Hệ thống điện gặp sự cố
Phần lớn nguyên nhân gây chập cháy ở các phương tiện đến từ hệ thống điện. Không chỉ khi hoạt động, mà ngay cả khi xe đã tắt máy đỗ một chỗ hệ thống điện vẫn có nguy cơ gây ra hỏa hoạn.
Anh Lê Tiệp, chuyên viên kỹ thuật điện của đại lý Honda cho biết, khi xe tắt máy, nguồn điện vẫn duy trì và sẽ sử dụng nguồn từ bình ắc quy. Cực âm của ắc quy sẽ được nối mát vào khung xe và cực dương sẽ được nối với các thiết bị.
Ngay tại đầu ra cực dương thì sẽ được đấu nối với một cầu chì tổng. Cầu chì này sẽ giữ an toàn cho ắc quy khi hệ thống điện gặp sự cố, và ngược lại khi ắc quy chạm chập thì cầu chì sẽ ngắt điện tới các hệ thống điện để đảm bảo an toàn.
Ví dụ khi không may dây dương của ắc quy bị rách phần vỏ bọc cách điện và vô tình chạm vào khung xe phần có nối với cực âm của ắc quy. Lúc này hiện tượng chạm mát sẽ sinh ra nhiệt lượng cao, dẫn đến cháy. Nếu có cầu chì sẽ ngắt nguồn điện và giữ an toàn cho toàn bộ xe.
Nhưng đa phần các xe sửa chữa tại các cơ sở không chính hãng đã loại bỏ phần cầu chì. Và lúc này không còn cầu chỉ đảm bảo, nguồn điện không được ngắt nên nhiệt lượng vẫn tăng và lan cháy ra các vùng khác của xe.
Song song với nguy cơ chập cháy từ bình ắc quy là sự nguy hiểm của việc độ chế các thiết bị, linh kiện không đúng nguyên tắc. Các phương tiện mô tô, xe máy phần lớn sẽ được độ chế các thiết bị chiếu sáng công suất lớn, nhằm phục vụ mục đích đi đường.
Các thiết bị này có công suất tiêu thụ điện cao cùng với đó là tỏa ra lượng nhiệt năng rất lớn. Anh Tiệp cho biết thêm, không ít trường hợp đã lắp riêng cho hệ thống đèn chiếu sáng một nguồn điện. Điều này ảnh hưởng trực tiếp tới an toàn kết cấu của hệ thống điện.
"Nhiều chiếc xe còn lắp thêm một bình ắc quy phần đầu xe nhằm cung cấp riêng nguồn cho hệ thống đèn chiếu sáng. Lúc này bộ sạc của xe máy phải làm việc sạc cho hai bình ắc quy cùng một lúc, dẫn đến hiện tượng quá tải dễ gây ra cháy".
Việc đấu nối các thiết bị cũng được làm tạm bợ, sơ sài với các mối nối được quấn bằng băng keo. Quá trình sử dụng các mối nối không tiếp xúc tốt tạo ra hiện tượng move điện và sinh ra tia lửa điện.
Cộng với nhiệt năng lớn và các chất liệu dễ cháy, lúc này chiếc xe máy hoàn toàn có thể bốc cháy dù đã được tắt máy và đỗ một chỗ.
Hệ thống nhiên liệu gặp sự cố
Xăng là nhiên liệu hóa thạch dễ bay hơi và dễ bốc cháy. Cùng với đó hệ thống nhiêu liệu gồm nhiều bộ phận và các mối nối nên việc rò rỉ xăng là khó tránh khỏi.
Khi xăng rò rỉ gặp nguồn nhiệt cao việc bốc cháy là dễ dàng và trong thời gian rất nhanh. Đối với các dòng xe máy sử dụng bộ chế hòa khí thì nguy cơ bốc cháy là rất cao.
Môi trường đô thị Việt Nam cũng xuất hiện rất nhiều các động vật gặm nhấm nhỏ như chuột, và việc chuột cắn đứt các đường ống dẫn xăng cũng là rất phổ biến.
Các đường dẫn nhiên liệu sau một thời gian dài sử dụng đã cũ, rạn nứt làm hở các đầu nối giữa những điểm tiếp xúc với nhau. Nguồn nhiên liệu theo khe hở chảy ra ngoài khi gặp tia lửa điện phát ra làm xe máy bị bốc cháy.
Để đảm bảo an toàn, người dùng nên đưa xe máy vào các cơ sở sửa chữa chính hãng. Không nên loại bỏ những cầu chì trên hệ thống, thường xuyên kiểm tra định kỳ xe máy.
Trường hợp đỗ xe trong không gian kín, nên để xe đỗ bên ngoài khu vực thoáng khí khoảng 30 phút để các hệ thống hạ nhiệt sau đó mới dắt xe vào. Nếu phát hiện xe có mùi xăng cần đem xe đi kiểm tra, đảm bảo hệ thống nhiên liệu không bị rò rỉ, phòng tránh các trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận