Việc quy hoạch các trạm sạc xe điện không chỉ thúc đẩy phát triển hạ tầng, khuyến khích sử dụng xe điện mà còn tránh tình trạng trùng lắp, lãng phí. Hiện, Bộ GTVT và các địa phương đang nghiên cứu để xây dựng quy hoạch này.
Có quy hoạch doanh nghiệp mới yên tâm đầu tư
Dự kiến sẽ có quy hoạch trạm sạc xe điện trong năm 2023
Hiện đã có một số doanh nghiệp xây dựng các trạm sạc xe điện tại Việt Nam như: VinFast, Hyundai, Porsche và Audi, nhằm mục đích phục vụ cho các sản phẩm xe điện của mình.
Cũng có một số dự án phát triển trạm sạc ở địa phương như Đà Nẵng, dùng nguồn vốn tài trợ từ các tổ chức quốc tế theo hình thức thí điểm.
Sử dụng đất trạm sạc cũng giống như cây xăng. Nếu là đất tư nhân thì không bàn, nhưng nếu là đất công thì yếu tố pháp lý rất khác. Bởi thế, trước hết phải có quy hoạch, từ đó hoàn thiện khung pháp lý cụ thể, rõ ràng về hạ tầng này.
Ông Bùi Hòa An, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM
Tuy nhiên, tìm hiểu của PV Báo Giao thông, trong quá trình tự triển khai mạng lưới trạm sạc, các đơn vị đi đầu đang gặp rất nhiều khó khăn.
Theo ông Vũ Thắng, Giám đốc Trung tâm Phát triển trạm sạc VinFast, doanh nghiệp phải tự mày mò tìm giải pháp cho mình.
Trước hết là về địa điểm, do các địa phương chưa có quy hoạch về loại hạ tầng này nên doanh nghiệp phải tự xác định.
Chẳng hạn, địa điểm có lưu lượng nhiều xe điện thì VinFast tự đề xuất vị trí và đàm phán.
Thứ hai là về cự ly các trạm sạc, VinFast đang áp dụng khoảng cách đặt các trạm sạc có bán kính tối đa 30km, tương tự như châu Âu.
Cũng theo ông Vũ Thắng, hiện đất công cộng có nhiều vị trí tiện lợi nhưng do chưa có quy hoạch nên các địa phương chưa thể xây dựng cơ chế để cho thuê. Đây là lý do khiến VinFast chưa thể triển khai ở các vị trí công cộng thuận lợi thuộc sở hữu nhà nước.
Dưới góc nhìn của một doanh nghiệp đang phân phối và cung cấp giải pháp quản lý trạm sạc điện, ông Nguyễn Thành Trung Hiếu, Công ty TNHH Thiết bị và Giải pháp sạc điện EV1 cho rằng, việc xây dựng quy hoạch trạm sạc xe điện có thể giúp ích cho doanh nghiệp rất nhiều vấn đề.
Nếu không có quy hoạch, trạm sạc sẽ được đầu tư theo hướng “trăm hoa đua nở”, có thể dẫn đến việc trùng lắp, lãng phí trong cùng một khu vực nếu số thiết bị vượt quá mức yêu cầu; chưa nói đến lãng phí về truyền dẫn điện năng.
Việc quy hoạch cũng sẽ làm tiền đề để các doanh nghiệp lắp ráp và sản xuất ô tô đầu tư mạnh mẽ vào sản phẩm EV, kích thích thị trường. Bên cạnh đó người tiêu dùng cũng có thể mạnh dạn hơn khi lựa chọn các sản phẩm xe điện, là cơ sở để các doanh nghiệp đầu tư mạng lưới hạ tầng thiết bị sạc điện.
Theo ông Hiếu, doanh nghiệp đầu tư hạ tầng trạm sạc có thể dựa trên quy hoạch để nắm được quy mô trong giai đoạn đầu tư ban đầu này để có kế hoạch đầu tư phù hợp.
Bản quy hoạch cũng là cơ sở để các bộ, ngành khác và EVN tham khảo, đưa ra được các chính sách hỗ trợ, ưu đãi phù hợp cho việc đầu tư vào xe điện, trạm sạc điện tại Việt Nam.
Các địa phương dựa trên cơ sở quy hoạch sẽ đưa ra kế hoạch cụ thể, chủ động mời gọi doanh nghiệp tham gia vào phát triển hạ tầng dễ dàng hơn.
Xe điện đi trên quốc lộ, cao tốc sạc ở đâu?
Nhiều đơn vị muốn xây dựng hệ thống trạm sạc xe điện nhưng đang gặp khó khăn do chưa có quy hoạch và cơ chế đầu tư
Ông Tô Nam Toàn, Trưởng phòng Khoa học công nghệ và Hợp tác Quốc tế (Cục Đường bộ Việt Nam) – đơn vị đang được giao thực hiện xây dựng quy hoạch hệ thống trạm sạc xe điện trên các tuyến quốc lộ cho biết, bên cạnh Quyết định 876/QĐ-TTg về phát triển phương tiện xanh, còn có Quyết định 888/QĐ-TTg về kế hoạch thực hiện cam kết COP26, trong đó giao cho Bộ GTVT phối hợp với các địa phương phát triển hạ tầng sạc trên các đường quốc lộ và trong các đô thị.
Trong Quyết định 888/QĐ-TTg, Chính phủ cũng giao Bộ GTVT chủ trì phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố phát triển hạ tầng sạc điện/hydro, hạ tầng cung cấp năng lượng xanh trên hệ thống quốc lộ và tại các đô thị, khu dân cư.
Theo quyết định này, Bộ GTVT sẽ chịu trách nhiệm phát triển hệ thống trạm sạc trên mạng lưới đường bộ mà Bộ GTVT quản lý như quốc lộ, đường cao tốc. Còn đường địa phương, đường đô thị sẽ do các địa phương chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện quy hoạch.
“Chúng tôi đang xây dựng quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ cho mạng lưới quốc lộ, trong đó coi trạm sạc là một phần kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đặt trạm sạc trên quốc lộ và đường cao tốc”, ông Toàn nói.
Cũng theo ông Tô Nam Toàn, kinh nghiệm quốc tế, với quốc lộ, xe có thể dễ dàng tiếp cận 2 bên đường, còn trên đường cao tốc thì không dễ, chỉ có thể tiếp cận ở các trạm dừng nghỉ.
Dự kiến, tháng 9/2023, Cục Đường bộ Việt Nam sẽ hoàn thành quy hoạch này để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Đối với việc quy hoạch trạm sạc xe điện tại các đô thị, theo ông Bùi Hòa An, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết, thành phố đang nghiên cứu bổ sung quy hoạch hệ thống hạ tầng trạm sạc vào quy hoạch hạ tầng giao thông thành phố, đồng thời quy hoạch đồng bộ với mạng lưới hạ tầng điện.
Bên cạnh đó sẽ điều chỉnh, bổ sung quy hoạch và quy định kỹ thuật về yêu cầu bố trí khu vực ưu tiên cho phương tiện xe điện và trạm sạc, tại các bãi đỗ xe, công trình công cộng, chung cư, trung tâm thương mại… đảm bảo việc định hướng đầu tư xây dựng và khai thác hạ tầng giao thông đồng bộ với đầu tư, khai thác phương tiện xe điện và hạ tầng trạm sạc.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận