Ford chiếm số lượng nhiều nhất
Bình quân mỗi quý có hơn chục cuộc triệu hồi với số lượng tăng dần. Đáng chú ý, Ford là hãng có lượng xe bị triệu hồi nhiều hơn hẳn so với các hãng khác tại Việt Nam.
Cụ thể, tháng 5/2019, Ford được Cục đăng kiểm VN phê duyệt lệnh triệu hồi 198 xe EcoSport đời 2018 để khắc phục hiện tượng xuất hiện tiếng kêu tại khu vực ghế trước trong quá trình vận hành.
Dòng xe thương mại Ford Transit cũng bị triệu hồi 1370 xe nhằm cập nhật phần mềm hiệu chỉnh cho Mô-đun điều khiển động cơ PCM trên xe Ford Transit. Dòng SUV nhập khẩu bán khá chạy Ford Explorer, dù mới về Việt Nam chưa lâu nhưng cũng bị thu hồi 672 xe nhằm thay thế tay đòn liên kết hệ thống treo sau.
Tuy nhiên, bị thu hồi nhiều nhất là mẫu bán tải bán chạy số một - Ford Ranger phải triệu hồi 25.288 chiếc do bị ảnh hưởng lỗi ống dầu phanh trước (đoạn ống mềm).
Trên một số xe Ford Ranger bị ảnh hưởng có thể xuất hiện hiện tượng dầu phanh bị thất thoát khiến cho đèn cảnh báo dầu phanh bật sáng trên cụm đồng hồ táp lô, tăng hành trình đạp phanh và quãng đường dừng xe, từ đó gia tăng nguy cơ va chạm của phương tiện.
Thương hiệu Mitsubishi cũng phải thực hiện 3 cuộc triệu hồi, với mẫu xe Mitsubishi Outlander do lỗi cần gạt nước, Mitsubishi Outlander Sport & Mitsubishi Outlander PHEV để kiểm tra và thay thế cơ cấu phanh đỗ phía sau, tổng số khoảng trên 850 xe.
Một lỗi khá kỳ cục khiến Nissan Việt Nam cũng buộc phải triệu hồi 604 chiếc bán tải Navara đời 2017 được nhập khẩu nguyên chiếc. Theo đó, trên các xe bị ảnh hưởng, khi khách hàng treo móc thêm nhiều phụ kiện, đồ trang trí nặng trên chìa khóa xe, công tắc ổ khóa có thể không hoạt động bình thường (chìa khóa chuyển từ vị trí ON về ACC hoặc giữa ACC và LOCK) khi xe đi vào đường gồ ghề, bị xóc, có thể gây tắt máy đột ngột.
Lỗi túi khí vẫn đeo đẳng nhiều thương hiệu lớn
Doanh nghiệp kế thừa GM Việt Nam là Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh VinFast cũng phải thực hiện triệu hồi 7.584 xe Chevrolet Cruze và Chevrolet Orlando để kiểm tra và thay thế túi khí người lái được triển khai hồi cuối tháng 5 vừa qua.
Toyota cũng triệu hồi 201 chiếc Toyota Vios đời 2014 (CKD) do TMV sản xuất lắp ráp tại Việt Nam, để kiểm tra và thay thế cụm bơm khí của túi khí phía trước ghế hành khách. Ngoài ra, mẫu xe thể thao nhập khẩu Toyota 86 đời 2012 cũng bị triệu hồi 28 chiếc do lò xo xu-páp có thể bị nứt vỡ, tạo tiếng ồn hoặc khiến động cơ rung giật khi hoạt động.
Tính riêng vấn đề túi khí, đã có gần 7.800 xe của hai thương hiệu Chevrolet và Toyota bị triệu hồi trong 2 quý đầu năm nay. Được biết, số lượng xe bị triệu hồi do lỗi này chưa thể dừng lại do số lượng túi khí trang bị trên các đời xe từ 2012 - 2017 khá nhiều, vẫn được các hãng tiếp tục thống kê rà soát ở quy mô toàn cầu.
Đối với xe hạng sang, 1.648 chiếc Mercedes-Benz C-class và E-Class bị ảnh hưởng bởi lỗi ở hộp điều khiển và cụm cơ cấu lái (cụm thước lái) được gọi về hãng để kiểm tra và thay thế nếu cần thiết. 286 chiếc xe nhập khẩu hạng sang Lexus GX460 cũng bị triệu hồi kể từ ngày 12/3/2019, do lắp túi khí "nhiều tai tiếng" Takata.
Ngoài ra, một số thương hiệu xe cao cấp nhập khẩu từ Châu Âu cũng thực hiện triệu hồi nhưng số lượng không nhiều, như Audi triệu hồi 203 xe trong 2 đợt, Jaguar triệu hồi 8 xe dòng E-Pace S và 110 xe dòng Land Rover.
Về xe máy, chỉ có duy nhất hãng Honda phải gọi về xưởng 2.358 xe phân khối lớn Honda Rebel 300 do Honda Việt Nam nhập khẩu và phân phối để kiểm tra và thay thế (nếu cần thiết) trục sơ cấp hộp số.
Xe nằm trong danh sách bị triệu hồi không có nghĩa tất cả đều mất an toàn, nhưng tốt nhất nên sửa chữa càng sớm càng tốt, đặc biệt là các lỗi nghiêm trọng. Các chủ xe có thể tham khảo thông tin chi tiết về chủng loại, mẫu xe của mình có bị triệu hồi hay không trên website của Cục Đăng kiểm VN.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận