Theo ghi nhận, thời điểm hiện tại khi chỉ còn chưa đầy nửa tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, các trung tâm dịch vụ sửa chữa, các gara ô tô đang rất nhộn nhịp, thậm chí có thời điểm quá tải do lượng khách đưa xe đến bảo dưỡng, làm đẹp "chơi Tết" tăng cao.
Thời điểm cuối năm, cận Tết Nguyên đán chính là cao điểm bảo dưỡng, sửa chữa ô tô tại các gara bảo dưỡng xe
Bên cạnh việc nhận khách đặt trước, nhiều khách không có lịch hẹn cũng đưa xe đi bảo dưỡng phải để xe lại và chờ đến khi bảo dưỡng xong sẽ được gọi đến lấy để tránh tập trung đông người, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19.
Ông Nguyễn Tiến Toàn, Giám đốc gara Minh Thức Auto (quận Nam Từ Liêm) cho biết, ngay từ đầu tháng 1/2022, lượng khách đưa xe đi bảo dưỡng bắt đầu dồn dập mỗi ngày, bởi nhiều người quan niệm chiếc xe là "bộ mặt" của mình nên luôn phải sạch sẽ, sáng sủa nhất, đặc biệt trong thời điểm đón năm mới.
Theo ông Toàn, tùy theo quãng đường xe đã đi, 4.000km, 8.000km hay 12.000km và hơn nữa sẽ có các quy trình, công việc bảo dưỡng chăm sóc xe khác nhau. Nhưng về cơ bản sẽ kiểm tra tổng thể xe, đặc biệt là hệ thống phanh xe, dầu máy, nước làm mát động cơ,... để đảm bảo an toàn cho máy và động cơ, giúp chiếc xe được vận hành tốt nhất khi đi chơi Tết xa. Chi phí bảo dưỡng khoảng 2,5 triệu đồng.
Ngoài ra, đối với những xe thường xuyên phải di chuyển, khi bảo dưỡng, kỹ thuật viên sẽ phải kiểm tra nhiều bộ phận hơn, nhất là hệ thống gầm bệ, lốp, rotuyn,... để đảm bảo an toàn cho người sử dụng.
Theo tư vấn của ông Toàn, Xe Giao thông điểm qua một số hạng mục cần bảo dưỡng, chăm sóc xe dịp Tết như:
Phanh xe là bộ phận quan trọng hàng đầu cần kiểm tra
Kiểm tra phanh và lốp xe
Đối với điều kiện đường sá ở Việt Nam, việc sử dụng phanh thường xuyên khiến phanh bị mài mòn nhiều, lâu dần khiến phanh bị mất tác dụng.
Trong khi đó, lốp xe thường bị lão hoá theo thời gian, dùng lâu dài sẽ không đủ an toàn để chạy đường xa, thậm chí dễ gây nổ lốp xe.
Do đó, cần phải kiểm tra thật kỹ hai bộ phận này để đảm bảo an toàn cho gia đình trong những chuyến du xuân xa.
Thông thường, tại các trung tâm bảo dưỡng, kỹ thuật viên sẽ tiến hành tháo bánh xe, sau đó tháo phanh xe để kiểm tra bố, kiểm tra dầu. Cuối cùng là vệ sinh bố phanh nếu bị bẩn do bụi bám vào, tra mỡ ắc thắng rồi ráp lại như ban đầu.
Đồng thời kiểm tra xem đĩa phanh có bị cong vênh hay không, độ dày đồng nhất không, để nếu gặp tình trạng này sẽ láng lại đĩa phanh, thậm chí là thay thế nếu cần thiết.
Đối với lốp xe, thường sẽ kiểm tra xem lốp có mòn, có nứt gãy hay không, nếu có sẽ phải thay thế để tránh nguy hiểm khi di chuyển. Trường hợp lốp không bị hư hại nhiều sẽ kiểm tra áp suất lốp, không nên để lốp xe quá căng hoặc quá non sẽ ảnh hưởng đến độ bám đường và mức tiêu hao nhiên liệu. Khuyến cáo nên bơm áp suất lốp phù hợp với quy định của nhà sản xuất.
Khi thay nước làm mát, cần đổ đúng loại nước phù hợp với tiêu chuẩn và loại nước cũ
Kiểm tra nước làm mát
Công dụng của nước làm mát có tác dụng làm cho động cơ trên xe không bị ì, nóng trong quá trình sử dụng, đặc biệt là những chuyến du lịch dài ngày.
Để kiểm tra nước làm mát, chỉ cần mở nắp ca-pô để xem xét mực nước giữa 2 vạch Full/Low trên thân bình. Nếu nước nằm ngoài 2 vạch, cần châm thêm hoặc rút bớt.
Lưu ý khi thay nước làm mát, cần đổ đúng loại nước phù hợp với tiêu chuẩn và loại nước cũ, tránh tình trạng kết tủa đáy két khiến két nước bị bục.
Cần thay dầu định kỳ để bảo vệ động cơ, tăng hiệu suất động cơ và giảm chi phí bảo dưỡng,
Thay dầu bôi trơn cho xe
Dầu bôi trơn sau một thời gian sử dụng trong điều kiện khắc nghiệt, nhiệt độ cao trong động cơ sẽ bẻ gãy các phân tử dầu, dầu dễ bị oxy hóa dẫn đến giảm chất lượng dầu, khả năng bôi trơn giảm.
Ngoài ra trong quá trình hoạt động của động cơ, ma sát giữa các chi tiết kim loại tạo ra muội và bụi kim loại li ti sẽ khiến dầu đặc dần trở thành lực cản khiến các chi tiết trong động cơ không thể chuyển động gây tình trạng bó máy hoặc nóng máy gây hư hỏng.
Do đó, khách hàng cần thay dầu định kỳ để bảo vệ động cơ, tăng hiệu suất động cơ và giảm chi phí bảo dưỡng, tránh những hỏng vặt của xe nhất trong năm mới đang cận kề.
Lọc gió có thể bị bám bẩn dẫn đến tắc nghẹt sau thời gian dài sử dụng
Vệ sinh kim phun, họng hút, bu-gi, lọc gió
Trên xe ô tô, các bộ phận kim phun, họng hút, bu-gi, dây cao áp, lọc gió,... ảnh hưởng trực tiếp tới khả năng vận hành của xe. Những bộ phận này hoạt động tốt sẽ giúp tối ưu hóa công suất động cơ, tiết kiệm nhiên liệu giúp xe vận hành êm ái, trơn tru.
Ô tô sau một thời gian sử dụng có thể khiến những bộ phận này bị bám bẩn dẫn đến tắc, nghẹt, cần phải vệ sinh, xúc rửa để đảm bảo được sạch sẽ và hoạt động hiệu quả nhất.
Thông thường, bộ phận này được vệ sinh bằng máy và hóa chất khoảng 15.000 km/lần. Đối với ô tô cũ, nên thường xuyên vệ sinh hơn, khoảng từ 7.000-10.000 km/lần, tuỳ từng tình trạng xe.
Công đoạn đầu tiên của việc kiểm tra bình ắc-quy đó là cần kiểm tra các điện cực phía trên nắp bình
Kiểm tra ắc quy
Công đoạn đầu tiên của việc kiểm tra bình ắc-quy đó là cần kiểm tra các điện cực phía trên nắp bình, đảm bảo tất cả các điện cực được nối chính xác. Khi phát hiện các vấn đề chập điện, cháy, rò rỉ chất lỏng,… hãy thay mới ngay để tránh xảy ra cháy nổ, tai nạn.
Sau đó, kiểm tra mực nước bên trong có nằm giữa 2 vạch Upper và Lower hay không. Nếu mực nước quá thấp, bạn cần đổ thêm hoặc thay bình mới.
Lốp dự phòng là trang bị cần thiết mang theo trên những chuyến đi dài
Kiểm tra lốp dự phòng và đồ sửa chữa trên xe khi cần thiết
Sự cố bất ngờ xảy ra trên đường là điều không thể lường trước được, do đó trước mỗi chuyến đi xa, chủ xe cần chủ động một số bộ dụng cụ sửa chữa theo xe, đặc biệt là lốp dự phòng.
Bên cạnh đó, cũng cần trang bị thêm một vài kiến thức cơ bản về sửa chữa ô tô trước khi khởi hành từ trên mạng hoặc sách hướng dẫn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận