết, chi phí xây dựng một trạm sạc với 4 trụ sạc nhanh hiện dao động trên dưới 2 tỷ đồng. Mặt bằng xây dựng cần phải là loại đất phù hợp với mục đích sử dụng, như đất thương mại dịch vụ hoặc đất thổ cư.
Một trong những khó khăn lớn nhất hiện tại là chi phí đặt trạm biến áp và cung cấp điện 3 pha cho các chủ đầu tư trạm sạc đang ở mức rất cao, đặc biệt ở thành phố lớn. Giá đầu tư trạm biến áp có thể lên đến cả tỷ đồng với một trạm 4 trụ.
Bên cạnh đó giá sạc ô tô điện tại Việt Nam lại thuộc diện thấp nhất thế giới, nên thời gian thu hồi vốn nhanh nhất cũng phải trên 3 năm.
Tham khảo biểu giá bán trụ sạc của V-GREEN cho các đối tác, trụ sạc chậm loại 7,4 hoặc 11kW có giá từ 10,3 - 17,6 triệu đồng. Các loại trụ sạc nhanh 30, 60, 120, 150 và 250kW lần lượt có giá 143 triệu, 278 triệu, 416 triệu, 676 triệu và gần 3,3 tỷ đồng.
Nếu chủ mặt bằng bỏ chi phí đầu tư trụ sạc, mức doanh thu cố định là 750 đồng/kWh, cam kết tối thiểu 10 năm. Với các mẫu xe VinFast hiện tại, mỗi lần sạc sẽ có doanh thu ước tính khoảng từ 15 - 90 nghìn đồng/xe.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận