Bộ GTVT vừa ban hành Thông tư 25/2019/TT-BGTVT (sau đây gọi là Thông tư 25) quy định việc kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường ô tô sản xuất, lắp ráp thuộc đối tượng của Nghị định số 116/2017/NĐ-CP. Thông tư này áp dụng đối với các cơ sở sản xuất, lắp ráp ô tô, cơ sở sản xuất hoặc nhập khẩu linh kiện ô tô và các tổ chức, cơ quan liên quan đến việc quản lý, kiểm tra, thử nghiệm ô tô và linh kiện ô tô.
Thông tư quy định ô tô sản xuất, lắp ráp phải có Hồ sơ thiết kế và được cơ quan quản lý chất lượng (QLCL) là Cục Đăng kiểm Việt Nam thẩm định. Các mẫu xe sẽ được thử nghiệm mẫu điển hình. Tiếp đó doanh nghiệp phải có Hồ sơ đăng ký chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường kiểu loại sản phẩm đồng thời phải đảm bảo chất lượng sản phẩm trong sản xuất, lắp ráp.
Thông tư cũng quy định trình tự cấp giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; Quy định các yêu cầu đối với doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, lắp ráp hàng loạt; Cấp lại Giấy chứng nhận kiểu loại sản phẩm; Tạm dừng việc xuất xưởng của kiểu loại sản phẩm và thu hồi Giấy chứng nhận cho kiểu loại sản phẩm; Quy định về triệu hồi sản phẩm khuyết tật...
Đối với quy định về đảm bảo chất lượng sản phẩm sản xuất, lắp ráp, Thông tư quy định cơ quan QLCL thực hiện đánh giá việc đảm bảo chất lượng sản phẩm (đánh giá COP) theo các phương thức như sau:
Đối với sản phẩm sản xuất trong nước, đánh giá lần đầu được thực hiện khi cấp Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường kiểu loại sản phẩm theo các tiêu chí nêu trong tiêu chuẩn IATF 16949 “Các yêu cầu về hệ thống quản lý chất lượng dành cho các tổ chức sản xuất và dịch vụ liên quan linh kiện ngành ô tô.
Đánh giá tại các kỳ tiếp theo được tiến hành để đánh giá việc thực hiện và duy trì việc đảm bảo chất lượng của cơ sở sản xuất. Tại kỳ đánh giá này cơ quan QLCL sẽ lấy mẫu ngẫu nhiên để đánh giá việc lưu trữ hồ sơ, tài liệu liên quan đến sản phẩm và sự phù hợp của sản phẩm xuất xưởng so với hồ sơ đăng ký chứng nhận chất lượng kiểu loại. Thời gian kỳ đánh giá tiếp theo đối với cơ sở sản xuất linh kiện là 36 tháng. Đối với cơ sở sản xuất, lắp ráp ô tô có thời gian kỳ đánh giá tiếp theo từ 12 – 36 tháng tùy theo nhóm doanh nghiệp phân loại, được xác định trên cơ sở áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý chất lượng sản phẩm sản xuất, lắp ráp.
Tuy nhiên đối với các linh kiện nhập khẩu sản xuất từ nước đã có thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau trong lĩnh vực chứng nhận chất lượng xe cơ giới thì thực hiện theo thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau.
Trường hợp linh kiện nhập khẩu từ các nước chưa có thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau trong lĩnh vực chứng nhận chất lượng xe cơ giới với Việt Nam sẽ phải đánh giá COP tương tự như linh kiện sản xuất lắp ráp trong nước. Nhưng những linh kiện này sẽ được miễn đánh giá COP các kỳ tiếp theo nếu cơ sở sản xuất xuất trình được các tài liệu thể hiện kết quả đánh giá COP còn hiệu lực phù hợp theo quy định ECE, EC được thực hiện bởi cơ quan có thẩm quyền nước ngoài hoặc tổ chức đánh giá độc lập được cơ quan có thẩm quyền nước ngoài công nhận.
Thông tư 25 cũng quy định, những trường hợp không đánh giá COP. Đó là các trường hợp kiểu loại sản phẩm được sản xuất, lắp ráp theo quy trình công nghệ và quy trình kiểm tra không có sự thay đổi cơ bản hoặc đơn giản hơn so với quy trình công nghệ và quy trình kiểm tra của kiểu loại sản phẩm đã được đánh giá trước đó. Hay kiểu loại linh kiện nhập khẩu đăng ký chứng nhận theo tờ khai hàng hóa nhập khẩu.
Ngoài ra, Thông tư 25 cũng nêu rõ các quy định đối với doanh nghiệp sản xuất lắp ráp trong nước về quá trình sản xuất lắp ráp hàng loạt, triệu hồi sản phẩm,...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận