Các đơn vị có liên quan đang nghiên cứu xây dựng quy định giới hạn mức tiêu thụ nhiên liệu của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ được sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính.
Giới hạn mức tiêu thụ nhiên liệu phương tiện giao thông đường bộ góp phần làm giảm phát thải KNK
Phương tiện giao thông sẽ tiết kiệm nhiên liệu hơn
Tại Báo cáo kỹ thuật Đóng góp do Quốc gia tự quyết định (cam kết ứng phó với biến đổi khí hậu) của Việt Nam cập nhật năm 2020 (NDC 2020) đã đưa ra các giả thiết trong xây dựng các biện pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính (KNK), trong đó có giả thiết về giới hạn mức tiêu thụ nhiên liệu đối với xe cơ giới sản xuất lắp ráp và nhập khẩu mới
Theo đó đặt mục tiêu đến năm 2030, 100% xe máy bán ra đạt định mức tiêu thụ nhiên liệu là 2,3 lít/ 100km; 100% các loại xe ô tô bán ra đạt tiêu chuẩn sau: ô tô con (dưới 1.400cc) đạt 4,7 lít/ 100km, ô tô trung bình (1.400 - 2.000cc) đạt 5,3 lít/ 100km; ô tô lớn (trên 2.000cc) đạt 6,4 lít/ 100km”.
Như vậy có thể hiểu khi đó, hầu hết các loại ô tô, xe máy khi được sản xuất tại Việt Nam hoặc nhập khẩu sẽ phải đáp ứng hạn mức tiêu hao nhiên liệu thấp hơn so với các mẫu xe đang lưu hành hiện nay.
Đơn cử như mẫu ô tô cỡ nhỏ (dưới 1.400cc) đang bán tại Việt Nam là Mitsubishi Attrage được công bố có mức tiêu thụ nhiên liệu thấp nhất nhưng cũng đã có mức tiêu hao 5,09 lít/100km.
Hay mẫu xe tiết kiệm nhất ở phân khúc hạng trung là Mazda 2 có dung tích động cơ 1.500cc cũng có mức tiêu thụ 4,62 lít/100km…
Liên quan đến định hướng xây dựng hạn mức tiêu thụ nhiên liệu của phương tiện, mới đây tại Quyết định số 876 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành GTVT, Chính phủ cũng đã yêu cầu áp dụng hạn mức tiêu thụ nhiên liệu đối với phương tiện đường bộ nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, giảm phát thải KNK.
Đến nay, tuy các dự thảo quy định về hạn mức tiêu thụ nhiên liệu đối với xe cơ giới chưa được xây dựng nhưng đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu ô tô, xe máy tại Việt Nam. Tại văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ ngày 18/8/2022, Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) đã đề cập đến nội dung này.
Theo đó VAMA đề xuất xây dựng định mức tiêu thụ nhiên liệu khác, dựa trên nguyên tắc trung bình chung của đoàn xe (CAFE), thay vì áp mức tiêu thụ nhiên liệu cố định cho từng dòng xe. Bên cạnh đó sẽ áp dụng các chính sách thuế dựa trên dung tích động cơ xe và mức phát thải CO2.
Theo VAMA, đây có thể được xem là giải pháp phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội đồng thời vẫn đảm bảo thực hiện cam kết quốc tế với việc cắt giảm phát thải khí CO2 của Việt Nam tại COP21 và COP26.
Tuỳ từng quốc gia đã có phương pháp giới hạn mức tiêu thụ nhiên liệu khác nhau
Hạn mức tiêu thụ nhiên liệu theo đầu xe hay đoàn xe?
Theo đại diện VAMA, nếu áp dụng theo cách tính tại bản Báo cáo NDC 2020, tức là tính hạn mức nhiên liệu phương tiện theo dung tích động cơ, những mẫu xe có động cơ dung tích lớn và tiêu hao nhiều nhiên liệu sẽ bị tác động lớn. Tuy nhiên hiện cũng có xe động cơ dung tích nhỏ song mức tiêu hao nhiên liệu vẫn cao. Vì vậy nếu chỉ dựa và dung tích động cơ thì rất khó để xác định mức tiêu hao nhiên liệu nhiều hay ít.
Theo VAMA, các quốc gia trên thế giới hầu hết xây dựng định mức tiêu thụ nhiên liệu thường áp dụng nguyên tắc trung bình chung theo đoàn xe (CAFE), dựa trên khối lượng xe đã chứng minh được hiệu quả giảm phát thải. Cách tính này sẽ giúp các hãng xe chủ động áp dụng các giải pháp một cách linh hoạt để đạt được mục tiêu giảm mức tiêu thụ nhiên liệu chung cho tất cả các mẫu xe do mình sản xuất.
Cho biết thông tin cụ thể về các phương pháp tính định mức tiêu hao nhiên liệu của các phương tiên giao thông cơ giới đường bộ trên thế giới, một chuyên gia về khí thải phương tiện giao thông cho biết, hiện thế giới có 2 cách tính là CAFE như đã nói ở trên hoặc ấn định mức tiêu thụ giới hạn cho từng kiểu loại xe cụ thể (MEPS) – như cách tính tại Báo cáo NDC 2020 của Việt Nam.
Với cách tính CAFE, sẽ tính mức tiêu thụ nhiên liệu cho một số lượng xe, rồi tính trung bình xem mức bao nhiêu là hợp lý rồi phân bổ đến từng hãng xe.
Còn với MEPS sẽ ấn định mức tiêu hao nhiên liệu của từng kiểu loại xe, bao nhiêu là hợp lý (ấn định theo dung tích động cơ, khối lượng xe, hoặc diện tích chiếm chỗ...).
“Có thể hiểu đơn giản với phương pháp CAFE, quốc gia sẽ cấp cho hãng xe được phát thải bao nhiêu tấn CO2, hãng xe sẽ tự cân đối chứ không áp mức cho từng loại xe cụ thể. Phương pháp này có thể sẽ cho doanh nghiệp tự cân đối, linh hoạt trong sản xuất. Đã sản xuất dòng xe phát thải nhiều thì phải có giải pháp thay đổi công nghệ, thiết kế để có những mẫu xe phát thải thấp.
Với phương pháp CAFE thì doanh nghiệp, hãng xe sẽ dễ dàng hơn trong việc thực hiện, nhưng việc quản lý sẽ rất khó khăn và phức tạp. Còn dễ dàng hơn trong việc quản lý thì chọn phương pháp MEPS. Tuy nhiên để hài hoà giữa lợi ích môi trường và kinh tế thì có thể nghiên cứu kết hợp cả phương pháp CAFE lẫn MEPS”, chuyên gia khí thải phương tiện giao thông cho biết.
Hiện trên thế giới nhiều nước cũng đã có quy định giới hạn mức tiêu thụ nhiên liệu. Được biết, để hiện thực hoá quy định này, Bộ GTVT đã giao các cơ quan có liên quan tập hợp các số liệu để xây dựng dự thảo quy định giới hạn mức tiêu hao nhiên liệu phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận