Sau khi VinFast giới thiệu hai mẫu ô tô điện tại thị trường khó tính nhất thế giới (Mỹ), nhiều chuyên gia cho rằng, sự kiện này không chỉ ghi dấu bước tiến ra toàn cầu của hãng xe Việt mà còn kích hoạt cuộc đua ô tô điện tại Việt Nam.
CEO VinFast toàn cầu - ông Michael Lohscheller và ông Dave Lyon - Giám đốc thiết kế VinFast trong khoảnh khắc 2 mẫu xe ra mắt công chúng
Vì sao ra mắt xe điện tại Mỹ?
Ngày 18/11 vừa qua, sự kiện ghi dấu lịch sử ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đã diễn ra, khi VinFast lần đầu giới thiệu hai mẫu xe điện VF e35 và VF e36 tại Triển lãm ô tô Los Angeles (LAAS) 2021 tại Mỹ.
Sự kiện đã đưa Việt Nam trở thành điểm sáng mới trên bản đồ ô tô thế giới, khi có thương hiệu ô tô điện mang tính toàn cầu.
Nhiều người đặt câu hỏi, vì sao VinFast chọn Mỹ để ra mắt thương hiệu xe điện non trẻ của mình? Nhận định về sự kiện này, PGS.TS. Đàm Hoàng Phúc, Bộ môn Ô tô và Xe chuyên dụng (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết, các hãng xe công nghệ mới (thường là xe điện) đều chọn Mỹ để giới thiệu xe, bởi hai yếu tố.
Trung Quốc dù đang tiêu thụ và sản xuất xe điện hàng đầu châu lục nhưng cách tiếp cận thị trường ASEAN bằng các nhãn hiệu xe điện cỡ nhỏ, giá rẻ chỉ có tính chất thăm dò thị hiếu, chưa thể hiện những bước đi bài bản như cách VinFast đang làm với 3 mẫu xe điện của họ. Bởi thế, xe điện VinFast sẽ giống như điện thoại màn hình cảm ứng toàn phần ra đời cách đây chỉ chục năm. Người tạo ra “concept” càng cao cấp có thể sẽ là người dẫn dắt thị trường.
Chuyên gia ô tô Nguyễn Minh Đồng
Đầu tiên, bang California có chính sách rất thoáng và hỗ trợ cho ngành công nghiệp công nghệ cao nói chung. Đó là nền tảng để các hãng ô tô điện ứng dụng công nghệ vào.
Thứ hai, đây cũng là bang có những chính sách rất cụ thể cho xe điện, đó là nơi đầu tiên cho phép xe tự lái được thử nghiệm trên đường thật.
“Mỹ nói chung và bang California nói riêng được xem như “lồng ấp”, trại nuôi dưỡng ý tưởng của các hãng công nghệ trên thế giới. Vậy nên, các hãng ô tô hàng đầu thế giới hay những hãng mới đều tập trung giới thiệu đầu tiên tại Mỹ để tận dụng được môi trường này”, PGS.TS. Phúc cho biết.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, đại diện VinFast cho hay, từ cuộc họp đại hội cổ đông thường niên đầu 2020, chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng đã nói sơ lược về cách mà ô tô VinFast đi ra toàn cầu, bắt đầu từ xe điện và điểm khởi đầu là thị trường Mỹ - nơi khắt khe bậc nhất về thẩm định ô tô.
"Điểm đặc biệt nữa là đồng hành cùng VinFast tại LA Auto Show năm 2021 đều là các thành viên thuộc hệ sinh thái công nghệ của Vingroup như: VinAI, Vantix và VinBigData. Đây là những công ty hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực nghiên cứu, cung cấp giải pháp, dịch vụ về trí tuệ thông minh, đã tham gia nghiên cứu, phát triển một số tính năng thông minh và giải pháp kiểm thử hệ thống hỗ trợ lái nâng cao, trợ lý ảo bằng giọng nói, tạo ra những lợi thế cạnh tranh khác biệt cho VinFast.
Vì thế, việc bộ đôi VF e35 và VF e36 trình làng tại Triển lãm Los Angeles Auto Show 2021 chính là bước đi cụ thể hóa đầu tiên của chiến lược toàn diện đó, trước khi mở rộng sang Canada và châu Âu trong các tháng tiếp theo.
Ba mẫu SUV điện của VinFast dự kiến được mở bán tại Mỹ và một số nước vào nửa đầu năm 2022. Xe bàn giao tới khách hàng vào cuối quý 4 cùng năm. Khi xe VinFast được khách hàng Âu - Mỹ thừa nhận thì việc tiến vào các thị trường còn lại ở châu Á và Úc chỉ còn là vấn đề thời gian”, đại diện VinFast cho biết thêm.
Kích hoạt cuộc đua xe điện ở Việt Nam
VinFast đang khẩn trương phủ sóng mạng lưới trạm sạc tại Việt Nam trong giai đoạn xe điện VFe34 bắt đầu giao đến tay khách hàng
PGS.TS. Phúc nhận định, các hãng xe tại Việt Nam hiện đã bắt đầu có kế hoạch để bước vào cuộc cạnh tranh về ô tô điện.
Ví dụ như Toyota khởi đầu với xe hybrid, Kia giới thiệu EV6… hay sắp tới có Volkswagen và Mercedes-Benz cũng sẽ ra mắt ô tô điện. Thậm chí, vừa qua có công ty còn đưa mẫu ô tô điện Trung Quốc cỡ nhỏ về ra mắt, chạy thử, thăm dò thị trường.
“Điều này cho thấy các hãng đã để ý, chuẩn bị lộ trình để bán ra ô tô điện tại Việt Nam. Nhưng hiện nay họ vẫn đang thăm dò thị hiếu tiêu dùng của người Việt Nam với xe điện và các chính sách hỗ trợ của Chính phủ. Từ đó các hãng sẽ có kế hoạch cho những sản phẩm phù hợp”, PGS.TS. Phúc nói.
Khi được hỏi về tiềm năng sản xuất, phát triển ô tô điện tại Việt Nam, PGS.TS. Phúc cho rằng, Việt Nam hiện đang tiên phong, chưa có nước nào trong khu vực làm được như VinFast. Tuy nhiên, về các chính sách phát triển ô tô điện, Việt Nam lại đang đi sau.
Ví dụ Thái Lan hay Indonesia đã có những chính sách quyết liệt để hỗ trợ cho các hãng xe đầu tư vào ô tô điện. Như Indonesia tập trung các chính sách, mục tiêu thành nơi sản xuất pin cho ô tô điện vì họ có lợi thế nguồn mỏ nikel rất lớn.
Nhưng điểm chung là họ vẫn đang phụ thuộc vào các hãng xe tên tuổi trên thế giới. Còn VinFast là hãng xe của Việt Nam.
“Nếu được hỗ trợ tốt, tiềm năng phát triển ô tô điện tại Việt Nam rất lớn. Họ xuất phát trước chúng ta chỉ vài năm. Các nước Thái Lan, Indonesia nếu chuyển sang sản xuất ô tô điện sẽ có hiện tượng đứt gãy về chuỗi cung ứng. Họ phải có quá trình chuyển đổi. Còn Việt Nam đang đi từ con số 0 nên có khả năng bứt tốc rất nhanh, chỉ cần có chính sách tốt để bứt phá sẽ có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào”, PGS.TS. Phúc nhận định.
Mẫu xe điện VFe36 của VinFast trở thành chiếc SUV điện 7 chỗ cỡ lớn đầu tiên trình làng tại Mỹ
Còn theo chuyên gia ô tô Nguyễn Minh Đồng, thị trường ô tô điện Việt Nam và các nước ASEAN gần như là cùng xuất phát điểm, cả về hạ tầng pháp lý, hạ tầng trạm sạc cũng như năng lực sản xuất. Ngay cả chính sách thuế cho xe điện thế nào, các nước làm ô tô nhiều năm như Thái Lan hay Malaysia cũng gần đây mới đặt lên bàn nghị sự.
“Ngay như Lào - một quốc gia chỉ hơn 5 triệu dân, chưa hề lắp ráp ô tô cũng đang tập trung khuyến khích việc nhập khẩu, sử dụng xe ô tô điện, nhằm tận dụng nguồn điện dư thừa và giảm nhập khẩu xăng dầu. Mới đây, Lào đã ra quy định giảm 30% phí sử dụng đường bộ đối với các loại ô tô chạy điện so với xe sử dụng xăng, dầu cùng chủng loại”, ông Đồng phân tích.
Trước câu hỏi liệu khi Việt Nam bắt đầu phát triển ô tô điện có vấp phải sự cạnh tranh mạnh mẽ của ô tô điện Trung Quốc giá rẻ hay không, PGS.TS. Phúc cho rằng, khả năng cạnh tranh của xe Trung Quốc là khá cao.
Tuy nhiên, đối với xe điện là sản phẩm công nghệ, cạnh tranh về giá chưa chắc đã là ưu thế. Bởi, người mua xe quan tâm đến dịch vụ chăm sóc sau bán hàng là chính.
Các hãng đưa ô tô điện Trung Quốc về nếu không có hệ thống showroom, hỗ trợ sẽ khó có thể phát triển.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận