Phần lớn xe tải, xe chuyên dùng nhập từ Trung Quốc
Theo Tổng cục Hải quan, năm 2022 lượng xe Trung Quốc nhập về Việt Nam đạt 17.340 xe, kim ngạch 714,5 triệu USD, chiếm tỷ trọng 18,5% trong tổng kim ngạch 3,84 tỷ USD nhập xe nguyên chiếc của cả nước.
Lũy kế 9 tháng đầu năm nay, lượng xe Trung Quốc vào Việt Nam là 7.712 chiếc, trị giá 297 triệu USD (tương đương 6.950 tỷ đồng).
Dự báo năm nay, lượng xe Trung Quốc về Việt Nam xấp xỉ 10 nghìn chiếc, trị giá 400 triệu USD.
Về thị phần, nhiều năm qua xe Trung Quốc nhập khẩu đứng thứ ba về giá trị và số lượng, sau Thái Lan và Indonesia.
Về chủng loại, phương tiện nguyên chiếc nhập từ Trung Quốc chủ yếu là xe tải, xe chuyên dùng và sơ-mi rơ-moóc.
Về cửa khẩu nhập cảnh, xe tải Trung Quốc về Việt Nam theo lối cửa khẩu đường bộ ở Lạng Sơn và Cao Bằng.
Lượng xe du lịch chở người hạng nhẹ (dưới 9 chỗ) từ Trung Quốc về Việt Nam không đáng kể, chủ yếu qua cảng biển ở Hải Phòng và TP.HCM.
Theo ghi nhận của PV Báo Giao thông, dọc đường cao tốc 1B từ Lạng Sơn về Hà Nội hình thành những “đại siêu thị” xe tải xe chuyên dùng của các thương hiệu như ChengLong, LiuGong, Howo do các nhà phân phối Việt Nam thiết lập, được gọi là các đại lý 4S.
Doanh thu nghìn tỷ, lợi nhuận bao nhiêu?
Theo dữ liệu của PV Báo Giao thông, hiện nay các nhà nhập khẩu và phân phối xe Trung Quốc không còn manh mún nhỏ lẻ như cách đây hơn chục năm mà đã tập trung quy mô kinh tế vào tay vài ông lớn.
Đứng đầu về thị phần hiện tại là Công ty TNHH ô tô Hải Âu có trụ sở ở Hà Nội, doanh thu năm 2021 và 2022 lần lượt là 6.444 tỷ đồng và 5.484 tỷ đồng.
Sản phẩm của ô tô Hải Âu đa dạng, từ sơ-mi rơ-moóc (dùng chở container, thùng tự đổ chở cát đá, xi-tec chở xi măng), xe chuyên dùng (xe chở rác, xe bồn phun nước, xe bồn chở xăng dầu), xe đầu kéo, xe tải thùng, xe bồn trộn bê tông nhãn hiệu ChengLong.
Công ty CP ô tô TMT lại là nhà phân phối tải thùng, tải ben, đầu kéo của các thương hiệu Tata, Sinotruk, Dongfeng, Howo. Doanh thu năm 2021 và 2022 của TMT lần lượt là 2.523 tỷ đồng và 3.027 tỷ đồng.
Mặc dù doanh thu nghìn tỷ nhưng lợi nhuận ròng của các nhà phân phối xe tải Trung Quốc không như kỳ vọng.
Năm 2022, Công ty TNHH ô tô Hải Âu có lợi nhuận ròng (sau thuế) chỉ 6,67 tỷ đồng. Trước đó, năm 2021 lợi nhuận ròng của doanh nghiệp này cũng chỉ đạt 20,7 tỷ đồng.
Công ty CP ô tô TMT cũng báo cáo lợi nhuận ròng năm 2022 và 2021 lần lượt là 48,4 tỷ đồng và 41,3 tỷ đồng.
Mặc dù doanh thu lớn, tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu của các đơn vị như ô tô Hải Âu và TMT đều rất thấp, dưới 2%.
Năm 2023, dự báo tình hình doanh thu và lợi nhuận của các nhà phân phối xe tải Trung Quốc còn ảm đạm hơn, do sản lượng tiêu thụ giảm mạnh gần 40% so với năm ngoái.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận