Nhiều quốc gia đã lựa chọn phát triển xe điện, nhất là các nước có những thành phố đông đúc. Theo các nhà nghiên cứu hàng đầu Việt Nam, tương lai của công nghiệp xe hơi sẽ là xe điện. Việc đón đầu xu thế này cần được khuyến khích.
Xe điện sẽ là phương tiện phổ cập
Tại một Hội thảo về phương tiện giao thông thông minh mới diễn ra, thạc sĩ chuyên ngành ô tô Nguyễn Minh Đồng nhận định Đức hay châu Âu, đến năm 2030, không cho chạy xe dầu diesel nữa vì tạo ra bụi hạt mịn hàm lượng (Anuix) rất độc hại, ảnh hưởng đường hô hấp. “Tôi nghĩ VinFast làm xe máy điện, rồi ô tô điện là điều rất nên ủng hộ để có môi trường khí thở trong thành phố tốt hơn”, ông Đồng nói.
Theo chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách phát triển (Bộ KH&ĐT), hiện trên thế giới có khoảng hơn 3 triệu ô tô điện (số liệu năm 2017), chiếm 1% số lượng ô tô đang lưu hành. Tuy nhiên, theo dự báo đến năm 2050 thị phần xe điện sẽ chiếm 80% trên toàn thế giới, với khoảng 1,6 tỷ xe ô tô điện. Với tốc độ phát triển như thế, chỉ 30 năm nữa xe điện sẽ trở thành phương tiện phổ biến. Như vậy, xu thế sử dụng xe điện một cách phổ biến sẽ không còn xa.
Cùng góc nhìn về loại phương tiện này, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, riêng đối với phương tiện giao thông, yếu tố quan trọng nhất là phải an toàn nhưng vẫn phải tính toán đảm bảo hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường. Xe điện là xu hướng và sẽ dần thay thế xe động cơ đốt trong. “Theo tôi, tại Việt Nam hiện số lượng phương tiện chủ yếu là xe máy, vì vậy trước mắt cũng nên tập trung phát triển xe máy điện. Theo nhận định của tôi, đến năm 2030, xe máy vẫn là phương tiện chủ yếu của người Việt Nam vì thu nhập bình quân đầu người chưa đạt đến mức có thể sử dụng ô tô một cách phổ biến”, ông Long nhận định.
Lộ trình nào cho xe điện VinFast?
Lấy dẫn chứng về việc Chính phủ các quốc gia đang rất muốn thay thế các phương tiện sử dụng xăng dầu hiện nay bằng xe điện, chuyên gia Nguyễn Minh Đồng cho biết: “Ở Đức, nếu bạn mua một chiếc xe ô tô điện, Chính phủ sẽ cho thêm 4.500 euro. Hiện xe điện mới chiếm khoảng 1% tại Đức. Để thúc đẩy người dân sử dụng phương tiện này, Chính phủ Đức đang tính sẽ tăng hỗ trợ lên 6.000 euro. Để giải quyết vấn đề bình ắc-quy, họ đã đưa ra chính sách cho thuê pin với chi phí 100 euro/tháng. Chính sách này được người dân Đức rất ủng hộ”.
Chuyên gia Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết, tại các thành phố ở Hải Nam (Trung Quốc), 100% đều là xe máy điện. Họ cho sản xuất xe máy xăng nhưng họ không cho đăng ký nên doanh nghiệp buộc phải xuất đi nơi khác.
“Vấn đề với chúng ta hiện nay là cách thức chuyển đổi phương tiện thế nào? Theo tôi, quan trọng nhất khi nghĩ về một sản phẩm là phải thỏa mãn yêu cầu về cách sống, lối sống, đáp ứng được lợi ích của người tiêu dùng. Cách mạng tiêu dùng hiện nay đòi hỏi 4 tiêu chí gồm: Sạch; Thuận tiện, thông minh; Cá thể hóa được nhóm đối tượng khách hàng và cuối cùng là Tính nhân văn. Vì thế, các bước đi của xe điện VinFast vừa qua là hợp xu hướng. Xe máy, ô tô xanh và bắt đầu thông minh hơn. Tuy nhiên, quan trọng là chúng ta phải thay đổi dần được cách sống và thói quen tiêu dùng. Cái cuối cùng là vấn đề chính sách.
Thế nhưng, các chính sách hỗ trợ phải dựa trên nền tảng cạnh tranh và cam kết hội nhập. Một cách nữa là quyền chọn sản phẩm của Chính phủ. Chính phủ là nhà tiêu dùng rất lớn nếu chọn mua sản phẩm xanh thì đấy là yếu tố có khi còn lớn hơn hỗ trợ về thuế. Khi đó ông bộ trưởng nào cũng sẽ đi xe xanh…”, chuyên gia Võ Trí Thành đưa ra giải pháp.
Còn theo chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ, Trung Quốc đang chiếm khoảng 40% thị phần xe điện. Vì thế, nếu nói về cạnh tranh trước hết phải cạnh tranh được với xe điện Trung Quốc.
“Qua tài liệu tôi thấy, VinFast có thể cạnh tranh được với xe Trung Quốc. Vì sao? Thứ nhất, nhu cầu thị trường ô tô - xe máy của chúng ta còn lớn, mỗi năm bán ra hơn 3 triệu xe máy, gần 300 nghìn ô tô. Thứ hai, VinFast ra đời là nghĩ ngay đến quy mô lớn, như thế mới cạnh tranh được. Thứ ba, tôi thấy VinFast du nhập những loại công nghệ sản xuất hiện đại nhất của châu Âu, từ lắp ráp đến sơn, hàn, chế tạo động cơ cho đến phụ trợ… mà theo thông tin của tôi, Trung Quốc không thể có được như vậy. Bên cạnh đó, Trung Quốc làm xe ô tô điện thường rất rẻ từ 2.000 - 12.000 USD nhưng chất lượng không cao. Còn VinFast tập trung vào làm chất lượng trung bình và cao, không làm chất lượng thấp. Tôi cho lựa chọn đó là hoàn toàn đúng đắn. Thời đại này mà làm chất lượng thấp thì không ăn thua, sẽ không trụ vững được. Do đó phải chất lượng cao, từ thiết bị, công nghệ hiện đại đi tới chất lượng.
Hiện xe điện Trung Quốc có thể hơn chúng ta và cả trên thế giới chỉ là về giá nhưng nay mai xe của VinFast có thể sẽ “ăn” lại xe Trung Quốc do có giá hợp lý mà lại tốt hơn”, chuyên gia Lưu Bích Hồ phân tích.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận