Những nguyên nhân hàng đầu khiến ô tô bị cháy vào mùa hè
Từ những vụ ô tô bốc cháy, phát nổ trong thời gian qua đúng những ngày nắng nóng đỉnh điểm, các kỹ sư ô tô đều đánh giá nguyên nhân đầu tiên là sự chủ quan, thiếu hiểu biết của người sử dụng xe.
Các kỹ sư ô tô cho hay, khi ô tô tắt máy, đóng kín cửa, phơi lâu dưới trời nắng nóng với nhiệt độ ngoài trời khoảng 40 độ C thì nhiệt độ trong xe sẽ đạt từ 60 đến khoảng hơn 90 độ C. Chính vì thế việc thường xuyên đỗ xe dưới nắng nóng và mức nhiệt cao trong mùa hè, kèm theo đó là tâm lý chủ quan trong viêc chăm sóc xe, các vật dụng trên xe khiến không ít trường hợp xe bốc cháy đáng tiếc.
Việc đưa ra giả định xe đỗ dưới trời nắng nóng khiến các bộ phận của xe nóng lên và phát nổ là khó xảy ra. Bởi các thiết bị của ô tô được chế tạo theo tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật đặc thù, chịu được nhiệt độ cao. Vì thế nếu nhiệt độ môi trường có lên tới hàng trăm độ C nếu xe vận hành liên tục thì vẫn không thể cháy nổ.
Anh Nguyễn Quang Lược, kỹ sư ô tô tại một gara ô tô ở Hà Nội nói: "Thông thường, ô tô tự phát nổ đồng nghĩa với việc trong xe phải có hiện tượng xảy ra áp suất cực lớn. Hiện tượng kích nổ các vật đựng chất lỏng kín trong cabin ô tô vào mùa hè là khá phổ biến. Những cảnh báo về việc đừng bao giờ để đồ dễ tăng áp suất như bình cứu hỏa, lon nước ngọt có gas… trong xe đã được các chuyên gia khuyến cáo từ rất lâu nhưng dường như ít chủ xe quan tâm để ý đến. Ca-bin xe phơi ngoài trời nắng trở thành tác nhân “lý tưởng” để các vật dụng này tạo nên một đám cháy”.
Cũng theo anh Lược, ngoài các vật dụng tăng áp suất thì trong quá trình vận hành, rác và một số vật liệu dễ cháy có thể bị cuốn và ẩn trong khoang máy, gầm xe… nơi nhiệt độ luôn ở mức rất cao. Khi trời nắng gắt, lượng nhiệt ở khu vực này tiếp tục gia tăng và những thứ tưởng như vô hại này sẽ lập tức trở thành vật kinh khủng ít ai ngờ. Ví dụ như vụ Mercedes cháy ở Nghệ An do rơm cuốn gầm xe là một dẫn chứng đáng bàn đến. Thực tế trước đó cũng có rất nhiều vụ cháy nổ xe do nguyên nhân tương tự.
Ngoài ra, anh Long, một chủ gara ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội đưa ra lời khuyên cho các chủ xe là nên tuân thủ lịch bảo dưỡng định kỳ. Bởi theo anh Long, không phải tự nhiên mà các nhà sản xuất phải đặt ra chu kỳ kiểm tra xe một cách chi tiết. Trên bất kỳ chiếc xe nào cũng tồn tại một vài bộ phận có vòng đời hoạt động được rất ngắn và buộc phải thay thế theo quy định.
Những chi tiết tiếp xúc trực tiếp với khí hậu hoặc vận hành ở khu vực có cường độ nhiệt cao như ống dẫn nhiên liệu, vỏ dây điện,… dễ bị lão hóa sớm, gây ảnh hưởng đến khả năng hoạt động cũng như tiềm ẩn nguy cơ cháy.
Nhiên liệu cho xe phải đảm bảo chất lượng
Theo một số chuyên gia, nhiều vụ cháy xe là do chất lượng xăng dầu. Khi chiếc xe sử dụng loại xăng dầu kém chất lượng không chỉ làm động cơ hoạt động không ổn định mà còn khiến nhiệt độ khoang máy tăng cao.
Do vậy, người sử dụng nên đổ xăng ở những địa chỉ có uy tín.
Vệ sinh khoang xe máy thường xuyên
Rác, lá cây khô, giấy vụn, giẻ lau và một số vật liệu dễ cháy có thể bị cuốn vào và ẩn trong các ngóc ngách của động cơ. Trong quá trình hoạt động nhiều giờ cộng với gặp thời tiết nắng nóng, nhiệt độ khoang động cơ có thể lên tới vài trăm độ C, rất dễ bén lửa khi gặp những vật liệu trên.
Do đó, để bảo vệ chiếc xe của mình, hãy bật nắp capo lên vào dọn dẹp, vệ sinh bất kể khi nào có thể.
Kiểm tra và sử dụng nước làm mát
Nước làm mát là một bộ phận quan trọng trong việc điều tiết nhiệt độ của chiếc xe. Nếu thiếu nước làm mát hoặc sử dụng nước làm mát không đạt tiêu chuẩn sẽ khiến chiếc xe bị nóng máy, giảm hiệu suất của xe.
Nhiệt độ trong khoang máy tăng cao đột ngột cộng với việc rò rỉ nhiên liệu trong quá trình di chuyển có thể dẫn đến nguy cơ cháy nổ.
Để đảm bảo an toàn, trước mỗi chuyến đi xa, nên dành ra 1-2 phút để kiểm tra xe, trong đó đặc biệt quan tâm đến nước làm mát.
Không hút thuốc lá
Điều này tưởng chừng đơn giản song rất nhiều tài xế có thói quen vừa lái xe vừa hút thuốc. Tàn thuốc lá đang cháy rơi ra ngoài có thể sẽ bay đến bất cứ đầu để gây cháy. Các lái xe cũng chú ý, nắp bình xăng luôn phải đóng chặt để đề phòng rò rỉ.
Chú ý cho xe nghỉ khi di chuyển đường dài
Những ngày nắng nóng, chiếc xe phải chịu một nhiệt độ lớn hắt lên từ mặt đường. Do vậy, nếu đi xa, hãy để cho chiếc xe nghỉ ngơi mỗi 70-100km. Khi chiếc xe được tắt máy và đỗ vào chỗ râm mát khoảng 20 phút, nhiệt độ khoang sẽ máy giảm được 50%. Điều này không chỉ khiến chiếc xe có hiệu suất cao hơn và còn giảm thiểu nguy cơ cháy nổ, đồng thời giúp lái xe tỉnh táo hơn trong những chuyến đi dài.
Chữa cháy khẩn cấp
Khi không may đang di chuyển, chiếc xe có hiện tượng bốc khói ở nắp capo, lúc này tuyệt đối không được mở nắp capo vì khi đó sẽ cung cấp một lượng ô xy khiến ngọn lửa bùng lên.
Lúc này, hãy bình tĩnh làm mát chiếc xe bằng bình chữa cháy, cát, đất hoặc các vật liệu không cháy. Đồng thời, nhanh chóng sơ tán tất cả mọi người ra xa khỏi xe ngay lập tức.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận