Tác dụng của camera sau là có nhưng không đáng kể. |
Nhiều năm trở lại đây, giới chức các nước như Mỹ, Canada... phân vân chuyện lắp camera sau để ngăn chặn tai nạn khi lùi xe gây thương vong nghiêm trọng, nhất là đối với trẻ em.
Bắt buộc lắp camera sau trên ô tô
Tại Mỹ, tờ Washington Post cho biết, Cơ quan Quản lý ATGT đường bộ Mỹ (NHTSA) ước tính, trung bình mỗi năm, có 210 người thiệt mạng, 14.000 người bị thương vì tai nạn lùi sau. Trong đó, trẻ em dưới 5 tuổi (chủ yếu 1 tuổi) chiếm 31%; người trên 70 tuổi chiếm 26% tổng số người thiệt mạng. Trong khi đó, tại Canada, ước tính 27 người thiệt mạng và 1.558 người bị thương/năm vì tai nạn khi lùi xe.
Bộ Giao thông Canada cho biết, con số này chỉ là ước tính bởi còn rất nhiều vụ va chạm khi lùi xe xảy ra tại các địa điểm không phải trên đường (như bãi đỗ xe, đường lái xe vào nhà, đường riêng tư). “Mặc dù số người thiệt mạng vì tai nạn khi lùi xe không đến mức đáng báo động nhưng thiệt một mạng người cũng là thảm kịch”, bà Jessica Cicchino, Phó chủ tịch nghiên cứu tại Viện Bảo hiểm về An toàn đường cao tốc cho biết.
Trước tình hình này, cả Mỹ và Canada đều đang nghiên cứu luật bắt buộc lắp camera sau trên toàn bộ ô tô mới và xe tải nhẹ bắt đầu từ tháng 5/2018. Quy định này được đề xuất tại Mỹ từ năm 2014 nhưng chưa đưa thành luật. Việc lắp camera sau mới dừng lại ở tùy chọn cho người điều khiển ô tô, không bắt buộc. Với Canada, đề xuất trên mới được đưa ra cuối tháng 10/2016, áp dụng với các phương tiện nhẹ mới, bao gồm xe cá nhân, xe tải nhẹ, xe ba bánh, xe tải nhỏ và xe buýt. Quy định mới chính thức được đăng tải trên Canada Gazette (tờ báo chính thức của Chính phủ Canada) để lấy ý kiến trong 75 ngày. Bộ Giao thông Canada cho biết, quy định bắt buộc trên là biện pháp đảm bảo an toàn cho trẻ em, người khuyết tật, người già và những người dễ bị tổn thương trong các vụ va chạm khi xe lùi.
Camera sau thu hình ảnh không gian đằng sau ô tô với phạm vi 3-6m và hiển thị trên màn hình phía trước để người điều khiển có thể nhìn thấy thay vì ngoái đầu về phía sau/kiểm tra gương. Dù chưa thành luật nhưng tính năng này được rất nhiều người ủng hộ. Năm 2014, khảo sát do công ty khai thác thông tin ô tô Edmunds của Mỹ cho thấy, 89% người được hỏi cho biết, họ muốn xe ô tô có camera sau. Khoảng 61% người được hỏi sẵn sàng trả từ 100-600 USD cho công nghệ này. Bản thân các nhà sản xuất cũng sử dụng tính năng này để tăng giá trị ô tô, trước khi quy định chính thức đi vào áp dụng. “Khách hàng chắc chắn muốn tính năng này, thậm chí chọn camera sau là điều kiện tiên quyết khi mua xe”, Tổng biên Tập trang Cars.com, ông Joe Wiesenfelder cho biết.
Có camera chưa chắc đã an toàn
Mặc dù đa phần người sử dụng tự nguyện lắp đặt nhưng chính phủ Mỹ chưa thể đưa thành luật bởi nhiều lý do. Trước hết, số liệu liên bang công bố hồi tháng 6 vừa qua cho thấy, công nghệ camera sau không giúp cắt giảm đáng kể tỉ lệ tai nạn ô tô khi lùi, thậm chí còn tiềm ẩn hiểm họa.
Một nghiên cứu về các vụ tai nạn khi lùi xe do Cơ quan ATGT Cao tốc Quốc gia Mỹ (NHTSA) cho thấy, những năm gần đây, lượng camera sau lắp trên ô tô tăng gấp đôi, từ 32% lên 68% trong tổng số lượng ô tô mới được bán. Tuy nhiên, số người bị thương vì tai nạn khi lùi chỉ giảm 8%. Cùng kỳ, tỉ lệ thiệt mạng vì loại tai nạn này giảm tới 31% so với 4 năm trước đó. Song vì số lượng người thiệt mạng khi va chạm lúc lùi xe không nhiều nên nếu tính ra số người cụ thể thì không đáng kể so với mục tiêu NHTSA đề ra nếu đưa quy định camera sau vào áp dụng, giảm từ 58 đến 69 người/năm.
“Chúng tôi hiểu camera sau phần nào có ích nhưng tác dụng không quá đột phá”, bà Jessica Cicchino, Phó Chủ tịch nghiên cứu tại Viện Bảo hiểm về An toàn đường cao tốc cho biết.
Hơn nữa, với camera sau, tài xế sẽ gần như dán chặt mắt vào màn hình để theo dõi trong khi phạm vi của camera chưa đủ bao quát và hoàn toàn có thể gây phân tâm vì rất nhiều yếu tố khi lùi xe, Janette Fennell Chủ tịch, người sáng lập tổ chức an toàn xe ô tô KidsAndCars.org cho biết.
Chẳng hạn, nếu vật thể ở đằng sau ô tô nằm trong bóng râm, phần lớn tài xế nhìn vào màn hình camera sau đều không thể nhận ra và vẫn có thể bị va chạm. Thời tiết và điều kiện ánh sáng cũng ảnh hưởng tới khả năng của camera. Mặt khác, khi có camera, người lái xe gần như bị phụ thuộc, tin tưởng vào sự an toàn của camera mà quên mất việc phải cẩn thận để ý xung quanh, ngoài camera.
Xem thêm video:
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận