Cổng vào nhà máy Pyeongtaek của SsangYong Motor ở Gyeonggi. Ảnh: Yonhap
Thông tấn Yonhap của Hàn Quốc đưa tin, ngày 21/12/2020, SsangYong Motor đã đệ đơn lên tòa án đề nghị được tuyên bố phá sản, do tình trạng mất thanh khoản nghiêm trọng, buộc ngừng hoạt động nhà máy Pyeongtaek, sau khi các nhà cung cấp cắt đứt việc cung ứng linh kiện phụ tùng.
Đơn phá sản của SsangYong Motor đề cập nguyên nhân nợ nần chồng chất 150 tỷ won (tương đương 135 triệu USD) bao gồm khoản vay 60 tỷ won từ các chủ nợ nước ngoài và khoản vay 90 tỷ won từ Ngân hàng Phát triển Hàn Quốc.
Ngoài ra, công ty cũng nộp đơn yêu cầu hỗ trợ tái cấu trúc tự thân (ARS - hình thức tự tái cấu trúc mà không có sự can thiệp bằng cách mua lại nợ từ bên ngoài) với tòa án vào cùng ngày.
“Nếu tòa án chấp thuận chương trình ARS, công ty có thể hoạt động bình thường, các nhà cung cấp sẽ nhận được tiền thanh toán của họ, nhưng chỉ khi khi nhà máy hoạt động bình thường, chúng tôi mới có thanh khoản. Chúng tôi thực sự hy vọng các nhà cung cấp lớn sẽ hợp tác để giải quyết tình hình, nếu không, các nhà cung cấp nhỏ hơn cũng sẽ sụp đổ”, phát ngôn viên công ty giãi bày.
“Với sự gián đoạn của việc cung ứng phụ tùng ô tô, việc sản xuất sẽ bị đình chỉ một số ngày từ nay đến hết tháng 12”, SsangYong Motor cho biết trong một hồ sơ pháp lý được công bố trên website chính thức của hãng.
Hyundai Mobis, LG Hausys và S&T Dynamics nằm trong số các nhà cung cấp phụ tùng đã tạm ngừng giao hàng cho SsangYong Motor.
Giao dịch cổ phiếu của SsangYong Motor trên thị trường chứng khoán cũng bị đình chỉ kể từ ngày 21/12/2020.
Nhà máy Pyeongtaek ở Gyeonggi là nơi sản xuất chủ chốt của SsangYong Motor, chiếm 86% sản lượng hàng năm của nhà sản xuất ô tô tại Hàn Quốc, nhưng thuộc sở hữu của Ấn Độ.
Năm 2009, hãng xe Hàn Quốc này đã từng bị phá sản cũng do nhà cung cấp cắt nguồn cung ứng linh kiện, sau đó được Mahindra & Mahindra từ Ấn Độ tung tiền ra mua lại toàn bộ công ty, gồm cơ sở vật chất và thương hiệu.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận