Nỗ lực thực hiện cam kết đẩy mạnh nội địa hoá
Việc gia tăng tỷ lệ nội địa hóa trong các ngành công nghiệp cũng như tham gia sâu rộng vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu đang là mối quan tâm hàng đầu của các doanh nghiệp Việt Nam. Đối với lĩnh vực ô tô, nội địa hóa được hiểu là hoạt động nhằm gia tăng tỷ lệ giá trị sản xuất trong nước cho ô tô và các loại linh kiện phụ tùng để thay thế phần giá trị nhập khẩu.
Lễ xuất xưởng Toyota Veloz Cross và Avanza Premio
Tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay, xe nhập khẩu từ các quốc gia trong khối ASEAN tiếp tục có mức thuế 0%. Đặc biệt, Việt Nam đã ký kết 02 Hiệp định Thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, bao gồm Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) sẽ cắt bỏ thuế trung bình từ 6% -7%/năm, giúp xe nhập khẩu có cơ hội hưởng thuế 0% từ năm 2030. Việc giảm thuế nhập khẩu về mức 0% sẽ là một thách thức không hề nhỏ đối với ngành công nghiệp ô tô Việt Nam nói chung, ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô nói riêng.
Là nhà sản xuất ô tô hàng đầu Việt Nam, có tiềm lực mạnh và đầu tư sản xuất với quy mô lớn, Toyota là một trong những doanh nghiệp chủ động xây dựng chiến lược mới một cách bài bản để tiếp tục phát triển bền vững. Toyota được xem như “ngọn cờ đầu” trong việc sản xuất lắp ráp ô tô tại Việt Nam với những mẫu xe chất lượng, được khách hàng ưa chuộng như Vios, Fortuner và Innova. Bên cạnh việc sản xuất và lắp ráp, Toyota Việt Nam cũng là doanh nghiệp chú trọng thúc đẩy sử dụng các linh kiện phụ tùng trong nước.
Đầu tư phát triển nhà máy sản xuất và sử dụng linh kiện phụ tùng được sản xuất trong nước, Toyota đã gia tăng tỷ lệ nội địa hóa một số mẫu xe lên trên 40%. Mới đây nhất, vào tháng 12/2022, Toyota Việt Nam đã xuất xưởng bộ đôi B-MPV Veloz Cross và Avanza Premio sau chưa đầy một năm bán ra dưới dạng nhập khẩu nguyên chiếc. Việc lắp ráp bộ đôi Veloz Cross và Avanza Premio đã tạo thế chủ động hơn trong việc cải thiện nguồn cung, đáp ứng nhu cầu khách hàng và góp phần gia tăng tỷ lệ nội địa hoá. Sự kiện này đã đánh dấu số mẫu xe lắp ráp trong nước của Toyota Việt Nam tăng từ 3 lên 5 xe, gần 300 linh kiện trên mẫu Veloz Cross và Avanza Premio được nội địa hóa, đóng góp vào công cuộc nội địa hóa ô tô của đất nước.
Veloz Cross và Avanza Premio được lắp ráp trong nước
Phát biểu tại lễ xuất xưởng, ông Hiroyuki Ueda, Tổng Giám đốc Toyota Việt Nam chia sẻ: “Đây là cột mốc quan trọng, đánh dấu bước phát triển lớn của Toyota tại Việt Nam và là sự khẳng định mạnh mẽ cam kết thúc đẩy sản xuất trong nước của chúng tôi. Qua đó, đóng góp vào sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô và đất nước Việt Nam”.
Với việc chuyển đổi nguồn cung sang sản xuất, lắp ráp trong nước, Toyota đã góp phần nâng cao năng lực sản xuất trong nước, tăng tỷ lệ nội địa hóa, chủ động hơn và đảm bảo nguồn cung để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Đặc biệt, sản xuất, lắp ráp trong nước hai mẫu xe Veloz Cross và Avanza Premio tạo cơ hội cho các nhà cung cấp trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng Toyota. Hãng xe Nhật luôn có những sự chuẩn bị kỹ lưỡng và lựa chọn khắt khe trong việc hợp tác cùng các nhà cung cấp linh phụ kiện, nhằm tạo ra những mẫu xe chất lượng.
Theo Toyota Việt Nam, hãng đã luôn nỗ lực, tích cực tìm kiếm và hỗ trợ các nhà cung cấp trong nước, giúp họ nâng cao năng lực quản lý, đáp ứng yêu cầu chất lượng của Toyota, đảm bảo các tiêu chuẩn để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, từ đó đóng góp cho sự phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô Việt Nam.
Cụ thể, kể từ năm 2018, Toyota Việt Nam đã thành lập riêng một bộ phận chuyên trách với phương châm “Cùng làm việc” để hỗ trợ các nhà cung cấp, ưu tiên các nhà cung cấp Việt Nam, qua đó, giúp họ nâng cao hiệu suất làm việc, chất lượng sản phẩm, hạ giá thành sản phẩm. Toyota xác định phát triển số lượng và quy mô nhà cung cấp Việt là nhiệm vụ ưu tiên và dài hạn.
“Các doanh nghiệp Việt Nam thường hạn chế về mặt kinh nghiệm cũng như chưa đáp ứng được yêu cầu về chất lượng để trở thành nhà cung cấp phụ tùng linh kiện toàn cầu. Ban đầu, Toyota nâng cao năng lực cho các nhà cung cấp Việt về 5S, an toàn, quản lý chất lượng, cử chuyên gia trực tiếp xuống tận cơ sở để hỗ trợ, hướng dẫn, tư vấn, kiểm tra, đánh giá và đồng hành sát sao hàng ngày, hàng tuần”, đại diện Toyota chia sẻ.
Dây chuyền tự động hóa tại nhà máy Toyota Việt Nam
Điển hình như Nhà máy Nhựa Hà Nội, sau 1 năm được Toyota hỗ trợ, đã cắt giảm chi phí ước tính khoảng 2,8 tỷ VND qua cải tiến về khuôn, trung bình năng suất lao động tăng 10%. Với LeGroup, Toyota đã hỗ trợ thiết lập sản xuất theo dòng chảy, nhờ vậy thời gian chuyển đổi khuôn giảm từ 30 phút xuống còn 10 phút, tăng hiệu suất lao động từ 80% tới 93%, cắt giảm được 8 máy dập, đồng thời tiết kiệm được khoảng 500m2 diện tích nhà xưởng. Còn đối với Công ty cơ khí HTMP Việt Nam, Toyota đã giúp doanh nghiệp xây dựng hệ thống sản xuất tinh gọn, nâng cao năng lực quản lý từ đó nâng cao hiệu xuất làm việc lên 90%, thời gian thay khuôn giảm 50%, hàng tồn kho đã từ 20 ngày xuống còn 10 ngày, tiết kiệm khoảng 2.000m2 diện tích nhà xưởng.
Đối với Toyota Việt Nam, đẩy mạnh nội địa hóa không chỉ đơn thuần là gia tăng số lượng nhà cung cấp Việt mà quan trọng hơn là nâng cao năng lực, chất lượng của nhà cung cấp, từ đó giảm chi phí sản xuất, tăng năng lực cạnh tranh.
Bởi vậy, các sản phẩm sản xuất và lắp ráp trong nước của Toyota Việt Nam luôn đảm bảo được chất lượng theo tiêu chuẩn chung của Toyota toàn cầu, góp phần mang đến cho người Việt giải pháp di chuyển toàn diện.
Đại diện Toyota Việt Nam tham gia hỗ trợ công ty CP Công nghiệp Kim Sen
Chung tay phát triển công nghiệp hỗ trợ
Tháng 6/2022, Toyota Việt Nam và Cục Công Nghiệp (Bộ Công Thương) đã ký kết Biên bản ghi nhớ Dự án Hợp tác hỗ trợ doanh nghiệp trong nước trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ô tô nhằm nâng cao năng lực và tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp hỗ trợ trong nước với các nhà lắp ráp ô tô. Đây là năm thứ ba liên tiếp Toyota Việt Nam và Cục Công nghiệp ký kết thỏa thuận hợp tác hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước.
Điều này thể hiện nỗ lực của Toyota Việt Nam trong việc nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, hỗ trợ các nhà cung cấp Việt và cam kết đồng hành cùng sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô và ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam. Nỗ lực hỗ trợ các nhà cung cấp nội địa, Toyota Việt Nam đã có những hoạt động cụ thể gồm: Sàng lọc các doanh nghiệp sản xuất và lập danh sách nhà cung cấp tiềm năng về phụ tùng, linh kiện ô tô để kết nối với các nhà sản xuất lắp ráp ô tô tại Việt Nam; Tổ chức các chuyến thăm thực tế tại nhà máy Toyota Việt Nam và nhà cung cấp nội địa của Toyota; Hỗ trợ tham gia đào tạo theo một số chương trình phát triển nhà cung cấp Việt Nam.
Trong năm 2022, Toyota và Cục Công nghiệp đã thực hiện chương trình mới “Hỗ trợ cải tiến hoạt động” cho một số doanh nghiệp chưa phải nhà cung cấp của Toyota trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ô tô. Theo đó, Toyota sẽ tiến hành hỗ trợ theo chiều sâu bằng cách cử chuyên gia tới làm việc cụ thể và định kỳ tại doanh nghiệp, qua đó giúp nâng cao hiệu quả hoạt động cải tiến. Bốn doanh nghiệp được Toyota Việt Nam hỗ trợ bao gồm: Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại Công nghiệp Việt Nam, Công ty TNHH Kỹ thuật Nhật Minh, Công ty TNHH MTV Cao su 75, Công ty Cổ phần Công nghiệp Kim Sen.
Cũng tại buổi lễ khai mạc Triển lãm công nghiệp hỗ trợ và chế biến, chế tạo VIMEXPO 2022, ông Hiroyuki Udea - Tổng giám đốc Toyota Việt Nam nhận định “Công nghiệp hỗ trợ cho ngành công nghiệp ô tô có vai trò rất quan trọng không chỉ đối với sự phát triển của ngành sản xuất ô tô mà còn có vai trò to lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”.
Nhờ những nỗ lực trên, tính đến nay, danh sách các nhà cung cấp của Toyota lên tới con số 58, trong đó có 12 nhà cung cấp thuần Việt. Tổng số sản phẩm nội địa hóa đạt 1.000 sản phẩm các loại.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận