Đòi bồi thường bảo hiểm bắt buộc khó hơn lên trời
Ngày 19/7, trao đổi với PV Báo Giao thông, đại diện Công ty TNHH Vận tải Khánh Nhung – chủ sở hữu chiếc xe do tài xế Huỳnh Văn Tư điều khiển gây tai nạn năm 2019 cho biết, vừa nhận được “Thông báo bồi thường” của Bảo Minh Đồng Nai. Theo đó, Bảo Minh Đồng Nai đã duyệt bồi thường số tiền hơn 43,6 triệu đồng cho phần bảo hiểm trách nhiệm dân sự.
Xe tải BKS 63C-061.92 hư hỏng sau vụ tai nạn
Công ty TNHH Vận tải Khánh Nhung cho biết, trong suốt 2 năm qua Công ty đã nhiều lần yêu cầu Bảo hiểm Bảo Minh phải bồi thường về bảo hiểm trách nhiệm dân sự số tiền 50 triệu đồng. Đây là số tiền mà Công ty đã bỏ ra để bồi thường cho ông Nguyễn Văn Tráng là chủ xe 37C-197.97.
Như vậy gần 2 năm, kể từ khi vụ tai nạn giao thông xảy ra từ tháng 8/2019 đến nay, sau rất nhiều lần yêu cầu bồi thường nhưng phải đến khi có phản ánh của báo chí, khách hàng của Bảo hiểm Bảo Minh là Công ty TNHH Vận tải Khánh Nhung mới nhận được thông báo bồi thường bảo hiểm trách nhiệm dân sự mà lẽ ra đương nhiên được nhận vì không liên quan đến hành vi lái xe có vi phạm nồng độ cồn hay không.
Trước đó trong liên tiếp 3 Thông báo từ chối bồi thường bảo hiểm gửi cho Công ty TNHH Vận tải Khánh Nhung, Bảo hiểm Bảo Minh không đả động gì đến trách nhiệm bồi thường phần bảo hiểm trách nhiệm dân sự mặc dù khách hàng đã nhiều lần kiến nghị. Trong cả 3 thông báo, Bảo Minh đều căn cứ vào giấy xét nghiệm tại bệnh viện để khẳng định lái xe đã sử dụng rượu bia gây tai nạn để từ chối bồi thường bất chấp việc lái xe cũng như chủ xe đưa ra nhiều văn bản xác nhận của cơ quan y tế là nồng độ cồn trong máu do cơ thể tự nhiên sinh ra.
Về việc bồi thường bảo hiểm TNDS, theo luật sư Diệp Năng Bình: “Tại Điều 13 Nghị định số 103/2008/NĐ-CP ngày 16/9/2008 của Chính phủ về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới và Nghị định số 214/2013/NĐ-CP ngày 20/12/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 103/2008/NĐ-CP ngày 16/9/2008 của Chính phủ về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới cho thấy các trường hợp loại trừ trách nhiệm bồi thường cũng không hề nói đến nồng độ cồn.
Mãi đến Nghị định 03/2021/NĐ-CP về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới có hiệu lực ngày 01/03/2021 mới quy định các trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm không bồi thường thiệt hại đối với bên thứ 3 do có nồng độ cồn. Trong khi vụ tai nạn xảy ra vào trước đó (năm 2019) nên việc áp dụng điểu khoản vi phạm nồng độ cồn để từ chối bồi thường là sai quy định”, luật sư Diệp Năng Bình cho biết.
Chính vì vậy, sau gần 2 năm sự việc xảy ra và sau rất nhiều lần chủ xe yêu cầu, đến nay Bảo Minh mới chi trả phần bảo hiểm TNDS cho khách hàng đã cho thấy câu nói cửa miệng của nhiều lái xe "mua bảo hiểm thì dễ chứ đòi quyền lợi bảo hiểm khó hơn lên trời" không hẳn không có cơ sở.
Thông báo bồi thường bảo hiểm TNDS của Bảo hiểm Bảo Minh đối với Công ty vận tải Khánh Nhung sau phản ánh của báo chí
Tiếp tục yêu cầu Bảo Minh bồi thường bảo hiểm vật chất
Trước đó, trong đơn gửi về Báo Giao thông, Công ty TNHH Vận tải Khánh Nhung cho biết, Công ty không chỉ yêu cầu Bảo hiểm Bảo Minh Bình Định phải bồi thường về bảo hiểm trách nhiệm dân sự số tiền 50 triệu đồng mà cái chính là yêu cầu Bảo Minh phải bồi thường cả phần bảo hiểm vật chất để sửa chữa ô tô mang BKS 63C-061.92 với số tiền là 495 triệu đồng để sửa chữa xe và 15 triệu đồng tiền cứu hộ (đã được Bảo Minh duyệt giá sửa chữa).
Cơ sở để doanh nghiệp này yêu cầu Bảo Minh phải chi trả phần bảo hiểm vật chất xuất phát từ lý do, lái xe của Công ty không sử dụng rượu bia trước khi gây tai nạn và đã được cơ quan công an xác nhận. Việc Bảo hiểm Bảo Minh căn cứ kết quả xét nghiệm máu của lái xe cho chỉ số nồng độ cồn là 1,152mg/100ml đã được cơ quan y tế xác định là chỉ số bình thường trong cơ thể, không uống rượu bia cũng có thể có trong máu là lý do không xác đáng.
Trong một diễn biến khác, ngày 19/7, đại diện Công ty TNHH Vận tải Khánh Nhung cũng phản ánh, trong hợp đồng giao kết giữa Bảo hiểm Bảo Minh với chủ xe 63C-197.97 cũng không đính kèm bộ quy tắc bảo hiểm hay ghi bất cứ điểm loại trừ trách nhiệm bảo hiểm nào.
Theo một số chuyên gia bảo hiểm, việc giao kết hợp đồng bảo hiểm mà không đính kèm bộ Quy tắc bảo hiểm là vi phạm điều 13, 14 và 16 của Luật Kinh doanh bảo hiểm và điều khoản loại trừ bảo hiểm sẽ không có hiệu lực theo khoản 3 Điều 405 Bộ luật Dân sự.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận