So sánh cấu hình và trang bị
Dòng minibus 16 chỗ tại Việt Nam từ chỗ có 5 thương hiệu Ford Transit, Hyundai Solati, Mercedes Sprinter, Iveco Daily Plus, GAZ Van cạnh tranh, nhưng bộ đôi Ford Transit và Hyundai Solati đang chiếm ưu thế thị phần, do được lắp ráp trong nước.
Được lắp ráp tại nhà máy Ford Hải Dương, Ford Transit cấu hình động cơ dầu tăng áp 2.2L, sinh công suất 138 mã lực và sức kéo cực đại 375 Nm.
Hyundai Solati lắp ráp tại nhà máy ở Ninh Bình trang bị khối động cơ dầu tăng áp dung tích 2.5L, công suất tối đa 170 mã lực và sức kéo cực đại 422 Nm. Những thông số này giúp Solati nhỉnh hơn đối thủ. Cả hai xe đều dẫn động cầu sau qua hộp số sàn 6 cấp.
Về kích cỡ, Solati có chiều dài, rộng, cao tương ứng là 6.195 x 2.038 x 2.760mm cùng chiều dài cơ sở 3.670mm, trong khi Transit kích cỡ lần lượt là 5.780 x 2.000 x 2.360mm, chiều dài cơ sở 3.750mm.
Như vậy Solati nhỉnh hơn Transit về kích cỡ bao ngoài nhưng chiều dài cơ sở lại ngắn hơn, dẫn đến bán kính quay đầu khoảng 6,3m của Solati ngắn hơn so với bán kính 6,6m của Transit.
Ford Transit bổ sung nhiều trang bị công nghệ hỗ trợ người lái như hệ thống cân bằng điện tử, hệ thống phanh ABS và EBD, hỗ trợ giữ làn và cảnh báo chệch làn, hỗ trợ điều chỉnh tốc độ thông minh, cảnh báo va chạm ngang phía sau, hỗ trợ đỗ xe tự động qua camera toàn cảnh, phanh đĩa 4 bánh.
Hyundai Solati được trang bị đầy đủ các tính năng an toàn chủ động và thụ động hiện đại như phanh đĩa thủy lực mạch kép có trợ lực chân không; phanh ABS 4 bánh; đèn cảnh báo má phanh mòn; hỗ trợ lên dốc; hỗ trợ đỗ xe phía sau; hệ thống theo dõi giao thông (LDWS).
Khác biệt lớn nhất trong nội thất của Ford Transit và Hyundai Solati là cách bố trí ghế ngồi, với Transit là lối đi bên phải sát vách thân xe trong khi Solati bố trí lối đi giữa xe.
Ngoài ra Solati có thêm bậc bước bằng điện. Cả hai chiếc xe đều sử dụng cửa trượt điện mở ra bên phải.
Mức giá và thị phần
Solati mới hiện diện tại thị trường Việt Nam từ năm 2019, so với Transit có mặt từ 2003 thì chiếc minibus của Hyundai thuộc diện “đàn em” về thâm niên phục vụ thị trường.
Tuy nhiên, Solati tăng trưởng khá nhanh với doanh số cộng dồn đạt 5.200 xe sau 3 năm ra mắt (2019-2022). Từ năm 2023 đến nay dù thị trường khó khăn nhưng chiếc Solati tiếp tục được nhiều đơn vị vận tải chọn mua, doanh số xấp xỉ 1.000 xe/năm, giúp Solati đứng thứ nhì phân khúc về doanh số (16%).
Năm 2023, doanh số Ford Transit đạt 3.861 xe, tăng trưởng gần 60% so với cùng kỳ năm 2022 và chiếm 62% thị phần của phân khúc minibus. Transit cùng với bán tải Ranger trở thành hai mẫu xe nắm thị phần chi phối ở phân khúc của mình.
Vào thời điểm này, Hyundai Solati có giá niêm yết giá từ 1,014 tỷ đồng, Ford Transit giá từ 849 triệu đồng cho bản tiêu chuẩn. Mức chênh lệch giữa hai mẫu xe bán chạy nhất phân khúc là 164 triệu đồng.
Theo nhiều chủ xe dịch vụ hợp đồng, Solati giá cao hơn nhưng tiện ích cho hành khách nhiều hơn. Trong khoang Solati có tới 25 hộc chứa đồ, thiết kế vuông vắn cùng 3 ổ cắm 12V ở nhiều vị trí khác nhau.
Đáng chú ý là hệ thống ngăn lưu trữ, tủ lạnh, khe giữ chai nước/cốc, khay để đồ ngay sau lưng hàng ghế trước trên Solati khá tiện dụng, được xem là điểm cộng với khách hàng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận