Thủ tục đăng kiểm ô tô mới
Về thủ tục đăng kiểm xe mới, ông Nguyễn Minh Hải, Giám đốc Trung tâm đăng kiểm 2903S (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, khi đăng kiểm lần đầu, chủ xe phải xuất trình cho đơn vị đăng kiểm bản chính giấy đăng ký xe. Nếu chưa có đăng ký xe bản chính chủ xe sẽ phải xuất trình một trong các giấy tờ còn hiệu lực gồm: Bản sao giấy đăng ký xe có xác nhận của ngân hàng đang cầm giữ; Bản sao giấy đăng ký xe có xác nhận của tổ chức cho thuê tài chính; Giấy hẹn cấp đăng ký xe; Bản chính giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực.
Bên cạnh đó, chủ xe sẽ phải nộp thêm cho trung tâm đăng kiểm giấy tờ chứng minh nguồn gốc phương tiện là bản sao phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng đối với xe sản xuất, lắp ráp trong nước. Đối với ô tô nhập khẩu là tờ khai nguồn gốc xe ô tô nhập khẩu do cơ quan hải quan cấp cho chiếc xe đó.
Sau khi tiếp nhận giấy tờ cần thiết, trung tâm đăng kiểm sẽ đối chiếu với các thông tin, thông số kỹ thuật trên giấy tờ do chủ phương tiện cung cấp để lập thành hồ sơ quản lý kiểm định phương tiện, lưu trong hệ thống dữ liệu chung. Trong hồ sơ còn có 2 bức ảnh chụp tổng thể xe, rõ biển số xe tại thời điểm đăng kiểm.
Xe đi đăng kiểm lần đầu phải mất thời gian lập hồ sơ quản lý phương tiện nên thường mất nhiều thời gian hơn so với xe đăng kiểm định kỳ. Các công đoạn kiểm định tương tự như xe đăng kiểm định kỳ, nhưng do là xe mới nên được giảm bớt công đoạn kiểm tra khí thải.
Thủ tục đăng kiểm ô tô cũ (đăng kiểm định kỳ)
Sau kỳ đăng kiểm lần đầu đối với ô tô mới, chủ xe sẽ phải thực hiện việc đăng kiểm định kỳ. Cụ thể:
- Ô tô chở người dưới 9 chỗ không kinh doanh vận tải sẽ có chu kỳ kiểm định lần đầu là 30 tháng. Các mốc tiếp theo được tính cụ thể như sau: Xe sản xuất dưới 7 năm có chu kỳ kiểm định là 18 tháng. Những xe sản xuất từ 7 năm đến 12 năm có chu kỳ là 12 tháng và những xe sản xuất trên 12 năm có chu kỳ kiểm định là 6 tháng.
- Ô tô chở người dưới 9 chỗ có kinh doanh vận tải và ô tô chở người các loại trên 9 chỗ sẽ được chia ra thành 2 loại. Đối với các phương tiện kể trên chưa cải tạo sẽ có chu kỳ đăng kiểm lần đầu là 18 tháng và chu kỳ kế tiếp sẽ là 6 tháng/lần.
Đối với các xe kể trên đã tiến hành cải tạo, thay đổi tính năng sử dụng hoặc thay đổi hệ thống lái, phanh, treo và truyền lực sẽ có chu kỳ đăng kiểm lần đầu là 12 tháng và tiếp theo cũng sẽ là 6 tháng/ lần.
- Ô tô chở người các loại trên 9 chỗ đã sản xuất từ 15 năm trở lên; ô tô tải các loại, ô tô đầu kéo đã sản xuất từ 20 năm trở lên sẽ có chu kỳ đăng kiểm ngắn nhất là 3 tháng/lần.
Dưới đây là bảng chi tiết chu kỳ kiểm định các loại xe:
Khi đi đăng kiểm xe theo định kỳ, chủ xe phải xuất trình cho đơn vị đăng kiểm bản chính giấy đăng ký xe hoặc bản sao giấy đăng ký xe có xác nhận của tổ chức cho thuê tài chính, bản chính chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực và giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ cũ.
Biểu phí đăng kiểm ô tô
Khi đi đăng kiểm ô tô, ngoài phí đăng kiểm, chủ xe còn phải nộp thêm phí bảo trì đường bộ. Thông thường để tránh mất thời gian, chủ xe nên nộp phí bảo trì đường bộ theo thời gian chu kỳ đăng kiểm phương tiện đó. Ví dụ xe dưới 9 chỗ đăng kiểm lần đầu có chu kỳ đăng kiểm 30 tháng, chủ xe nên nộp phí bảo trì đường bộ 30 tháng.
Bảng lệ phí bảo trì đường bộ theo Nghị định số 18/2012/NĐ-CP
Kinh nghiệm đi đăng kiểm ô tô
Theo ông Hải, khi đi đăng kiểm ô tô, chủ xe nên chuẩn bị đầy đủ tất cả các loại giấy tờ cần thiết phục vụ cho việc đăng kiểm để tránh mất thời gian. Bên cạnh đó trước khi đi đăng kiểm, chủ xe nên đưa chiếc xe đi bảo dưỡng trước.
Pháp luật về giao thông quy định, chủ xe và lái xe chịu trách nhiệm duy trì tình trạng kỹ thuật của phương tiện theo tiêu chuẩn quy định khi tham gia giao thông đường bộ giữa hai kỳ kiểm định. Trường hợp xe không đáp ứng tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật, trung tâm đăng kiểm sẽ thông báo lỗi và yêu cầu chủ xe khắc phục để bảo đảm an toàn.
Ông Hải cho biết thêm hiện nay, lỗi kỹ thuật chiếm tỷ lệ cao nhất là về hệ thống phanh, lái. Ngoài ra, chủ xe, lái xe có thể chủ động nhận biết, khắc phục các khiếm khuyết có thể thấy bằng mắt thường như lốp (mòn, rách), đèn pha, xi nhan, cần gạt nước, dây đai an toàn, kính.
Bên cạnh đó, có một số trường hợp chủ xe nên chú ý để không bị từ chối đăng kiểm. Đầu tiên, ô tô bị từ chối đăng kiểm khi chủ xe chưa đóng tiền phạt nguội do vi phạm giao thông. Đây là một trong những trường hợp khiến nhiều lái xe ngỡ ngàng trong thời gian qua. Khi đó, các chủ xe phải thực hiện nghĩa vụ nộp phạt hành chính đầy đủ thì cơ quan đăng kiểm mới đồng ý cho đăng kiểm.
Tiếp theo là trường hợp xe Van lắp thêm ghế sau. Đây cũng là một trong những trường hợp thu hút sự chú ý của người mua xe thời gian gần đây. Theo ông Ngô Hồng Hệ, Trưởng phòng Kiểm định Xe cơ giới (Cục Đăng kiểm Việt Nam), hành vi lắp ghế sau cho xe Van (dù có sử dụng hay không) là sai sai quy định và chắc chắn, những chiếc xe này sẽ không được đăng kiểm.
Một trường hợp nữa, ô tô sẽ bị từ chối đăng kiểm và buộc tháo dỡ khi chủ xe tự ý lắp thêm đèn chiếu sáng, cản trước/sau, vượt quá kích thước hiện trạng của xe khoảng 4cm. Ngoài việc bị từ chối đăng kiểm, những xe tự lắp thêm khung/cản bảo vệ ô tô còn bị CSGT xử phạt vi phạm hành chính với lỗi: "tự thay đổi kết cấu, tổng thành, hệ thống của xe không đúng với thiết kế của nhà chế tạo hoặc thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt".
Một trường hợp nữa là những xe kinh doanh vận tải thuộc diện phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (hộp đen) nhưng không chấp hành cũng sẽ bị từ chối đăng kiểm. Những trường hợp không lắp hộp đen theo quy định sẽ bị cơ quan đăng kiểm từ chối đăng kiểm và yêu cầu thực hiện việc lắp đặt trước khi mang xe đến trung tâm đăng kiểm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận