Dù nguyên nhân vụ cháy chung cư mini tại Khương Hạ được cơ quan chức năng xác định không phải do việc sạc xe máy điện như đồn đoán ban đầu nhưng dư âm của thông tin này đã khiến thị trường xe máy điện lao đao.
Doanh số giảm giữa mùa cao điểm
Người tiêu dùng cẩn trọng hơn khi chọn mua xe đạp, xe máy điện sau vụ cháy chung cư mini.
Em Nguyễn Thị Huyền (Xuân Trường, Nam Định) là tân sinh viên đại học, đang trọ tại một chung cư mini gần trường trên địa bàn quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết, muốn mua một chiếc xe máy điện để đi học và làm thêm nhưng hiện đã phải tạm dừng ý định này.
"Ngay sau khi xảy ra vụ cháy tại Khương Hạ, chủ nhà thông báo tạm thời không được sạc xe đạp, xe máy điện ở chung cư. Em vẫn chưa biết khi nào có thể sạc xe trở lại, trong khi đi học, đi làm là nhu cầu hàng ngày. Nếu tình trạng này kéo dài, em sẽ phải mua xe xăng", Huyền than thở.
Theo anh Trần Tùng, chủ cửa hàng xe điện Bảo Tín (61 Nguyễn Lương Bằng, quận Đống Đa, Hà Nội), ngay sau khi vụ cháy tại Khương Hạ xảy ra, nhiều khách hàng đã lập tức dừng kế hoạch mua xe điện.
"Thời điểm đó nguyên nhân hỏa hoạn chưa được xác định rõ ràng, có nhiều thông tin sai lệch khiến người mua xe điện hoang mang. Có khách hàng đã đặt cọc, hẹn đến nhận xe nhưng lại báo hủy. Số lượng xe bán ra sau khi xảy ra vụ cháy giảm một nửa so với trước", anh Tùng nói.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, bà Nguyễn Phương Thảo, đại diện truyền thông của hệ thống cửa hàng Xe điện Việt Thanh cho biết, mùa cao điểm của thị trường xe điện kéo dài từ tháng 5 đến hết tháng 9. Đây là thời điểm chuyển cấp học và khai giảng năm học mới nên nhu cầu mua xe tăng cao. Giai đoạn này, lượng xe bán ra có thể chiếm tới 60% doanh số cả năm.
"Sau vụ cháy, những tin đồn thất thiệt về xe điện không an toàn, cộng với các quy định cấm gửi xe điện tại các chung cư, phòng trọ đã tác động rất lớn tới tâm lý khách hàng", bà Thảo nhận định.
Cần cẩn trọng với xe điện giá rẻ
Một cửa hàng bán xe máy điện tại Hà Nội.
Theo bà Nguyễn Phương Thảo, sau vụ hỏa hoạn, thói quen mua xe điện của người tiêu dùng đã có sự thay đổi. Khách hàng ưu tiên chọn mua xe của những thương hiệu lớn, có thông tin rõ ràng về ắc quy, pin sử dụng trên xe như VinFast, Yadea...
Trước kia nhiều người chỉ quan tâm tới giá, cảm giác khi đi xe thì giờ đều hỏi han rất kỹ về độ bền, sự an toàn của các linh kiện, đặc biệt là ắc quy hoặc pin.
"Xu hướng này thể hiện rất rõ tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM... Còn tại nhiều khu vực và tỉnh, thành khác, khách hàng vẫn quan tâm giá bán là chủ yếu", bà Thảo nói thêm.
Chủ cửa hàng xe điện Bảo Tín nhận định, có khoảng từ 30-40% xe đạp, xe máy điện hiện bán trên thị trường được gia công tại Việt Nam theo diện không chính hãng, sử dụng những linh, phụ kiện không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật dẫn đến nguy cơ mất an toàn. Loại xe này ít xuất hiện tại các thành phố lớn, song được bày bán nhiều ở tỉnh lẻ hoặc vùng ngoại thành.
"Ví dụ như dây điện đấu ắc quy phải là dây chống cháy và đủ sức chịu tải, nhưng với các loại xe máy, xe đạp điện gia công, có trường hợp còn dùng cả loại dây của quạt hay nồi cơm điện để đấu nối, rất nguy hiểm", anh Tùng giải thích.
Bà Thảo cho biết, hiện nay hầu hết hãng xe và nhà sản xuất đều áp dụng tính năng tự ngắt sạc điện khi ắc quy hoặc pin đầy, tránh gây quá tải điện áp hoặc tăng nhiệt quá cao.
Tuy nhiên với các thương hiệu lớn, độ bền thiết bị sạc sẽ cao hơn nên khách hàng dùng qua nhiều năm vẫn đảm bảo. Các sản phẩm sạc giá rẻ thì nhanh hỏng hơn, sau một thời gian không còn tự ngắt khi đã sạc đầy, khiến người dùng phải chủ động căn thời gian rút điện sau khoảng 6 tiếng.
Trên thị trường hiện nay, phần lớn các loại xe đạp, xe máy điện vẫn sử dụng bình ắc quy, khi xảy ra sự cố với một bình ắc quy, hệ thống sẽ tự ngắt mạch giữa các quả ắc quy. Nếu chập điện, nhiệt tăng cao gây chảy nhựa, khói, biến dạng, chứ không phát sinh ngọn lửa.
Đại diện chuỗi cửa hàng Xe điện Việt Thanh cũng khuyến cáo người dùng nên giữ nguyên trạng xe của nhà sản xuất, không độ/chế, nâng cấp pin hoặc can thiệp thay đổi hệ thống mạch điện trên xe.
Lý do bởi đa số "xưởng" độ pin hiện nay không được cấp chứng nhận an toàn theo chuẩn đăng kiểm xe cơ giới tại Việt Nam. Họ chủ yếu đang sử dụng cell pin lithium-ion với việc đóng gói pin và quản lý mạch thủ công, dùng nguồn linh kiện không rõ nguồn gốc. Việc này hết sức nguy hiểm vì cell pin lithium-ion nếu chập cháy sẽ phát thành nguồn lửa lớn, có gây nổ và không thể dập bằng nước hoặc bình chữa cháy thông thường.
Cùng đó, khách hàng nên chọn mua xe từ thương hiệu lớn tại các cơ sở bán lẻ uy tín, cung cấp xe chính hãng và được ủy quyền bảo hành chính hãng, có hệ thống cửa hàng rộng và đội ngũ kỹ thuật viên túc trực để việc bảo hành, bảo dưỡng nhanh chóng và thuận tiện.
Sạc điện khiến nổ pin rất hãn hữu
Ông Trần Quang Hà, Phó vụ trưởng Vụ KHCN&MT (Bộ GTVT) cho biết, có thể khẳng định việc sạc điện dẫn đến nổ pin hay bình ắc-quy chỉ là hãn hữu. Bởi theo nguyên lý của các loại pin, khi sạc điện đầy thì dòng điện sẽ nhỏ dần và tiến tới cân bằng, có thể tự động ngắt dòng sạc. Bản thân các loại pin và ắc-quy khi thiết kế cũng đã tính đến những nguy cơ chống chập cháy nên được kiểm soát chất lượng rất nghiêm ngặt bằng các bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn và thử nghiệm cháy nổ.
Theo PGS.TS Đàm Hoàng Phúc, Giám đốc Chương trình đào tạo kỹ thuật ô tô (Đại học Bách khoa Hà Nội), trên thực tế, pin lithium trên xe điện có khả năng cháy và khi đã cháy thì khó dập hơn bình thường. Tuy nhiên điều kiện để loại pin này cháy rất khó, thậm chí còn khó cháy hơn xăng, dầu rất nhiều.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận