Khách hàng luôn bị “cầm đằng lưỡi” khi thuê xe tự lái dịp Tết vì nhu cầu tăng cao. Ảnh: BHP |
Nhu cầu thuê xe tự lái tăng cao trong dịp Tết Đinh Dậu, trong khi loại hình dịch vụ này chưa có các quy định chặt chẽ, đã trở thành nguyên nhân của những câu chuyện cười ra nước mắt mà phần thua thiệt thường rơi vào người thuê xe.
“Dở khóc, dở cười” khi thuê xe chơi Tết
Trước Tết, anh Ngọc Sơn (Hai Bà Trưng, Hà Nội) đến một công ty trên đường Tây Sơn tìm thuê một chiếc xe tự lái để sử dụng trong 3 - 4 ngày. Anh Sơn bảo, do phải trực tại cơ quan nên đến sáng 30 Tết (tức ngày 27/1) mới cần xe để chở vợ con về quê. Tuy nhiên, điều trớ trêu là khi làm hợp đồng, bên cho thuê yêu cầu phải nhận xe vào ngày 28 Tết (tức ngày 25/1) với lý do đây là ngày làm việc cuối cùng của công ty. Không chỉ phải nhận xe trước hai ngày, khách thuê xe còn phải “ôm” xe đến ngày 6 Tết (tức ngày 2/2) mới được... trả lại. Tính ra, anh Sơn dù chỉ có nhu cầu sử dụng xe 3 - 4 ngày, nhưng phải thuê xe gần chục ngày. Vì đã hỏi hàng loạt địa chỉ cho thuê xe tự lái và đều nhận được câu trả lời “không cho khách hàng thuê ngắn hạn” nên anh Sơn đành chấp nhận tình cảnh vừa phải trông xe hộ, vừa mất tiền thuê xe đắt thêm nhiều ngày.
Đây chỉ là một trong nhiều nỗi khổ của những “thượng đế” đi thuê xe dịp Tết, mà nguyên nhân là do “cầu vượt cung” khiến các công ty cho thuê thừa cơ áp dụng những điều khoản khắt khe với khách hàng. Ngoài việc phải thuê xe dài ngày, tại một số địa chỉ cho thuê xe chơi Tết, khách hàng còn bị khống chế về quãng đường giới hạn di chuyển trong một ngày. Anh Nhật Quang (Cầu Giấy, Hà Nội) - một người thường xuyên thuê xe tự lái chia sẻ: “Bình thường khi thuê xe, chủ xe sẽ khoán cho khoảng 250km/ngày. Tuy nhiên, dịp Tết Đinh Dậu này, một vài chủ xe khoán cho mỗi xe chỉ được di chuyển trong mức 180km/ngày. Ngoài ra, một vài công ty còn “chặt chém” khách hàng bằng cách tăng giá đối với số km vượt quá định mức kể trên. Ví dụ, ngày thường giá 1km vượt định mức sẽ được tính 2.500 đồng/km, nhưng vào dịp Tết con số này sẽ tăng gấp đôi”.
Anh Lê Xuân Hùng (Thanh Xuân, Hà Nội) cũng “cay đắng” chia sẻ câu chuyện thuê xe của mình. Số là trước Tết, anh Hùng có thuê một chiếc Innova đời 2008 để chủ động đưa gia đình về quê ăn Tết, kết hợp du xuân, đi lễ đầu năm. Do thời gian khá gấp và khi đến công ty chỉ còn lại duy nhất một chiếc xe nên anh Hùng đành nhắm mắt ký hợp đồng. Chủ quan không kiểm tra xe kỹ càng, ngay trong ngày 29 Tết (tức ngày 26/1), trên đường đưa gia đình về Phú Thọ, chiếc xe đã gặp sự cố ở phần động cơ, không thể khởi động lại được. Do nơi cho thuê xe lúc này đã nghỉ làm nên anh Hùng phải gọi cứu hộ đưa xe về garage. Việc gọi xe cứu hộ cẩu xe về trong ngày 29 Tết khiến anh tiêu tốn gần 2 triệu đồng. Ấm ức hơn, do đã sát Tết nên garage không thể sửa chữa hay khắc phục ngay sự cố này mà hẹn sẽ sửa và trả xe sau dịp Tết. Anh Hùng đành chấp nhận để xe nằm kho suốt dịp Tết và phải hủy toàn bộ kế hoạch du xuân. Ngỡ tưởng ra Tết sau khi trả xe, các chi phí như kéo xe về garage, sửa chữa sẽ được công ty cho thuê xe thanh toán, bồi hoàn lại nhưng bên cho thuê xe nói sẽ không chịu trách nhiệm do điều khoản này không có trong hợp đồng thuê xe. Không cãi lý được do không xem xét kỹ hợp đồng cũng như thỏa thuận rõ ràng trước khi thuê xe, anh Hùng đành “ôm cục tức” vào người và coi đây là một bài học nhớ đời về việc thuê xe tự lái…
Làm gì để tránh rước nợ vào thân?
Trao đổi với PV Báo Giao thông, anh Vũ Quang Tâm, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Việt Thanh, một cơ sở cho thuê xe tự lái tại quận Thanh Xuân, Hà Nội cho biết, Tết Đinh Dậu vừa qua, cơ sở của anh cho thuê hết toàn bộ số xe đang có do nhu cầu tăng cao. Những dòng xe khách hàng lựa chọn đầu tiên là: Kia Morning, Chevrolet Cruze hay Toyota Innova…
Chia sẻ về những trường hợp “dở khóc, dở cười” của người thuê xe dịp Tết, anh Tâm thẳng thắn cho biết: “Thực tế điều đó không nằm ngoài quy luật thị trường”. Khách thuê xe tại cơ sở của anh cũng phải chịu số ngày thuê tối thiểu là 8 ngày nếu muốn thuê xe sử dụng dịp Tết Đinh Dậu. Bên cạnh đó, giá thuê xe dịp Tết sẽ tăng khoảng gấp rưỡi so với ngày thường. Cụ thể, nếu giá thuê ngày thường cho một chiếc xe là 800.000 đồng/xe, thì dịp Tết cao nhất lên đến 1,2 triệu đồng/xe.
Hiện nay, không có quy chế chuẩn nào cho việc thuê xe mà mỗi nơi, mỗi người cho thuê sẽ tự đặt ra những quy định riêng để đảm bảo quyền lợi cho cả hai bên. Tuy nhiên, lợi ích tối đa vẫn thuộc về người cho thuê trong nhiều tình huống. Chính vì thế, người đi thuê vẫn luôn phải cẩn trọng trong các thủ tục cũng như xem xét kỹ tình trạng xe trước khi thuê để tránh những rắc rối không cần thiết. Anh Vũ Quang Tâm, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Việt Thanh. |
“Nếu xe trong tình trạng như lúc bàn giao cho khách mà bị hỏng hóc, toàn bộ chi phí sửa chữa cũng như gọi xe cứu hộ sẽ do đơn vị cho thuê chịu. Nếu phát hiện hỏng hóc, va quệt do khách hàng gây ra, toàn bộ chi phí sẽ do khách hàng chịu. Tuy nhiên, trong dịp Tết Đinh Dậu, đa phần khách thuê xe tại Công ty Việt Thanh là khách quen và để giữ vững uy tín nên tất cả những chiếc xe đều được bảo dưỡng, xem xét cẩn thận trước khi giao xe”, anh Tâm cho biết.
Sau khi nghe câu chuyện của anh Nhật Quang mà PV Báo Giao thông kể, anh Tâm cho biết, tùy từng nơi thuê xe và điều khoản thuê xe mà số tiền quá ngày cũng như quá km giới hạn sẽ được tính khác nhau. Như tại cơ sở của anh, không giới hạn số km trong một ngày hay giới hạn quãng đường. Thậm chí trong dịp Tết, nếu khách hàng có trả xe quá ngày, cơ sở thuê xe của anh cũng vẫn tính giá quá ngày theo ngày thường chứ không áp dụng giá cho riêng dịp Tết. Tùy từng loại xe khách thuê mà giá trả xe quá ngày sẽ dao động tối thiểu từ mức 600 - 800.000 đồng.
Anh Tâm vẫn lưu ý, các khách hàng dù thuê xe tại công ty nào đều phải kiểm tra xe một cách kỹ càng và chú ý các điều khoản hợp đồng để tránh rước nợ vào thân.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận