Vài năm trước, xe máy điện nhập khẩu từ Đài Loan, Trung Quốc chiếm ưu thế nhưng nay các thương hiệu xe máy nội đang chiếm thế thượng phong trên thị trường.
Vắng bóng xe máy điện nhập khẩu
Xe máy điện sản xuất, lắp ráp trong nước áp đảo xe nhập khẩu về số lượng
Vào vai khách hàng tìm mua một chiếc xe máy điện, PV đến một cửa hàng trên phố Tôn Đức Thắng, Hà Nội. Nhân viên tại đây cho biết, cửa hàng bán cả các mẫu xe máy điện lắp ráp trong nước lẫn nhập khẩu.
Tuy nhiên, xe máy điện nhập khẩu có giá bán cao hơn so với xe lắp ráp cùng kiểu dáng đang được bày bán nhưng thường được quảng cáo chắc chắn hơn, chống nước tốt hơn…
Một cửa hàng bán xe máy điện khác ở Ô Chợ Dừa cũng trong tình trạng tương tự. Tuy nhiên, tại đây các dòng xe máy điện lắp ráp trong nước chiếm đa số.
“Xe máy điện trong nước hiện dễ bán hơn các loại xe nhập khẩu từ Trung Quốc, Đài Loan”, nhân viên cửa hàng cho biết lý do không bày bán xe nhập.
Theo số liệu từ Cục Đăng kiểm Việt Nam, đến cuối năm 2022, cả nước đang có khoảng 1,8 triệu mô tô - xe máy điện hoạt động, phục vụ nhu cầu dân sinh hàng ngày.
Đáng chú ý, lượng xe máy điện cung ứng ra thị trường từ năm 2019 tới nay đã tăng lên tới gần 1 triệu chiếc, trong đó phần lớn là xe sản xuất, lắp ráp trong nước.
Cụ thể từ năm 2019 tới nay (hết tháng 11/2022), lượng xe máy điện nhập khẩu chưa năm nào vượt quá 1.000 chiếc và có xu hướng giảm mạnh và đi ngang từ năm 2020.
Trong năm 2019, cả nước nhập khẩu 984 xe máy điện nhưng sang năm 2020 chỉ còn 192 chiếc. Sang 2022, lượng xe nhập cũng chỉ còn 171 chiếc (tính đến tháng 11). Xe máy điện nhập khẩu vào Việt Nam chủ yếu từ Trung Quốc.
Trái ngược với sự thất thế của các dòng xe máy điện nhập khẩu, xe sản xuất trong nước có chiều hướng tăng mạnh. Năm 2019, cả nước sản xuất, lắp ráp 237.442 xe máy điện các loại. Năm 2020 và 2021 ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên sản lượng có phần sụt giảm. Nhưng 11 tháng đầu năm 2022, đã có hơn 330.000 xe xuất xưởng, tăng trưởng mạnh so với cả năm 2019.
Từ các dữ liệu trên, có thể thấy chỉ tính trong chưa đầy 4 năm từ 2019 đến tháng 11/2022, các hãng sản xuất đã xuất xưởng gần 975.000 xe máy điện. Đây là con số áp đảo so với chỉ 1.525 xe nhập khẩu cùng kỳ.
Theo tìm hiểu, ngoài các thương hiệu trong nước như: VinFast, Pega, Dat Bike hiện có nhiều thương hiệu nước ngoài khác đang lắp ráp xe máy điện tại Việt Nam như Dibao (Đài Loan) có nhà máy ở Thái Bình hay Giant (Đài Loan), Yadea (Trung Quốc) đặt nhà máy ở Bắc Giang…
Một chuyên gia trong lĩnh vực ô tô - xe máy nhận định, có thể do các doanh nghiệp xe máy điện nước ngoài tính đến bài toán kinh tế, lợi nhuận nên thay vì nhập khẩu như trước đã chuyển sang lắp ráp tại Việt Nam. Thêm vào đó, Việt Nam có một số thương hiệu xe máy điện như VinFast hay Pega khiến sản lượng xe sản xuất lắp ráp trong nước tăng mạnh.
Các “ông lớn” không thể đứng ngoài
Theo một nguồn tin, VinFast hiện đang là thương hiệu nắm giữ thị phần xe máy điện lớn nhất tại Việt Nam, với doanh số tăng trưởng khoảng 20% qua mỗi năm. Trên thị trường, hãng duy trì vị trí dẫn đầu thị phần khi năm 2020 nắm giữ 19,5% và năm 2021 lên 21,5%; đến tháng 10/2022 chiếm khoảng 27%.
Một chuyên gia cho biết, tại Việt Nam, VinFast là doanh nghiệp Việt duy nhất nắm giữ công nghệ lõi từ nghiên cứu và phát triển sản phẩm đến làm chủ về công nghệ pin, công nghệ sản xuất phần cứng tới thiết kế phần mềm.
Ở phân khúc trung và cao cấp, VinFast đang lấn át xe máy điện Trung Quốc nhờ chất lượng sản xuất tốt, chính sách thuê pin và hệ thống phân phối chuyên nghiệp, giá tốt. Thêm vào đó, hãng xe này cũng đang sử dụng pin LFP cho các mẫu xe máy điện, giúp quãng đường đi được sau mỗi lần sạc lớn nhất thị trường.
Việc phát triển nhanh của các thương hiệu xe máy điện lắp ráp trong nước dường như khiến các “ông lớn” không thể đứng ngoài.
Đại diện Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) cho biết, VAMM nhận thấy xe điện là xu hướng phát triển tại Việt Nam trong tương lai. Các doanh nghiệp trong VAMM cũng đang nghiên cứu về hệ thống trạm đổi pin với tiêu chuẩn dùng chung cho cả 5 hãng thành viên.
“Tiến tới sau này người dân mua xe khi đến trạm đổi pin có thể đổi pin cho nhau. Việc đó có thể giải quyết được bài toán quãng đường di chuyển và thời gian sạc thay vì phải đợi 4 - 6 tiếng để sạc. Việc đổi pin rất đơn giản giống như bên Đài Loan, được coi như giải pháp hữu hiệu khắc phục những điểm thiếu sót của xe điện”, đại diện VAMM chia sẻ.
Hiện hiệp hội VAMM chưa có thành viên nào bán xe máy điện tại Việt Nam. Chỉ có Honda đưa xe Benley e về thử nghiệm, Yamaha lắp ráp xe máy điện Neo’s. Tuy nhiên, đại diện một hãng xe máy thuộc VAMM đã xác nhận, sẽ bán ra xe máy điện tại Việt Nam vào năm 2023.
“Mẫu xe nào tôi không thể tiết lộ. Nhưng đây sẽ là một mẫu xe sạc pin do các hãng chưa có tiêu chuẩn pin dùng chung để thực hiện đổi pin. Khi các hãng xe máy có uy tín như Honda hay Yamaha bán ra xe máy điện, có thể sẽ tạo cú hích mạnh tới thị trường này”, vị đại diện chia sẻ thêm.
Theo đại diện Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM), để thúc đẩy thị trường xe máy điện trong nước, Chính phủ cùng các cơ quan, ban, ngành liên quan cần xây dựng và ban hành chính sách đồng bộ để hạn chế thị trường tự phát, sản phẩm chất lượng kém gây mất lòng tin ở khách hàng. Đồng thời, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt đầu tư sản xuất và kinh doanh bài bản, cạnh tranh sòng phẳng với các doanh nghiệp nước ngoài.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận