Ghi nhận của PV Báo Giao thông chiều 2/9 tại các tuyến đường cửa ngõ TP.HCM như: cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (cao tốc HLD), xa lộ Hà Nội, QL1 lượng phương tiện tăng cao so với ngày thường. Dù đông nhưng tình hình nhìn chung giao thông ổn định do lực lượng CSGT và TTGT làm tốt nhiệm vụ phân luồng... Tuy nhiên, khu vực bến phà Cát Lái phía bờ huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) xảy ra tình trạng ùn tắc kéo dài hơn 1km.
Theo quan sát của PV vào lúc 15h30’ chiều cùng ngày, mật độ phương tiện hướng cao tốc HLD tăng cao nhưng không xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông. Khi đến nút giao An Phú (quận 2, TP.HCM) với cao tốc cao tốc HLD các phương tiện phải xếp hàng "bò" chậm qua "nút thắt cổ chai" nhiều năm qua chưa được giải quyết. Trung bình một phương tiện phải mất từ 3-5 lượt đèn xanh mới vượt qua được giao lộ này để vào trung tâm TP.
Tương tự, trên các tuyến đường cửa ngõ vào TP.HCM như: Xa lộ Hà Nội, QL1 đều được bố trí các tổ đội của CSGT, TTGT phân luồng điều tiết giao thông từ xa nên không xảy ra tình trạng kẹt xe như mọi năm.
Khác với các tuyến đường cửa ngõ ra vào TP.HCM tình hình giao thông khu vực phà Cát Lái rất căng thẳng, đầu giờ chiều 2/9 hàng vạn phương tiện đổ dồn bến phà Cát Lái từ Đồng Nai - TP.HCM khiến đường dẫn xuống phà kẹt xe hơn 1km. Tại đây, lực lượng CSGT phối hợp cùng lực lượng dân phòng, nhân viên bến phà phải làm việc hết công suất vất vả điều tiết giao thông, bán vé từ xa nhưng vẫn xảy ra tình trạng ùn tắc kéo dài.
Có mặt chỉ huy công tác điều tiết giao thông tại khu vực đường dẫn bờ Nhơn Trạch ông Nguyễn Thanh Tuấn, Phó giám đốc Xí nghiệp quản lý phà Thanh niên xung phong (đơn vị quản lý phà Cát Lái) cho biết: Từ 13h chiều lượng xe máy, ô tô, bắt đầu quay trở về TP.HCM lượng khách tăng cao đột biến cùng lúc đổ dồn về khiến xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông.
Theo ông Tuấn, lưu lượng phương tiện qua Phà Cát Lái trong ngày 2/9 có thể đạt trên 80 ngàn lượt người phương tiện/ngày, gấp đôi so với ngày thường. Do dự báo trước tình hình bến phà đã chủ động huy động tất cả các phà để giải tỏa khách. Dù các phà công suất lớn hoạt động liên tục, triển khai bán vé từ xa nhưng các phương tiện cùng đổ dồn hướng Vũng Tàu về TP.HCM nên phía bờ Nhơn Trạch (Đồng Nai) bị quá tải, nhân viên bến phà phải hoạt động hết công suất.
“Đầu giờ chiều, các loại phương tiện hướng Đồng Nai về TP.HCM đổ về bến phà cực kỳ đông chúng tôi cũng đã có phương án tăng cường nhân sự, phương tiện cũng như có sự phối hợp với CSGT, công an huyện Nhơn Trạch để tham gia điều tiết giữ an ninh trật tự cho đầu bến Đồng Nai. Nhằm phục vụ hành khách tốt hơn, chúng tôi đã kiến nghị Bộ GTVT điều chuyển các phương tiện từ bến phà Vàm Cống về đây để tăng cường công tác phục vụ khách trong các dịp cao điểm lễ, Tết”, ông Tuấn nói.
Cũng liên quan đến phà Cát Lái, vào cuối tháng 8/2019, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản đồng ý giao UBND tỉnh Đồng Nai là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền triển khai thực hiện dự án cầu Cát Lái thay thế phà Cát Lái. Dự kiến, cầu Cát Lái sẽ khởi công trong năm 2020, dài 3.782m, phần cầu chính dài 650m, kết cấu bằng dây văng hai trục tháp.
Một số hình ảnh PV Báo Giao thông ghi nhận giao thông khu vực cửa ngõ TP.HCM chiều 2/9:
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận