Theo báo cáo doanh số từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), tháng 4/2022 tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng từ các thành viên. Tuy nhiên, một số mẫu xe lắp ráp đang được hưởng lợi thế nhờ chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ lại bất ngờ sụt giảm doanh số so với tháng trước.
Dường như ô tô gầm cao đang chịu ảnh hưởng bởi việc thiếu linh kiện nhiều hơn, có thể do nhu cầu tìm mua lớn hơn
Trong số các mẫu xe thuộc các doanh nghiệp là thành viên VAMA, chỉ có 2 mẫu xe lắp ráp gầm thấp sụt giảm doanh số, đều của VinFast gồm Fadil và Lux A2.0 còn lại có tới 8 mẫu xe gầm cao lắp ráp sụt giảm doanh số so với tháng trước.
Các mẫu xe này gồm: Toyota Innova, Mitsubishi Outlander, Kia Sorento, Carnival, Mazda CX-8, Peugeot (do Peugeot không công bố doanh số từng mẫu xe nên tính thương hiệu), VinFast VF e34 và Lux SA2.0.
Các thương hiệu ô tô này hầu hết không công bố chính thức lý do khiến doanh số sụt giảm trong khi thị trường ngày càng nóng khi sát thời điểm hết hiệu lực giảm 50% lệ phí trước bạ cho xe lắp ráp.
Tuy nhiên theo khảo sát của PV tại các đại lý, phần lớn nguyên nhân sụt giảm doanh số tới từ việc thiếu linh kiện. Nhiều mẫu không có sẵn để giao ngay hoặc không đầy đủ phiên bản, màu sắc. Khách hàng đặt xe trong tháng 4 có thể sẽ phải chờ sang tháng 5, hoặc thậm chí lâu hơn, có nguy cơ không được giảm 50% lệ phí trước bạ.
Kia Carnival một số phiên bản khách muốn mua sẽ phải nhận xe sau tháng 5/2022
Một số mẫu xe khách phải chờ hàng tháng mới được nhận xe như: VinFast VF e34 hay Kia Carnival. Tuy nhiên với VinFast VF e34, việc kết thúc chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ cho xe lắp ráp không bị ảnh hưởng bởi đây là mẫu ô tô thuần điện, được miễn hoàn toàn lệ phí trước bạ trong 3 năm, tính từ 1/3/2022.
Bên cạnh đó, không chỉ các thành viên VAMA mà hầu hết ô tô du lịch thương hiệu Hyundai do TC Group sản xuất, lắp ráp cũng sụt giảm doanh số. Chỉ duy nhất Hyundai Grand i10 trong tháng 4/2022 là tăng trưởng, bán ra 1.227 xe, nhiều hơn 115 chiếc so với tháng trước.
Hyundai SantaFe và Tucson khan hàng tại đại lý
Còn lại từ Hyundai Accent cho tới SantaFe đều ghi nhận doanh số giảm dù nhu cầu thị trường là rất lớn. Đặc biệt, Hyundai SantaFe và Tucson đang được xem là khan hàng nhất.
TC Group cho biết, cuộc khủng hoảng chất bán dẫn và thiếu chip, linh kiện công nghệ cao trên phạm vi toàn cầu vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến khả năng cung ứng một số sản phẩm mang thương hiệu Hyundai tại Việt Nam. Các mẫu xe như SantaFe, Tucson vẫn không thể đáp ứng đủ nhu cầu khách hàng ngày một tăng cao.
Trao đổi với PV, giám đốc một đại lý ô tô tại Hà Nội cho biết hiện tại, việc thiếu linh kiện đã ảnh hưởng đến nguồn cung ô tô của toàn thị trường, không chỉ xe lắp ráp mà cả nhập khẩu. Đối với các mẫu xe lắp ráp được quan tâm nhiều, sức cung còn chưa đủ đáp ứng nhu cầu bình thường.
Danh sách các mẫu xe lắp ráp sụt giảm doanh số tháng 4/2022 | |||
Mẫu xe | Doanh số tháng 3/2022 | Doanh số tháng 4/2022 | Chênh lệch |
Mitsubishi Outlander | 701 | 592 | - 109 |
Toyota Innova | 212 | 91 | - 121 |
Kia Sorento | 528 | 494 | - 34 |
Kia Carnival | 1.178 | 848 | - 330 |
Mazda CX-8 | 555 | 430 | - 125 |
Peugeot | 1.121 | 1.085 | - 36 |
VinFast Fadil | 2.567 | 1.654 | - 913 |
VinFast Lux A2.0 | 309 | 287 | - 22 |
VinFast Lux SA2.0 | 183 | 80 | - 103 |
VinFast VF e34 | 412 | 406 | - 6 |
Hyundai Accent | 2.031 | 1.900 | - 131 |
Hyundai Elantra | 294 | 219 | - 75 |
Hyundai Kona | 395 | 70 | - 325 |
Hyundai Tucson | 588 | 580 | - 8 |
Hyundai SantaFe | 1.201 | 714 | - 487 |
Ghi chú: - Doanh số dựa theo báo của của VAMA, VinFast và TC Group - Peugeot tính doanh số gộp tất cả các mẫu xe - Đơn vị tính: chiếc |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận