Tăng tốc gọi vốn toàn cầu
Ngày 12/5, VinFast Auto Pte. Ltd (trụ sở Singapore) và Black Spade Acquisition Co (trụ sở Hong Kong, mã BSAQ, sàn chứng khoán New York) công bố thỏa thuận sáp nhập doanh nghiệp.
Sau giao dịch, VinFast có mức định giá hơn 23 tỷ USD và tiếp tục kế hoạch niêm yết công ty mới trên sàn giao dịch chứng khoán Mỹ.
VinFast đã xuất cảng 2 chuyến tàu với số lượng khoảng 3.000 xe ô tô điện tới Bắc Mỹ
VinFast cho biết, giá trị doanh nghiệp của công ty hợp nhất khoảng 27 tỷ USD. Giá trị vốn chủ sở hữu là 23 tỷ USD sau khi sáp nhập.
Black Spade là công ty tài chính được niêm yết trên sàn chứng khoán NYSE (Mỹ) với mã BSAQ từ tháng 7/2021.
Kết phiên giao dịch gần nhất ngày 16/5/2023, giá cổ phiếu BSAQ đóng cửa ở mức 10,28 USD/cổ phiếu. Giá trị vốn hóa thị trường của công ty tài chính có trụ sở tại Hong Kong này hiện ở mức 218 triệu USD.
Nhiều người quan tâm nêu câu hỏi, vì sao VinFast Singapore (doanh nghiệp đang sở hữu nhà máy VinFast Việt Nam) lại phải sáp nhập với một công ty tài chính Hong Kong để niêm yết lần đầu (IPO) tại Mỹ.
Sau sáp nhập và sau bước IPO, giá trị doanh nghiệp và lợi ích các bên sẽ ra sao?
Thông tin rò rỉ cho hay, sau giao dịch các cổ đông hiện hữu của VinFast Singapore sẽ sở hữu 99% trong công ty sau sáp nhập.
Giao dịch dự kiến sẽ kết thúc trong năm 2023, sau khi được sự chấp thuận của cơ quan quản lý và cổ đông, cũng như các điều kiện khác theo thông lệ.
Giá cổ phiếu của 2 công ty được sáp nhập và niêm yết lần đầu thành công, thường khởi điểm là 10 USD/cổ phiếu.
SPAC nhằm đáp ứng chuẩn mực kiểm toán Mỹ
Theo hãng kiểm toán và tư vấn PricewaterhouseCoopers (PwC), hoạt động mua bán sáp nhập có mục đích đặc biệt (SPAC) được vận dụng như một cách nhanh nhất để đưa một công ty ra đại chúng, khi niêm yết lần đầu (IPO) trên thị trường chứng khoán Mỹ và tăng khả năng thu hút vốn ở quy mô toàn cầu.
Nhà máy VinFast Việt Nam hiện thuộc sở hữu của VinFast Singapore
PwC phân tích lý do tại sao các công ty tham gia vào sự bùng nổ SPAC trong khoảng 5 năm qua:
Trước hết là một số lợi thế khác biệt so với IPO truyền thống, như khả năng tiếp cận vốn, ngay cả khi sự biến động của thị trường và các điều kiện khác hạn chế tính thanh khoản.
Thứ hai là một trong các bên trong giao dịch sáp nhập phải đang niêm yết trên các sàn chứng khoán Mỹ, đáp ứng các yêu cầu đăng ký cũng như báo cáo tài chính và kế toán phức tạp, được kiểm toán thường xuyên.
Thứ ba, SPAC có khả năng giúp giảm phí giao dịch cũng như đẩy nhanh tiến độ trở thành công ty đại chúng, nhất là của các pháp nhân bên ngoài nước Mỹ.
Một chuyên viên Bộ Tài chính cho hay, về mặt pháp lý thì hoạt động SPAC vừa rồi là sự hợp nhất của một doanh nghiệp sản xuất ô tô có trụ sở ở Singapore (nhà máy tại Việt Nam) với một công ty tài chính trụ sở Hong Kong (niêm yết trên sàn chứng khoán New York).
SPAC là cách rút ngắn tiến trình huy động vốn từ thị trường tài chính toàn cầu, từ vài năm xuống chỉ còn 3 - 6 tháng.
Tuy nhiên SPAC cũng có rủi ro bởi bên đối tác không sản xuất hay bán bất kỳ sản phẩm và dịch vụ nào, ngoài đầu tư tài chính.
Với tư cách là một bên trong giao dịch SPAC, công ty tài chính thường kỳ vọng thu lợi nhuận lớn trong thương vụ IPO của vụ sáp nhập đó.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận