Nhiều chung cư cấm sạc xe điện
Sau vụ cháy chung cư mini tại Khương Hạ (Thanh Xuân, Hà Nội), cư dân tại toà nhà EcoHome 3 Thủ đô (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) mấy ngày nay xôn xao, bàn tán.
Theo ông Nguyễn Duy Dương, Trưởng ban quản trị toà nhà, thiệt hại quá lớn từ vụ cháy khiến không ít bà con ở đây lo lắng và kiến nghị Ban quản trị phải có biện pháp đảm bảo phòng cháy chữa cháy (PCCC). Đặc biệt do lo ngại nguyên nhân vụ cháy xuất phát từ quá trình cắm sạc xe điện đêm nên nhiều cư dân kiến nghị siết chặt việc này. Để người dân yên tâm, Ban Quản trị đã phải gửi thông báo đến tất cả các hộ dân để phòng ngừa.
"Hiện 2 toà nhà có khoảng 150 xe điện. Sau vụ cháy chung cư mini, Ban quản trị toà nhà đã phải họp khẩn với Ban Quản lý về các biện pháp PCCC và thống nhất kéo dài khung giờ ngắt điện khu vực sạc điện từ 23 giờ đến 5 giờ sáng, thay vì từ 1 giờ đến 5 giờ như trước. Bên cạnh đó lắp camera giám sát khu vực sạc điện và lắp đặt thiết bị tự động ngắt điện khu vực sạc điện. Đồng thời khoanh vùng khu vực xe đạp, xe máy với xe máy điện cách ly với hệ thống xe xăng", ông Dương cho biết.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Dương cho biết thêm: "Bất cứ ai khi vào ở chung cư, điều quan tâm nhất là vấn đề an ninh trật tự và PCCC. Mặc dù việc giữ xe tại tầng hầm chung cư tại đây đã được sắp xếp khoa học, tách riêng khu vực sạc xe điện với khu để xe xăng đồng thời không cho phép sạc xe điện ban đêm nhưng trước lo lắng của người dân, Ban Quản trị quyết định sẽ chỉ cho phép sạc trước 23 giờ. Điều này có thể khiến những người sử dụng xe điện gặp khó khăn do không đủ thời gian sạc pin xe cho ngày đi làm tiếp theo".
Tại toà nhà Hateco Apollo (Xuân Phương, Hà Nội), Ban Quản trị toà nhà này cũng ra thông báo khuyến cáo các biện pháp bảo đảm an toàn PCCC khi sạc xe điện. Theo ông Lê Văn Tuấn, Phó trưởng ban toà nhà, chung cư đang có khoảng 70 xe điện (xe máy, xe đạp) đã được quy hoạch khu vực riêng và cung cấp các ổ cắm sạc. Tuy nhiên sau sự việc xảy ra tại chung cư mini tại Khương Hạ (Thanh Xuân, Hà Nội) được cho là do chập điện trong quá trình sạc xe điện, Ban quản trị đã yêu cầu bộ phận an ninh sau 0 giờ sẽ kiểm tra và rút toàn bộ phích cắm sạc xe điện để đảm bảo an toàn.
Bên cạnh đó, Ban quản trị cũng đưa ra một số khuyến cáo như: không sạc xe quá 8 tiếng, không tự ý thay đổi kết cấu xe, không lắp thêm phụ kiện trên xe điện, thường xuyên duy trì và bảo dưỡng pin, ắc-quy và hệ thống dẫn điện của xe điện, hệ thống sạc cũng như toàn bộ chiếc xe…
Theo thông tin phản ánh của nhiều cư dân tại các khu chung cư, hiện hầu hết các toà nhà đều siết lại việc cho phép sạc xe điện. Thậm chí nhiều khu chung cư còn cấm cư dân gửi xe điện tại tầng hầm.
Pin, ắc-quy xe điện có dễ cháy nổ?
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Trần Quang Hà, Phó Vụ trưởng Vụ KHCN&MT (Bộ GTVT) cho biết, có thể khẳng định việc sạc điện dẫn đến nổ pin hay bình ắc-quy chỉ là hãn hữu. Sở dĩ nói như vậy vì theo nguyên lý của các loại pin, khi sạc điện đầy thì dòng điện sẽ nhỏ dần và tiến tới cân bằng, có thể tự động ngắt dòng sạc. Bản thân các loại pin và ắc-quy khi thiết kế cũng đã tính đến những nguy cơ chống chập cháy nên được kiểm soát chất lượng rất nghiêm ngặt bằng các bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn và thử nghiệm cháy nổ.
Thực tế cho thấy hầu hết các vụ cháy đều do chập điện khi sạc. Điều này có thể xuất phát từ việc quá tải nguồn điện. Hầu hết các toà nhà chung cư hiện nay khi xây dựng đều chưa tính đến việc thiết kế phụ tải cho sạc xe điện nên có thể dẫn đến quá tải, gây ra chập cháy.
"Để giải quyết tình trạng chập cháy có thể xảy ra, các chủ đầu tư toà nhà nên có phương án tính toán nguồn phụ tải điện cho việc sạc xe điện. Trước mắt, có thể tính đến việc bố trí một khu vực riêng cho xe điện, đồng thời bố trí nguồn điện đủ để đảm bảo không bị quá tải, gây chập cháy".
Tương tự theo PGS.TS. Đàm Hoàng Phúc, Giám đốc Chương trình đào tạo kỹ thuật ô tô (Đại học Bách khoa Hà Nội), đến nay chưa thấy thống kê nào về các vụ cháy liên quan đến pin xe điện gây hậu quả lớn. Thực tế thì pin lithium trên xe điện có khả năng cháy và khi đã cháy thì khó dập hơn bình thường. Tuy nhiên điều kiện để loại pin này cháy rất khó, thậm chí còn khó cháy hơn xăng dầu rất nhiều.
"Pin sử dụng trên các phương tiện giao thông được kiểm soát rất chặt chẽ về các tiêu chuẩn, quy chuẩn và được thử nghiệm khắc nghiệt. Chẳng hạn pin trên ô tô hiện nay trên thế giới đang áp dụng tiêu chuẩn R100. Đối với xe đạp, xe máy điện tại Việt Nam, các loại pin cũng phải đáp ứng tiêu chuẩn và quy chuẩn với yêu cầu rất cao. Để lắp được lên xe, nhà sản xuất cũng buộc phải trải qua quá trình thử nghiệm khắc nghiệt để đảm bảo an toàn cháy nổ. Vì thế theo tôi, chủ yếu các vụ cháy do xe điện nếu có chủ yếu là do quá tải dòng trong hệ thống điện của các toà nhà hoặc cũng có thể có những loại xe hoặc pin trôi nổi trên thị trường mà chúng ta chưa kiểm soát được".
Cũng theo PGS.TS Đàm Hoàng Phúc, người sử dụng xe điện cũng cần lưu ý phải sử dụng xe theo đúng khuyến cáo của nhà sản xuất, như: thời gian sạc bao lâu, thiết kế ổ cắm như thế nào đặc biệt là hệ thống điện tại nơi sạc có đảm bảo đủ công suất hay không…
"Thường thì công suất dòng điện được thể hiện trên cầu dao tổng, khi sạc pin xe điện cần căn cứ vào công suất dòng điện cộng lại các thiết bị xem có đảm bảo công suất nguồn hay không. Điều này rất quan trọng để đảm bảo công suất nguồn không bị quá tải, dẫn đến chập cháy", PGS.TS Đàm Hoàng Phúc cho biết.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận