Đà Nẵng đang xảy ra mưa lớn khiến nhiều phương tiện ô tô, xe máy chìm trong biển nước.
Sáng 15/10, theo ghi nhận của PV Báo Giao thông, nước đã rút hết tuy nhiên khắp các tuyến phố ở Đà Nẵng ô tô chết máy nằm la liệt trên đường. Nếu không biết cách xử lý khi ô tô, xe máy bị ngập nước, người sử dụng có thể sẽ đối mặt với chi phí sửa xe đắt đỏ.
Ô tô ngập nước, nằm la liệt tại Đà Nẵng - Ảnh: Vĩnh Nhân
Trao đổi với PV, các chuyên gia đều lưu ý rằng khi ô tô, xe máy đang di chuyển bất ngờ chết máy thì tuyệt đối không được đề nổ máy lại. Điều này sẽ khiến động cơ bị thuỷ kích nặng, nguy cơ bị vỡ lốc máy rất lớn, dẫn tới chi phí sửa chữa cao.
Xe máy ngập nước đang được cứu tại Đà Nẵng
Xe máy ngập nước xử lý thế nào?
Với xe máy, theo nhận định của ông Đặng Thanh Bình, Trưởng phòng dịch vụ (Công ty Yamaha Motor Việt Nam), trong trường hợp xe đang đi bị ngập nước, chết máy mà đề nổ lại, nguy cơ cao nhất có thể dẫn đến vỡ lốc máy, chi phí có thể lên tới gần 10 triệu đồng, chưa tính các hạng mục bảo dưỡng xe ngập nước khác.
"Chi phí bảo dưỡng toàn bộ như trên sẽ đắt hơn bảo dưỡng thông thường. Bảo dưỡng thông thường sẽ khoảng từ 200.000 – 250.000 nhưng bảo dưỡng xe ngập nước sẽ tốn đến tiền triệu. Tuỳ vào từng tình trạng ngập nước có thể phát sinh chi phí dung dịch, hoá chất, vật tư như lọc gió khoảng hơn 100.000 đồng, hay dầu máy cũng khoảng hơn 100.000 đồng…", ông Đặng Thanh Bình, Trưởng phòng dịch vụ Yamaha Motor Việt Nam
Còn thông thường nếu xe đang đi, chết máy nhưng không đề nổ lại, chủ xe có thể tháo bugi ra và làm khô, nhấn nút đề lại cho nước ọc ra hết. Khi nước đã ọc ra hết thì tiến hành lắp lại bugi và nhanh chóng đưa xe đến các trung tâm sửa chữa, bảo dưỡng để được xử lý đúng quy trình và kỹ thuật.
“Nhưng tốt nhất để đảm bảo an toàn chủ xe nên đưa ngay xe bị ngập nước, dù đang đỗ bị ngập hay đang đi bị ngập chết máy đến các trung tâm bảo dưỡng”, ông Bình nhấn mạnh.
Tiếp đến khi đưa xe đến các trung tâm bảo dưỡng, nếu xe ngập nước hoàn toàn (dù đang đi hay đang đỗ) sẽ cần bảo dưỡng toàn bộ, kiểm tra thay thế lọc gió (nếu cần), các vòng bi phải vệ sinh bôi trơn trở lại, xúc rửa động cơ (nếu cần), xe phun xăng điện tử thì phải bảo dưỡng cả họng ga… Quan trọng nhất là hệ thống điện phải tháo ra để làm khô. Còn nếu ngập bình xăng thì phải xúc rửa cả bình xăng, thay lọc xăng, kiểm tra bơm xăng.
Ô tô bị ngập nước tương đối sâu tại Đà Nẵng
Ô tô ngập nước chi phí sửa chữa có thể tới vài trăm triệu đồng
Với ô tô, anh Trương Dũng, phụ trách kỹ thuật Garage Auto i-Tech (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết ô tô đang đi đường ngập nước bị chết máy thì cần phải xác định đã bị thuỷ kích hay chưa. “Khi xe chết máy, chủ xe tuyệt đối không được đề nổ lại. Sau khi đưa xe tới garage, ô tô sẽ được tháo kiểm tra lọc gió động cơ có ướt không (để xác định nước có vào cổ hút không). Tiếp đến tháo bugi để do tay biên có cong không và tháo cổ hút xem nước vào có nhiều không.
"Với dòng xe rẻ tiền, chi phí sửa chữa khắc phục cho việc bị thuỷ kích khoảng từ 10 – 20 triệu đồng vì phải bổ máy. Xe đắt tiền hơn sẽ tốn khoảng từ 30 – 40 triệu đồng là chuyện bình thường", anh Trương Dũng, phụ trách kỹ thuật Garage Auto i-Tech
Khi đã xác định tay biên không cong, nước vào cổ hút không nhiều thì chỉ cần vệ sinh lại hết, thay dầu máy là được. Ví dụ với một chiếc Toyota Vios vệ sinh hết mọi thứ như bugi, lọc gió, cổ hút... thì tốn khoảng 1 triệu đồng. Còn dầu máy khoảng vài trăm nghìn. Nếu nước vào sàn thì phải tháo ra vệ sinh, phơi khô mất khoảng 2 triệu đồng đổ lại. Nếu có hộp điện nào bị vào nước ở sàn chỉ cần tháo, vệ sinh khô.
Còn xe đang đỗ, không di chuyển mà bị ngập nước sâu thì phải bảo dưỡng vệ sinh nhiều hơn dù nguy cơ thuỷ kích đã bị loại bỏ. Các loại vòng bi, hệ thống điện có nguy cơ bị hỏng hóc đều phải được kiểm tra thêm, vệ sinh với chi phí khoảng vài triệu đồng. Tuỳ vào đồ điện nếu có hỏng hóc gì thì sẽ phát sinh thêm chi phí”, anh Dũng chia sẻ.
Cũng theo anh Dũng, xe không bị ngập nước sâu tuy không thuỷ kích nhưng do ngập sâu, các hệ thống điện, vấn đề gỉ sét xe, vòng bi có thể xử lý được nhưng chưa chắc đã hết hoàn toàn mà qua thời gian sử dụng vẫn có thể phát sinh hỏng hóc. Trên một số loại xe hiện đại, nhiều thiết bị điện, các bảng mạch mà bị ngập nước, nếu hỏng hóc nhiều có thể chi phí sửa chữa còn cao hơn cả xe bị thuỷ kích. Bởi thủy kích là phần cơ, sửa chưa cũng chỉ có mức độ về chi phí.
Còn thuỷ kích là trường hợp nặng nhất với hỏng hóc ở động cơ, khi xe bị cong tay biên. “Có xe nếu thủng lốc nặng, vào đường dầu, thậm chí phải thay cả lốc máy, có thể chi phí lên tới hàng trăm triệu đồng. Còn nếu bị thủng lốc nhẹ, thì ngoài chi phí sửa chữa bên trong động cơ chỉ tốn thêm vài triệu đồng để hàn lốc máy”, anh Dũng nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận