Tiềm năng bùng nổ xe điện
Tại tọa đàm "Phát triển giao thông xanh: Thách thức và giải pháp thu hút nguồn lực đầu tư", do Bộ GTVT tổ chức, ông Nguyễn Đắc Hưng, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần giải pháp sạc xe điện iCharge cho biết, Việt Nam có tốc độ tăng trưởng phương tiện giao thông đường bộ cao.
Thống kê trong giai đoạn 2005 - 2022, tốc độ tăng trưởng 13,3%/năm đối với ô tô (đạt 5 triệu ô tô), 17,2% đối với ô tô con cá nhân (đạt 3 triệu xe) và 9,3%/năm đối với mô tô, xe gắn máy (với 72 triệu xe máy đã đăng ký).
Trong khi đó, phát thải khí nhà kính do hoạt động GTVT ngày càng gia tăng. Nếu như năm 2014 là 30,5 triệu tấn CO2 thì năm 2020 là 47,0 triệu tấn (gấp 1,5 lần năm 2014). Dự báo theo kịch bản phát triển thông thường BAU năm 2025 phát thải đến 64,3 triệu tấn CO2 và năm 2030 là 88,1 triệu tấn CO2 (gấp 1,8 lần năm 2020).
Hiện Chính phủ Việt Nam đã đặt mục tiêu chuyển đổi năng lượng xanh, theo đó, đến năm 2030, tỷ lệ sử dụng ô tô điện đạt 30%, xe máy điện đạt 22% và xe buýt điện đạt 30%.
Ông Hưng cũng dự báo đến năm 2028, số lượng xe điện tại Việt Nam sẽ đạt 1 triệu xe và năm 2040 là 3,5 triệu xe.
Để đáp ứng sẽ cần kế hoạch đầu tư phát triển trạm sạc, dự kiến năm 2024 là 100 trạm, 2025 tăng lên 500 trạm, 2027 là 1.000 trạm. Năm 2030 là 2.000 trạm và mục tiêu đến năm 2030 sẽ phủ khắp toàn quốc.
Hệ thống các trạm sạc này sẽ bao gồm: Mạng lưới trạm sạc xe buýt, vận tải; Mạng lưới trạm sạc doanh nghiệp; Mạng lưới trạm sạc công cộng; Mạng lưới trạm sạc trong khu chung cư, khu đô thị; Mạng lưới trạm sạc logistics.
Khó khăn và thách thức khi đầu tư trạm sạc
Để đầu tư hạ tầng trạm sạc, ông Hưng cho biết, iCharge dự định triển khai hàng nghìn trạm sạc tại các đô thị lớn, khu vực dân cư đông đúc, trung tâm thương mại, và các trạm dừng chân trên những tuyến đường cao tốc chính. Mục tiêu là tạo ra một mạng lưới trạm sạc có thể phục vụ hầu hết các khu vực có mật độ giao thông cao và các địa điểm chiến lược.
Ngoài ra, sẽ tăng cường hợp tác đa phương với các hãng sản xuất xe điện, đơn vị phát triển bất động sản, đơn vị vận hành bãi đỗ xe, tập đoàn công nghệ, các viện nghiên cứu, trường đại học và cơ quan quản lý hạ tầng các địa phương để đảm bảo việc lắp đặt và vận hành trạm sạc được triển khai một cách hiệu quả và đồng bộ.
Mặt khác, tiếp tục đầu tư vào nghiên cứu và phát triển các công nghệ sạc điện hiện đại như sạc nhanh DC, sạc thông minh với khả năng kết nối IoT, và tích hợp hệ thống quản lý năng lượng để tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên điện.
"Đồng thời, công ty cũng đã phát triển ứng dụng di động nhằm giúp người dùng dễ dàng tìm kiếm, đặt chỗ, và quản lý quá trình sạc điện; mở rộng quy mô và khả năng phục vụ của từng trạm sạc để đáp ứng nhu cầu sử dụng tăng cao", ông Hưng nói thêm.
Tuy nhiên, theo ông Hưng, vẫn còn nhiều khó khăn trong phát triển trạm sạc do: chi phí đầu tư ban đầu lớn, tỷ lệ sử dụng xe điện chưa cao, thách thức về hạ tầng điện lực và đặc biệt là khung pháp lý còn hạn chế.
Để thúc đẩy hạ tầng phục vụ chuyển đổi phương tiện di chuyển xanh thân thiện với môi trường, ông Hưng cho biết cần có chủ trương chính sách hỗ trợ của Chính phủ. Có thể kể đến như: Ưu đãi khuyến khích sản xuất lắp ráp, nhập khẩu xe điện; Khuyến khích, hỗ trợ người sử dụng thông qua hỗ trợ tài chính; hỗ trợ vốn vay, quỹ đất, hoàn thiện pháp lý để phát triển hạ tầng trạm sạc điện và khuyến khích phát triển vận tải hành khách công cộng sử dụng điện như xe bus, taxi điện.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận