Công dụng của cảnh báo điểm mù
Chia sẻ với PV Báo Giao thông, Anh Lê Việt Trung (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, trong quá trình sử dụng ô tô đi lại hàng ngày, một trong những tính năng an toàn phải hoạt động thường xuyên nhất là cảnh báo điểm mù. Hệ thống này cũng đã không ít lần giúp anh Trung tránh khỏi va chạm xe không đáng có.
"Có lần khi đang xi-nhan để rẽ lên cầu vượt Ngã Tư Sở, tôi đã quan sát kỹ gương chiếu hậu không có xe nào phía sau mới điều khiển đánh lái nhập làn thì bất ngờ thấy cảnh báo điểm mù nằm ở trên gương phát sáng kèm tiếng cảnh báo. Nghe thấy tiếng cảnh báo, tôi không tiếp tục đánh lái mà rà chân phanh thì bất ngờ có một chiếc xe máy vụt qua. Nếu không có cảnh báo điểm mù thì rất có thể đã xảy ra va quệt", anh Trung chia sẻ thêm.
Theo các nhà sản xuất, hệ thống cảnh báo điểm mù là thiết bị cảnh báo an toàn thông minh, có vai trò theo dõi các vị trí khuất tầm nhìn ở xung quanh xe và cảnh báo cho người lái khi phát hiện có phương tiện di chuyển trong khu vực này. Việc phát hiện giúp người lái chủ động điều khiển xe và xử lý kịp thời các tình huống nguy hiểm, đảm bảo an toàn khi di chuyển trên đường.
Về nguyên lý hoạt động, hiểu một cách đơn giản, hệ thống giám sát và cảnh báo điểm mù sử dụng các bộ phát sóng gắn trên đuôi xe và hai bên thân xe để phát hiện các phương tiện đang ở trong khu vực của điểm mù. Tiếp đó, hệ thống sẽ phát tín hiệu bằng đèn báo (tuỳ nơi nhà sản xuất gắn) hoặc âm thanh cảnh báo. Cũng có nhiều xe phát đồng thời cả đèn cảnh báo lẫn âm thanh.
Trước những lợi ích mà hệ thống cảnh báo điểm mù mang lại, theo tìm hiểu, nhiều cơ sở phụ kiện ô tô cũng cung cấp dịch vụ lắp thêm trang bị này cho xe. Tuỳ thuộc vào từng loại, giá dao động từ vài triệu cho tới hơn chục triệu đồng.
Công nghệ cảnh báo điểm mù ngày càng phổ biến
Để nâng cao sự an toàn cho khách hàng Việt Nam, công nghệ cảnh báo điểm mù đang dần phổ biến trên các mẫu xe, thậm chí cả ô tô bình dân, có giá bán chỉ vài trăm triệu đồng.
Từ năm 2021 đến nay, nhiều mẫu xe giá rẻ chỉ vài trăm triệu đồng hạng A, B cũng đã được trang bị nhiều tính năng hỗ trợ lái xe nâng cao. Trong đó, cảnh báo điểm mù phổ biến nhất.
Một số xe đã ra mắt có thể kể tới như Toyota Raize, Wigo, VinFast VF5 Plus (hạng A) hay Hyundai Creta, Toyota Veloz Cross, Nissan Almera, Mazda 2 (hạng B).
Theo PGS.TS. Đàm Hoàng Phúc, các hãng xe phải bỏ ra rất nhiều tiền để nghiên cứu các công nghệ của hệ thống hỗ trợ lái xe nâng cao. Để thu hồi vốn và có lợi nhuận, đầu tiên chiến lược phải đưa các công nghệ này lên những mẫu xe đắt tiền.
Khi đã thu hồi một phần vốn đầu tư, họ sẽ bắt đầu trang bị cho những dòng xe giá rẻ để đáp ứng nhu cầu sử dụng bởi người mua ô tô bao giờ cũng muốn một chiếc xe an toàn hơn.
Điều này nâng cao tính năng an toàn, đồng thời tăng tính cạnh tranh của các dòng xe với nhau. Ví dụ ô tô giá rẻ của Toyota có, các hãng muốn cạnh tranh cũng sẽ phải đưa các công nghệ của ADAS lên xe.
"Người tiêu dùng Việt Nam đã bắt đầu nâng cấp nhu cầu, đòi hỏi một chiếc xe cần phải an toàn hơn. Việc các hãng đưa ADAS lên xe giá rẻ là để đáp ứng nhu cầu khách hàng", PGS.TS. Phúc nói thêm.
Một chuyên gia nhấn mạnh, công nghệ cảnh báo điểm mù chỉ hỗ trợ người lái, không có chức năng can thiệp tránh tai nạn. Vì vậy, yếu tố quyết định đến sự an toàn khi lái xe vẫn là con người.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận