Ô tô đua nhau giảm giá thời dịch
Dịch bệnh Covid-19 gây ảnh hưởng đến không chỉ nền kinh tế mà còn cả thị trường ô tô. Nền kinh tế ảnh hưởng, thu nhập giảm dẫn tới nhu cầu mua ô tô cũng vì thế mà ít dần đi. Để kích thích thị trường sau khoảng thời gian cao điểm giãn cách xã hội, nhiều hãng xe, đại lý đã lao vào cuộc chiến giảm giá mạnh tay hơn.
Như Toyota Việt Nam (TMV) ngay sau khoảng thời gian cao điểm giãn cách xã hội đã đẩy mạnh giảm giá xe với mẫu SUV chủ lực là Fortuner bằng cách hỗ trợ 1 phần lệ phí trước bạ. Tuy không nêu rõ mức hỗ trợ song đại diện TMV cho hay chương trình ưu đãi được thực hiện bởi cả hãng lẫn đại lý. Tùy từng bản mà hãng sẽ có mức ưu đãi, cộng với phần ưu đãi của mỗi đại lý sẽ ra được mức hỗ trợ lệ phí trước bạ như chương trình của TMV đề cập. Nhưng theo tìm hiểu của PV, mức giảm giá phổ biến đối với 2 mẫu xe được TMV hỗ trợ một phần lệ phí trước bạ là Fortuner 2.4 AT 4x2 và 2.4 MT 4x2 tại Hà Nội lần lượt khoảng 80 và 55 triệu đồng. Bên cạnh đó, các phiên bản khác của Toyota Fortuner cũng được đại lý giảm giá, cao nhất lên tới 125 triệu đồng.
Trước đó, Công ty Cổ phần ô tô Trường Hải (Thaco) cũng gây sốc khi trong những ngày cuối tháng 4/2020 đã áp dụng chương trình giảm giá cao nhất từ trước tới nay đối với mẫu SUV 7 chỗ Mazda CX-8, từ 95 – 150 triệu đồng. Sau giảm giá, Mazda CX-8 chỉ có giá bán từ 1,039 - 1,249 tỷ đồng. Các mẫu xe còn lại của Mazda cũng được giảm giá từ 25 – 85 triệu đồng.
Mới đây, vào đầu tháng 5/2020, VinFast cũng có màn giảm giá xe mạnh tay nhất từ trước tới nay, cao nhất lên tới 286 triệu đồng. Cụ thể, hai mẫu xe cao cấp của VinFast đang được hãng giảm giá sâu gồm Lux A2.0 (giảm từ 233 đến 258 triệu đồng) và Lux SA 2.0 (giảm từ 258 đến 286 triệu đồng). Tuy nhiên, mức ưu đãi cao nhất này chỉ dành cho những khách hàng trả thẳng, khách hàng trả góp cũng nhận được ưu đãi nhưng giá không tốt bằng.
Ô tô giảm giá mạnh nhưng khách vẫn chờ...
Từ giữa tháng 4/2020, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) có đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ để kích thích mua sắm. Điều này thu hút được nhiều sự quan tâm của khách hàng, đặc biệt những người chuẩn bị mua xe. Tuy nhiên trong dự thảo nghị quyết về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong bối cảnh đại dịch Covid-19 chỉ còn đề cập tới việc giảm 50% lệ phí trước bạ cho xe sản xuất lắp ráp đến hết năm 2020, theo đề xuất của Bộ Công thương. Điều này đang tạo cho khách hàng tâm lý chờ đợi Nghị quyết được thông qua mới mua xe. Trước đây, vào khoảng gần cuối năm 2017, thị trường ô tô Việt Nam cũng sụt giảm doanh số khi khách hàng có tâm lý chờ đợi ô tô giảm giá năm 2018, khi thuế nhập khẩu ô tô từ ASEAN về Việt Nam xuống còn 0%.
Trao đổi với PV, một vị đại diện VAMA nhận định: “Rất có thể vì có đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất lắp ráp trong nước nên khách hàng có tâm lý chờ đợi, chưa mua xe vội. Tuy nhiên, phải đợi vài hôm nữa VAMA có báo cáo doanh số tổng hợp mới biết được thị trường ra sao”.
Ngoài ra, một chuyên gia nhận định, trước tình hình kinh tế đang dần hồi phục hiện nay, việc người tiêu dùng có mua ô tô hay không lại phụ thuộc vào khả năng của túi tiền. Kinh tế khôi phục, phát triển trở lại, người tiêu dùng tăng thu nhập trở lại, có tiền thì khi đó họ mới nghĩ đến việc mua ô tô. Chứ như hiện nay, dù nhiều hãng xe cũng đang giảm giá rất mạnh nhưng vẫn không có khách bởi nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 khiến thu nhập người dân giảm.
Một chuyên gia kinh tế cho hay, để thị trường ô tô hồi phục và phát triển trở lại cần phải khôi phục nền kinh tế chung.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận