Có nhiều quan niệm tưởng đúng lại hóa sai lầm khi sử dụng ô tô, xe máy |
Xe dùng nhiều thiết bị điện thì cần Ắc qui to?
Thật ra không phải vậy. Bình điện chỉ là thiết bị trữ điện năng khi xe không nổ máy còn khi xe đã nổ máy thì mọi trách nhiệm cung cấp điện dồn vào máy phát điện của xe. Việc xe "thiếu điện" chỉ được giải quyết triệt để khi thay máy phát có công suất phù hợp.
Khi nước làm mát cạn thì phải châm Coolant hay Acid?
Lại là một quan niệm sai lầm. Chất lỏng bốc hơi chủ yếu là nước nên bạn chỉ cần châm thêm nuớc tinh khiết cho đến mức cần thiết là đủ. Việc pha trộn nhiều loại Coolant không cùng gốc hay làm tăng nồng độ Acid trong bình điện có thể làm hại cho hệ thống làm mát hay làm giảm tuổi tho bình điện. Việc sạc bình định kỳ cũng là không cần thiết, Việc thiết thực là duy trì mức điện dịch đạt yêu cầu.
Bánh xe càng rộng bản càng "bám đường"?
Không phải đâu. Thực tế, các xe thể thao hay có bộ mâm to đùng và lốp mỏng dính trông rất đã, nhưng NSX làm vậy không phải để "bám đường" hơn. Ma sát giữa lốp xe với mặt đường chủ yếu phụ thuộc vào khối lượng xe, chất lượng cao su lốp, kết cấu khung gầm. Việc thay bánh xe to và mỏng sẽ dẫn đến những hệ lụy như xóc và ồn xe, sai Counter Meter, mau mòn lốp mà hiệu quả bám đường không được cải thiện.
Phanh ABS là "thiên thần hộ mệnh"?
Phanh ABS sẽ hỗ trợ rất nhiều, nhưng không phải là tất cả! Việc lái xe cẩn thận, lường trước mọi tình huống mới chính là thiên thần hộ mệnh của bạn. Lái xe cẩu thả, chạy nhanh phanh gấp, lấy cua tốc độ cao sẽ rất nguy hiểm dù xe có ABS hay không. Khi bánh xe đã hổng khỏi mặt đất thì ABS còn tác dụng gì nữa?
Đạp bàn đạp ga vài cái trước khi nổ máy (để bơm xăng) và trước khi tắt máy (để sạc bình)?
Đó là việc làm tốn thời gian vô ích. Bơm xăng tiếp liệu là bơm điện (khi mở công tắc mới chạy) hay bơm cơ khí (dẫn động bởi trục cam, vận hành khi cốt máy quay) nên không hề bị tác động khi nhấn ga.
Ở các dòng xe dùng CHK có bơm tăng tốc thì thao tác này có thể giúp 1 ít xăng được phun vào họng hút làm đậm hòa khí, nhưng có khi lợi bất cập hại, nếu CHK đó còn tốt ( Auto Choke còn hoạt động) thì việc hòa khí đậm quá có thể làm ướt buồng đốt và bugi, xe rất khó nổ máy.
Mặt khác, khi xe đã nổ máy và vận hành thì máy phát sẽ cung cấp điện cho bình điện lập tức, trong quá trình xe chạy thì bình xem như đã đầy điện và việc sạc thêm trong vài giây có ý nghĩa gì? Thậm chí việc rồ ga và tắt máy đột ngột cũng đôi khi làm dư xăng ở cổ hút, có thể làm xe "sặc xăng" ở lần khởi động kế tiếp.
Nhớt nào cũng là... nhớt?
Sai lầm về cơ bản! Nếu bạn chỉ hiểu nôm na dầu nhớt có tác dụng bôi trơn thì nguy cơ bạn sẽ không phân biệt được dùng nhớt nào ở đâu và khi nào là rất cao. Điều đó rất nguy hiểm!
Trong xe có rất nhiều thiết bị cần dầu bôi trơn để truyền áp suất, làm mát và mỗi thiết bị đều có các loại dầu bôi trơn phù hợp như dầu phanh, dầu động cơ, dầu hộp số. Bản thân các loại dầu cũng có các thông số và phẩm cấp riêng, việc dùng lẫn lộn là rất nguy hiểm hoặc chí ít là làm hỏng hay giảm tuổi thọ xe.
Xe đi lâu sẽ bị "nóng máy"?
Đây là quan niệm chỉ đúng với những xe trục trặc về hệ thống làm mát hoặc đời xe quá sâu, nhiều yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động của động cơ. Một động cơ ổn định thì dù trời nắng hay mưa, ngày hay đêm, leo dốc hay đổ đèo, xe chở hàng hay chỉ người lái, đi 1km hay hàng trăm km… thì nhiệt độ cũng vẫn ổn định ở một mức cho phép.
Nếu động cơ xe bạn thay đổi nhiệt độ theo từng điều kiện khách quan thì có nghĩa là đã đến lúc bạn nên kiểm tra tổng quát xe. Cũng chính vì vậy, đôi khi không cần lo lắng thái quá khi bạn phải dùng xe chạy ở số thấp trong một quãng đường khá dài (đèo, núi...) mà hãy tập trung vào việc điều khiển xe và chọn mức số sao cho xe chạy mạnh và chủ động tốc độ.
Việc "ép ga" số thấp sẽ làm hại động cơ hơn là "ép số"?
Thông thường khi chạy xe số sàn ở số thấp (vòng tua máy cao) gây cảm giác gầm rú khiến nhiều người lo lắng cho động cơ xe còn nếu chạy số cao ở tốc độ thấp thì lại không thấy tiếng máy gằn. Do đó, theo thói quen nhiều người “gia tăng” việc chạy số cao ở bất kỳ tốc độ nào (hay còn gọi là lười về số) vì nghĩ là làm vậy máy quay ít hơn, sẽ bền và lợi xăng.
Đây là quan niệm cực kỳ sai lầm, làm giảm thọ động cơ nghiêm trọng vì việc đặt tải trọng lớn lên động cơ trong khi số vòng quay thấp (bơm dầu tạo áp lực kém) có thể phá hủy màng dầu bôi trơn và làm mòn các chi tiết trượt.
Việc tua máy cao tuy gây cảm giác gầm rú, nhưng thật ra lại ít gây thiệt hại cho động cơ ngoài việc tốn nhiên liệu, gây ồn và ô nhiễm môi trường. Chính vì vậy, hãy chọn bước số phù hợp theo tốc độ và tải trọng chở của xe nếu bạn muốn điều tốt nhất cho chiếc xe của mình.
Nên thường xuyên đánh bóng xe để giữ mới?
Bạn có bao giờ tự hỏi là tại sao xe bạn lại bóng bẩy sau mỗi lần đánh bóng bằng hóa chất? Thực tế là trong sáp đánh bóng (Car Wax) ngoài những hóa chất nền làm sạch và làm bóng sơn xe, còn có 1 lượng nhất định bột mài làm mòn lớp sơn bị đánh.
Việc đánh bóng xe quá nhiều lần khi nó chưa thật sự mờ cũ sẽ làm nước sơn xe bạn nhanh chóng bị mòn, mất lớp bảo vệ và bị bạc màu.
Vì vậy bạn nên chăm rửa sạch xe bằng các dung dịch chuyên dụng, giữ bóng lớp sơn bằng các dung môi và cũng đừng để xe bạn bẩn quá lâu làm chất bẩn thấm sâu vào sơn ăn mòn độ bóng vốn có.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận