Đây là thực trạng được nhiều khách hàng bảo hiểm phương tiện xe cơ giới phản ánh đến Báo Giao thông. Khi gặp tai nạn, sự cố va chạm, ngoài việc bị áp những chế tài vô lý để từ chối bồi thường, nhiều nạn nhân còn bị “hành” bằng cách yêu cầu cung cấp các loại giấy tờ hết sức vô lý từ cơ quan bảo hiểm.
Những yêu cầu bắt bí khách hàng
Anh Nguyễn Ngọc Hải (xã Bình Ninh, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang) cho biết, anh có tham gia bảo hiểm trách nhiệm dân sự tại Công ty Bảo hiểm Bưu điện Tiền Giang (PTI Tiền Giang).
Ngày 19/12/2018, khi đang điều khiển xe ô tô lưu thông trên QL50 thì xảy ra tai nạn làm hư hỏng 2 trạm biến áp của Công ty CP ĐTXD 886 Thành Nam và Điện lực huyện Gò Công Tây. Theo bản kết luận định giá tài sản của công an, tổng thiệt hại gần 168 triệu đồng. Theo yêu cầu của bên thiệt hại, anh Hải đã tự bỏ tiền túi để bồi thường và hy vọng sẽ được bảo hiểm thanh toán sau.
Sau đó, anh Hải đã thông báo đến cơ quan chức năng giải quyết tai nạn và thông báo tổn thất đến PTI Tiền Giang để được hỗ trợ giải quyết quyền lợi bảo hiểm. Tuy nhiên, cán bộ giải quyết bồi thường của PTI Tiền Giang yêu cầu anh phải cung cấp một loạt các hồ sơ.
Ngoài những giấy tờ có thể chủ động được như: Giấy tờ của xe và chủ xe, phía bảo hiểm còn yêu cầu cung cấp các văn bản từ các cơ quan chức năng như: Biên bản kết luận định giá tài sản, biên bản của cơ quan công an ghi nhận hiện trường vụ tai nạn…
“Vô lý ở chỗ phía PTI Tiền Giang yêu cầu tôi cần phải cung cấp thêm hóa đơn giá trị gia tăng (hóa đơn VAT) về việc sửa chữa khắc phục tài sản là trạm biến áp và thu hồi lại toàn bộ tài sản bị thiệt hại giao lại cho công ty bảo hiểm”, anh Hải cho biết.
Sự việc kéo dài gần 11 tháng nhưng vẫn chưa được giải quyết bồi thường do chưa đủ hồ sơ, cực chẳng đã, anh Hải đã làm đơn khiếu nại gửi lãnh đạo Bảo hiểm Bưu điện PTI cũng như Cục Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính).
Mới đây, sau khi nhận được đơn khiếu nại, lãnh đạo PTI đã nhận thấy những yêu cầu vô lý kể trên và đã quyết định bồi thường cho anh Hải.
Còn anh Phùng Tiến (trú Đà Nẵng, chủ sở hữu chiếc xe bán tải BKS 43C - 177.43) chia sẻ, đầu tháng 9/2019, chiếc xe bán tải Chevrolet Colorado của anh bị sự cố va quệt dẫn đến hỏng tấm ốp che hốc bánh xe phía trước bên phụ (gọi tắt là vành cua lốp).
Tuy nhiên, khi anh Tiến đề nghị phía Công ty Bảo hiểm Hàng không, Chi nhánh Đà Nẵng (VNI Đà Nẵng) bồi thường thì giám định viên từ chối, với lý do đây là thiết bị được độ vào xe, vi phạm quy tắc bảo hiểm.
Ngay sau đó, anh Phùng Tiến khiếu nại bảo hiểm VNI Đà Nẵng với lý do đó là thiết bị nguyên bản nhưng phía bảo hiểm vẫn không chấp nhận, yêu cầu anh Tiến phải tự chứng minh đó là trang bị nguyên bản, không độ chế.
Đến ngày 13/9/2019, anh Phùng Tiến buộc phải đến chính hãng lấy giấy xác nhận trang bị nguyên bản theo xe, lúc này phía bảo hiểm VNI Đà Nẵng mới chấp nhận giải quyết bồi thường.
Bảo hiểm đang đẩy trách nhiệm cho khách hàng?
Chia sẻ về vụ việc yêu cầu khách hàng phải đi chứng minh chiếc xe của mình không độ chế, một giám định viên bảo hiểm cho rằng: “Đáng lý giám định viên VNI Đà Nẵng phải tự đi xác minh có đúng chiếc xe đó là bản đặc biệt với trang bị nguyên gốc như vậy không. Để xảy ra tranh cãi, từ chối rồi sau lại chấp nhận bồi thường thì mất đi sự thiện chí giữa đôi bên, ảnh hưởng đến uy tín thương hiệu của DN”.
Ở các nước như Malaysia và Hàn Quốc, khi 2 xe gặp tai nạn mà không có thiệt hại về người, thì bảo hiểm của đôi bên tự đến giải quyết, không cần sự can thiệp của cảnh sát nếu không có hư hại về công trình giao thông liên đới.
Nếu xe tự va chạm gây hư hại do lỗi lái xe thì càng đơn giản, gọi bảo hiểm là xong, khách hàng không phải làm gì ngoài đọc mã số bảo hiểm.
Chuyên gia bảo hiểm Nguyễn Khắc Xuân (Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn bảo hiểm INFAIR)
Nhận định về vụ việc PTI Tiền Giang yêu cầu khách hàng cung cấp hóa đơn, chuyên gia luật kinh tế Nguyễn Thị Phương Loan (VP Luật sư Thái Minh, Hà Nội) phân tích: “Trong bồi thường bảo hiểm trách nhiệm dân sự, có quy định khách hàng phải có hóa đơn VAT về hạng mục tổn thất, để bảo hiểm làm cơ sở thanh toán. Tuy nhiên, thực tiễn có những trường hợp tổn thất là trâu bò trên đường, hoa màu, nhà dân bị hư hại thì làm sao có thể có hóa đơn VAT”.
Trong vụ việc này, bà Loan cho rằng, những tài liệu trên là đầy đủ, hợp pháp để chứng minh các thiệt hại về tài sản của bên thứ ba. Các bên thứ ba không sử dụng các dịch vụ sửa chữa bên ngoài để khắc phục tài sản nên không thể có hóa đơn VAT. Vì thế, việc PTI yêu cầu hóa đơn VAT là không phù hợp. Việc không có hóa đơn không làm thay đổi trách nhiệm bảo hiểm của PTI và không phải là vướng mắc không thể giải quyết để trì hoãn trách nhiệm bồi thường.
Cũng theo bà Loan, trong trường hợp Thông tư 22/2016/TT-BTC không quy định được hết các trường 1hợp bồi thường thiệt hại, PTI có thể áp dụng văn bản luật cao hơn là Luật Kinh doanh bảo hiểm. Trong đó, Điều 47 quy định hình thức bồi thường bằng tiền (bồi thường khoán) chính là cơ sở pháp lý cho trường hợp này.
Theo một số chuyên gia, trách nhiệm chứng minh thiệt hại trong bảo hiểm hiện nay đang dồn cho người dân quá nhiều trong khi số giấy tờ phải thu thập là rất lớn, nhất là không phải người nào sau tai nạn cũng khỏe mạnh.
Vì vậy, cần tính toán sửa lại các quy định theo hướng doanh nghiệp phải thu thập tài liệu bồi thường, bởi chỉ họ mới có sự chuyên nghiệp và nhiều khi là cơ sở pháp lý. Người dân được tạo thuận lợi sẽ tham gia bảo hiểm nhiều hơn, tạo điều kiện cho thị trường phát triển.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận