Ngày 18/11, Hiệp hội Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH) Việt Nam (VFRA) thông báo tổ chức thử nghiệm chữa cháy pin Lithium-ion của xe máy điện, xe đạp điện bằng bình chữa cháy xách tay.
Việc thử nghiệm được tiến hành tại Nhà máy công ty TNHH phát triển công nghiệp Minh Khuê, địa chỉ xã Phủ Lỗ, huyện Sóc Sơn, Hà Nội cùng với sự tham gia của một số ban chuyên môn từ VFRA, các cán bộ chuyên môn đến từ Cục Cảnh sát PCCC và CNCH (Bộ Công an), đại diện các doanh nghiệp hội viên có sản phẩm đăng ký thử nghiệm.
Dùng cát để dập đám cháy
Cục PCCC và CNCH đã thử nghiệm dùng cát để chữa cháy tuy nhiên, cần phải có kỹ năng. Đầu tiên phải đạp đổ xe cho khu vực chứa pin tiếp xúc sát mặt đất. Sau đó, dùng một lượng lớn cát để phủ trùm lên vị trí đang bốc cháy. Kết quả đã dập tắt được đám cháy pin xe điện sau vài phút.
Theo đại diện Cục PCCC và CNCH, trước khi chữa cháy, phải cố gắng cách ly các xe xung quanh với xe điện đang cháy. Cần lưu ý đó, cát phải được tưới nước để duy trì độ ẩm. Việc tưới ẩm cát nên được duy trì thường xuyên.
Các loại bình chữa cháy có thể dập tắt đám cháy pin xe điện
Ngoài sử dụng cát, buổi thử nghiệm đã tìm ra một số loại bình chữa cháy có hiệu quả trong chữa cháy pin xe điện như:
Bình chữa cháy xách tay được sử dụng để thử nghiệm gồm: Một số bình chữa cháy đang lưu thông trên thị trường: bình bột, bình khí C02..
Ngoài ra, một số loại bình chữa cháy xách tay do các doanh nghiệp hội viên VFRA sản xuất và đăng ký thử nghiệm gồm: Bình chữa cháy gốc nước Eco Fire 6; bình chữa cháy gốc nước F500 EA công nghệ bọc phân tử; bình chữa cháy nhãn hiệu Orion OR-6, sử dụng dung dịch chữa cháy hợp chất ORION.
Ngoài ra, các đơn vị cũng tiến hành thử nghiệm thêm phương án dùng cát để chữa cháy. Số liệu và kết quả thử nghiệm được ghi nhận.
Nhiệt độ các đám cháy đo tại khối pin trước thời điểm tiến hành dập cháy trong khoảng 500 độ C - 600 độ C. Trong quá trình cháy, các viên pin Lithium - Ion phát nổ và văng ra xa trên 30m với độ cao ước lượng khoảng 15m so với vị trí của xe điện. Viên pin văng ra có nhiệt độ khoảng 250 độ C.
Theo đó, các bình chữa cháy xách tay loại bình bột và bình khí CO2 không thể dập tắt được đám cháy. Tuy nhiên loại bình chữa cháy nhãn hiệu F500 EA, sử dụng dung dịch chữa cháy gốc nước - công nghệ bọc phân tử đã dập tắt đám cháy chỉ trong thời gian 2 phút. Sau khi đám cháy được dập tắt, các viên pin không có hiện tượng nổ, không có khói, nhiệt độ giảm sâu (< 60 độ C).
Bên cạnh đó loại bình chữa cháy nhãn hiệu ORION OR-6, sử dụng dung dịch chữa cháy hợp chất ORION (do Công ty TNHH Vina foam Việt Nam sản xuất và đăng ký thử nghiệm) dập tắt được đám cháy trong thời gian 4 phút. Sau khi đám cháy được dập tắt, các viên pin không có hiện tượng nổ, không có khói, nhiệt độ giảm sâu (< 60 độ C).
Từ kết quả thử nghiệm nêu trên, VFRA khuyến cáo đến người dân, cộng đồng. Theo đó các bình chữa cháy xách tay sau đây (do doanh nghiệp hội viên của VFRA đăng ký thử nghiệm và đã được VFRA thử nghiệm) có khả năng dập tắt được các đám cháy Pin Lithium - Ion trang bị trên xe máy điện, xe đạp điện, bao gồm:
Bình chữa cháy nhãn hiệu F500 EA, sử dụng dung dịch chữa cháy gốc nước - công nghệ bọc phân tử; nhà sản xuất: Công ty CP dịch vụ tổng hợp dầu khí Sông Lam.
Bình chữa cháy nhãn hiệu ORION OR-6, sử dụng dung dịch chữa cháy hợp chất ORION; nhà sản xuất: Công ty TNHH Vina Foam Việt Nam.
Hiệp hội VFRA cho hay, do các viên pin khi cháy sẽ nổ và văng ra xa với nhiệt độ rất cao nên khi chữa cháy các đám cháy này, người chữa cháy phải trang phục đồ bảo hộ để đảm bảo an toàn trong quá trình chữa cháy.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận