Với hơn 11 nghìn xe VF 3 bàn giao cho khách trong tháng 10, mẫu xe điện cỡ nhỏ nhất của VinFast giúp thương hiệu non trẻ bật lên và chiếm ngôi vị dẫn đầu về doanh số cộng gộp 10 tháng trên thị trường ô tô Việt Nam. Dự kiến tháng 11, lượng xe VF 3 bàn giao tiếp tục tăng với sản lượng không thấp hơn tháng 10.
Nhìn lại thị trường ô tô Việt Nam hơn 20 năm qua, những mẫu xe nhỏ giá rẻ luôn là “gà đẻ trứng vàng”, tạo tiền đề vật chất cho các hãng xe vươn lên, vừa mở mang thị phần vừa mở rộng dải sản phẩm.
Ngày 6/8/2003, chiếc Toyota Vios lần đầu ra mắt, là chiếc xe nhỏ nhất của thương hiệu Toyota khi đó tại Việt Nam. Toyota khi đó chỉ đặt mục tiêu khiêm tốn, bán được 200 xe/tháng.
Nhưng đến nay Vios đã trở thành sự lựa chọn của đông đảo khách hàng cá nhân và doanh nghiệp taxi với doanh số lũy kế 229.303 chiếc (tính đến tháng 2/2023), cao nhất lịch sử thị trường ô tô Việt Nam. Đồng thời có 8 năm giữ ngôi vương trên bảng xếp hạng xe bán chạy nhất thị trường, trong đó có 7 năm liên tiếp (2014 - 2020) và năm 2022.
Hyundai Grand i10 được Hyundai Thành Công giới thiệu lần đầu tại Việt Nam vào năm 2013, xe nhập khẩu Ấn Độ và nhắm đến các gia đình nhỏ, các hãng taxi.
Sau ba năm, vào ngày 5/7/2017 lãnh đạo Hyundai Thành Công tiết lộ mẫu xe nhỏ này đã bán được 50 nghìn chiếc trong giai đoạn 2014 - 2016, vượt qua doanh số của Toyota Vios trong cùng giai đoạn (40 nghìn chiếc).
Năm 2017, lãnh đạo hãng lần đầu thừa nhận, Hyundai Grand i10 đang là “gà đẻ trứng vàng cho chúng tôi”. Sau 10 năm (2014 - 2023), có khoảng 155.000 chiếc Hyundai Grand i10 về nhà khách hàng.
Tại sao mẫu xe “gà đẻ trứng vàng” cho từng hãng lại thuộc vào các phân khúc khác nhau? Như Toyota Vios thuộc phân khúc sedan B, Hyundai Grand i10 ở phân khúc A; thậm chí “gà đẻ trứng vàng” cho hãng Mazda ở Việt Nam lại là chiếc CX-5, thuộc phân khúc crossover, trong khi với VinFast, mẫu xe đang khiến nhà sản xuất phấn chấn cao độ, lại thuộc nhóm mini EV - phân khúc mới hoàn toàn.
Điểm chung của những mẫu xe nói trên, là có tiềm năng và sau này trở thành "gà đẻ trứng vàng” nhờ được sản xuất tại Việt Nam. Sản phẩm ô tô “made in Vietnam” khi đó mang giá trị kép, vừa cụ thể, vừa vô hình.
Giá trị cụ thể trước hết là một chiếc xe sản xuất nội địa với sản lượng đủ lớn, dễ bắt gặp ngoài đường, nhìn thấy ở nhiều tỉnh thành khắp trong Nam ngoài Bắc thì nhận được sự tin cậy.
Giá trị tiếp theo là nhờ sản xuất trong nước, các linh kiện phụ tùng cũng từ nội địa cung ứng thì việc thay thế phụ tùng đơn giản hơn, chi phí vận hành cũng dễ chịu hơn. Minh chứng, rất khó để tìm ra lời phàn nàn rằng phụ tùng của xe Vios khó mua hay linh kiện của Hyundai i10 khan hiếm.
Giá trị khác nữa, là những chiếc xe quen thuộc kiểu như CX-5, Vios hay i10 luôn có tính thanh khoản cao, dễ mua dễ bán. Người mua - người bán, thậm chí cả người trung gian sẽ không mất nhiều thời gian để thẩm định, chốt giá một chiếc xe đã quá quen thuộc, chạy đầy ngoài đường.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận