Với những ưu điểm vượt trội, xe điện đang là tương lai của ngành công nghiệp chế tạo xe cơ giới cũng như đáp ứng xu thế, nhu cầu đi lại của người dân toàn thế giới. Tại Việt Nam, khó khăn nhất cản trở sự phát triển của xe điện hiện vẫn là câu chuyện về pin và hệ thống cơ sở hạ tầng cho loại phương tiện này.
Kỳ 1: Kỷ nguyên xe điện tại Việt Nam đã bắt đầu
Xe điện đang dần khẳng định vị trí của mình trong ngành công nghiệp chế tạo phương tiện đi lại trên thế giới. Tại Việt Nam, xe máy điện đã được bán rất nhiều trong khi ô tô điện cũng đã được nhiều hãng xe thử nghiệm, sản xuất và chuẩn bị ồ ạt bán ra thị trường.
Chiếc VinFast điện được chạy thử tại Hà Nội và dự kiến bán ra thị trường cuối năm nay
Xe điện sắp trở thành phương tiện phổ thông?
Áp lực giảm tình trạng ô nhiễm không khí và cắt giảm lượng khí thải carbon khiến ra các nước phải đặt mục tiêu đẩy nhanh quá trình phát triển và ứng dụng phương tiện vận tải bằng điện.
Là người làm việc lâu năm trong nghành công nghiệp sản xuất ô tô tại CHLB Đức, chuyên gia ô tô Nguyễn Minh Đồng cho biết, hiện nay, xe điện trên thế giới và đặc biệt là tại châu Âu đang phát triển nhanh. Điển hình, năm 2020, số lượng xe điện được sử dụng tại Đức tăng 40% so với năm trước.
Việt Nam cũng sẽ không thể đứng ngoài lộ trình khuyến khích phát triển dòng xe này. Đặc biệt là bước đi tiên phong một cách nghiêm túc của VinFast cho dòng xe ô tô điện “Made in Vietnam”.
Trong một động thái mới nhất, ngày 24/3/2021, VinFast đã chính thức mở bán mẫu ô tô điện đầu tiên tại Việt Nam mang tên VF e34, với mức giá 690 triệu đồng. Theo thông tin được công bố, chỉ sau 12 giờ đầu mở bán, VinFast đã nhận được 3.692 đơn đặt hàng VF e34, tạo nên một kỷ lục mới trên thị trường ô tô Việt Nam. Như vậy, khi đến thời điểm giao xe (tháng 11/2021), đường phố Việt Nam sẽ đón nhận hàng nghìn chiếc ô tô điện lưu thông trên đường.
Không chỉ VinFast, hiện một số thương hiệu ô tô khác tại Việt Nam cũng đang quan tâm đến thị trường ô tô điện. Mitsubishi đã từng đưa một mẫu xe điện về Việt Nam thử nghiệm, nghiên cứu khả thi. KIA hiện cũng đang có kế hoạch lắp ráp xe điện tại nhà máy Thaco - Chu Lai. Còn Audi đã giới thiệu dòng xe điện e-Tron tại thị trường Việt Nam…
Trong khi các loại ô tô điện đang ở giai đoạn bắt đầu thì xe máy điện hiện đã khá phổ biến với các loại xe Trung Quốc, VinFast hoặc của một số nhà sản xuất nội địa.
Đặc biệt Honda - hãng xe có thị phần lớn nhất tại Việt Nam hiện đã sản xuất mẫu mô tô điện PCX EV tại Việt Nam với gần 1.000 xe nhưng không bán trực tiếp cho khách hàng mà tài trợ cho một số cơ quan ban ngành trong lĩnh vực giao thông và khu du lịch để sử dụng và đánh giá.
Nói như một chuyên gia trong lĩnh vực ô tô, hầu hết các tập đoàn ô tô - xe máy lớn hiện nay đều đã sở hữu công nghệ xe điện. Vấn đề còn lại là họ phải xem xét, cân nhắc việc bán xe điện vào thời điểm thích hợp, đặc biệt là khi có đầy đủ cơ sở pháp lý và hạ tầng cho loại phương tiện này.
VinFast cho biết trong năm 2021 hãng sẽ lắp đặt 40 nghìn trạm sạc xe điện trong cả nước
33% người Việt Nam muốn chuyển sang ô tô điện
Kết quả khảo sát về “Tương lai xe điện ở Đông Nam Á” của Frost & Sullivan năm 2018 cho thấy, có đến trên 33% người tiêu dùng Việt Nam mong muốn chuyển sang xe ô tô điện cho chiếc xe kế tiếp của họ.
Các nhà sản xuất nước ngoài cũng tích cực tìm hiểu, nghiên cứu thị trường và xây dựng chiến lược thiết lập nhà máy lắp xe ô tô điện tại Việt Nam, điển hình như: Mitsubishi Motors (Nhật Bản), EXiu (Đài Loan), Tập đoàn DiMora Enterprises, LLC (Hoa Kỳ)…
Cần có chiến lược khuyến khích người dân sử dụng xe điện để bảo vệ môi trường, nhất là tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM. Một số chính sách khuyến khích có thể áp dụng như: Tăng thuế bảo vệ môi trường cho xe chạy xăng, dầu và giảm thuế bảo vệ môi trường cho xe điện giúp người dân nhận thức được rằng, khi sử dụng xe điện là góp công trong việc bảo vệ môi trường nên được hưởng tài chính tốt hơn.
Chuyên gia ô tô Nguyễn Minh Đồng
Ở góc nhìn của một đại lý bán ô tô, ông Nguyễn Thế Vinh, Giám đốc đại lý VinFast Thăng Long (Hà Nội) lý giải về việc đã có rất nhiều khách hàng “xuống tiền” đặt cọc mua xe điện VF e34: “Thứ nhất, đây là một chiếc xe điện đầu tiên được bán tại Việt Nam nên nhiều người rất quan tâm. Tuy nhiên quan trọng hơn, dù là “xe xanh” nhưng mức giá rất hợp lý, chỉ khoảng gần 600 triệu đồng. Đi cùng với đó, việc VinFast nhanh chóng đầu tư mạng lưới hạ tầng trạm sạc đã tạo được sự an tâm của khách hàng, đảm bảo có thể lưu thông bình thường như các loại xe hiện có”.
“Ngay như đại lý của tôi hiện đã bố trí 5 trụ sạc, mỗi trung tâm thương mại Vincom đều có 5 - 6 trạm sạc nữa, hầm các tòa nhà dự án của Vingroup đều có trạm sạc. Vì thế, khi xe điện “lên kệ” thì khách hàng đã có nơi sạc được ngay, đi lại trong nội đô thì vài ngày mới phải ra trụ sạc một lần. Đấy là những cơ sở quan trọng để khách hàng đặt niềm tin, đặt cọc mua xe điện VF e34”, ông Vinh cho biết thêm.
Theo ông Nguyễn Trung Hiếu, Trưởng Tiểu ban kỹ thuật, Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), các thành viên của Hiệp hội cũng rất quan tâm đến xu thế phát triển của xe điện tại Việt Nam.
Hiện nay, VinFast và Mitsubishi đã có những bước đi đầu tiên về ô tô điện. Honda cũng đang nghiên cứu, thử nghiệm để sản xuất xe máy điện. Tuy nhiên hiện các bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn xe điện vẫn chưa có. VinFast hiện đang phải áp dụng tiêu chuẩn cơ sở do chính doanh nghiệp xây dựng và công bố.
“Để các loại xe điện, nhất là ô tô điện có thể bán, lưu hành và sử dụng rộng rãi tại Việt Nam thì sẽ cần phải làm rõ và giải quyết hàng loạt những câu hỏi đặt ra như: Hạ tầng các trạm sạc điện sẽ được thiết kế, lắp đặt như thế nào? Quy định về xử lý và thu hồi pin? Kể các các quy định liên quan đến việc lưu thông, sử dụng xe điện hay đăng kiểm phương tiện ra sao?”, ông Hiếu cho biết.
Kỳ 2: Xe điện sẽ được quản lý như thế nào?
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận